Câu chuyện từ thung lũng D’ran

Huyền Linh 24 lượt xem 18 Tháng Chín, 2024

Sinh ra giữa núi đồi quanh năm sương lạnh, lớn lên trong lòng thị trấn nhỏ ít ai biết đến, nơi mà ngay cả địa danh cũng lạ lẫm khi giới thiệu cho bất kỳ ai – D’ran, cậu nhóc ấy từng nuôi ước mơ trở thành chính trị gia để hy vọng những con đường quê nghèo của mình sẽ được phủ nhựa cho bớt bụi sình, và để trẻ em D’ran có được niềm vui trong những thư viện đầy sách báo, để cái tên D’ran được nhiều người biết đến hơn…

1 10
Hành trình 17 năm mang không khí tết ấm áp, vui tươi đến bà con nghèo
ẢNH: NVCC

Năm học lớp 10, cậu nhóc từng chia sẻ ước mơ đó của mình khi có dịp đối thoại cùng những người trẻ khắp Việt Nam với Thủ tướng Chính phủ mới vừa nhậm chức. Lúc bấy giờ, có hai luồng ý kiến bàn luận về ước mơ của cậu. Nhiều người cho rằng cậu đã quá mơ mộng hão huyền, tham vọng xa vời và suy nghĩ điên rồ. Nhưng cũng có người cổ vũ cho ước mơ bay cao, bay xa của tuổi trẻ. Trong số những người ủng hộ cậu, còn nhớ cô giáo Diệu Linh đã nói: “Em cứ ước mơ, đã mơ thì phải đủ lớn, để mình cố gắng gấp nhiều lần người khác. Dù em có thể không đạt đến con số 10/10 nhưng cô tin em sẽ không dừng lại ở số 2/10, 3/10 trên hành trình theo đuổi ước mơ, lý tưởng”.

Cũng từ đó, tôi biết mình phải làm gì. Và kể từ đó, những chiếc xe đạp của tôi và bạn bè lăn bánh khắp nẻo đường D’ran để hành động sống có ích. Hành trình ấy cứ đều đặn kéo dài đến nay đã được 17 năm bền bỉ, và được đặt cái tên giản dị: “Chung tay đón tết thường niên”.

Chuyến đi đầu tiên – 17 năm về trước

Cứ mỗi cuối tuần của tháng, nhóm học sinh lớp 10A1, 10A2, 10A3 chúng tôi hẹn nhau dùng ít tiền dành dụm để ra chợ mua ít quà: cá khô, mì gói, sữa trứng và đôi lúc có cả mùng, mền… để chủ nhật đạp xe 2-3km đến thăm chị Trâm, em Liên, quét dọn nhà cửa và nấu ăn cho cụ Bốn… Họ là những người yếu thế đang sống trên khắp các sườn đồi, góc núi của thị trấn D’ran.

20 đứa học sinh chúng tôi trên những chiếc xe đạp Martin, chở nhau dưới tán thông xanh mướt. Dọc dòng sông Đa Nhim lấp lánh nắng vàng, ngang qua những đồi hoa dã quỳ rực rỡ của một thị trấn nhỏ, đẹp như cổ tích.

“Xứ cổ tích thì làm gì có những câu chuyện buồn, chuyện khổ đâu nhỉ?”. Tôi từng giữ suy nghĩ này cho đến khi thấy được những hoàn cảnh buồn thương. Kể từ đó, tôi biết sống yêu thương nhiều hơn, biết nhìn lại cuộc sống đủ đầy mình đang có để trân quý, biết suy nghĩ bản thân mình phải nỗ lực sống đẹp, sống có ích, để cố gắng nhiều hơn nữa.

Chủ nhật cuối tuần tháng 9.2007, không nằm trong hoạt động ngoại khóa của trường, cô giáo Diệu Linh dẫn chúng tôi đến thăm nhà chị Trâm nằm tít sâu trong hẻm núi thung lũng Hòa Bình – D’ran.

Mùa mưa cao nguyên trên tôi luôn dầm dề không ngớt, những cơn mưa kéo dài từ sáng đến tối, ngày này qua ngày khác. Để đến được nhà chị Trâm, chúng tôi phải leo lên con đường đất đỏ bazan trơn trượt, men sườn núi dốc, khó đi vô cùng. Vậy mà những đứa trẻ sinh sống ở nơi này, ngày ngày phải đi bộ, đạp xe hơn 10km đến trường.

2 9
Chị Trâm đã chịu ra nắng cùng các bạn trẻ, chị cười rất tươi và rất đẹp (ảnh chụp mùa xuân 2014
ẢNH: NVCC

Khi đến thăm nhà chị Trâm, tôi không biết chính xác căn bệnh của chị là gì. Tôi thấy chị không thể tự đi bằng chân và cũng không muốn gặp người lạ. Lần đó chúng tôi tặng chị chiếc xe lăn để đi lại. Mặc dù căn nhà chị ở rất nhỏ, xe lăn không thể di chuyển được bên trong, nhưng chúng tôi hy vọng món quà sẽ giúp chị dễ dàng ra sân nhà tắm nắng.

Cũng phải qua rất nhiều lần đến chơi, đùa vui cùng chị thì chị Trâm mới quen mặt chúng tôi. Sau chừng 3 năm thì lần đầu tiên tôi cũng đã thấy chỉ cười và biết chọc lại mọi người. Khoảnh khắc đó khiến chúng tôi vui lắm. Bởi có niềm vui nào khi thấy người mình yêu thương được hạnh phúc.

Khi tôi vào TP.HCM học, cậu sinh viên xa nhà hiếm khi về quê cũng không đến thăm chị như trước được. Các bạn đi thăm kể lại tôi rằng chị hay hỏi “Khương có đến không?”. Sau này nghe tin chị mất, lòng tôi trống không đến vô cùng…

Chọn cho mình một cuộc đời đáng sống

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, chúng tôi ai nấy vào TP.HCM học tiếp, chỉ trở về quê hương D’ran đông đủ vào mỗi dịp cuối năm – Tết Nguyên đán.

Từ những chuyến đi cuối tuần, giờ đây chỉ còn lại một lần trong năm. Chúng tôi gọi là “Chung tay đón Tết thường niên”. Năm này qua năm khác, không ai nghĩ rằng đến nay cũng đã trải qua 17 năm kiên trì mang không khí tết ấm áp, vui tươi đến bà con nghèo tại thị trấn của hàng chục thế hệ trẻ nối tiếp chân nhau.

17 năm ấy có những bạn như tôi không còn đủ thời gian để tổ chức, tham gia. Người thì bận gia đình, người đến chiều 30 tết mới kịp về quê…, thế nhưng chương trình vẫn duy trì sức sống mãnh liệt đến lạ kỳ, và thậm chí nội dung và hình thức tổ chức chương trình ngày càng đổi mới hơn, quy mô hơn, chuyên nghiệp hơn.

Bằng cách nào họ làm được tốt hơn và tốt hơn nữa như vậy, cho một chương trình mà chất kết dính duy nhất để mọi người chưa quen biết cùng làm chung với nhau?, đó chính là tình yêu quê hương – thị trấn D’ran nhỏ xíu của chúng tôi.

Trải nghiệm nhiều, tôi thấy làm tình nguyện thì bản thân mình là người được “lợi” nhiều nhất trước khi mình giúp ích cho người khác. Mình được học từ các anh chị trong cách làm việc, được luyện kỹ năng sở trường, học hỏi thêm kinh nghiệm làm dự án… Hơn thế nữa, khi người trẻ được làm điều mình thích, thấy ngay kết quả việc mình làm thì bản thân các bạn cũng có những trải nghiệm cho tuổi thanh xuân thêm ý nghĩa, tự hào.

17 năm ấy, các bạn trẻ đã “lục tung” thị trấn để đến nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn, đã “sáng kiến” nhiều chương trình thiết thực, ý nghĩa. Có những điều tưởng chừng như không tưởng, nhưng cũng đã vượt bao hoài nghi để quyết tâm làm cho bằng được.

3 8
Nụ cười “tươi hơn nắng mùa xuân” của người lớn cho đến trẻ em thôn Kan Kil, thị trấn D’ran khi được tự do chọn lựa quần áo, đồ chơi mà mình thích
ẢNH: NVCC

Trong số đó, tôi nhớ đến sáng kiến của Quốc Việt – một cậu em nhỏ hơn tôi nhiều tuổi. Sau khi thấy những đứa trẻ ở quê đập dẹp vỏ chai nước suối làm dép, thấy những chiếc quần mòn và cả những chiếc áo len không đủ ấm trong mùa đông lạnh. Quốc Việt đã đề xuất huy động quần áo cũ, quần áo xuất khẩu may bị lỗi ở TP.HCM và cả đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… để tặng cho đồng bào, trẻ em còn thiếu thốn. Từ năm đầu tiên làm, chúng tôi đã đặt cho chương trình nhỏ này với cái tên: “Chợ phiên 0 đồng”.

Và tôi cũng rất ấn tượng với những quyển lịch tự tay thiết kế, có những hình ảnh quê hương được chụp đầy cảm xúc qua góc nhìn của các bạn trẻ lớn lên từ D’ran. Những quyển lịch bay đi khắp thế giới, từ TP.HCM sang Pháp, Mỹ… được những người con xa quê ngắm nhìn mỗi ngày, để cùng nhau nhớ về một nơi chôn rau cắt rốn, nhớ về miền đất đầy ắp ký ức và kỷ niệm thân thương, nhớ về thời thanh niên sôi nổi có mình trong đó, với những người bạn cùng quê tuyệt vời.

Chúng tôi biết rằng, 3-4 chuyến đi thăm, 1-2 triệu đồng cho mỗi học bổng, 17 năm liên tục của một hành trình không hẳn giúp cho những hoàn cảnh nghèo trở nên khá hơn, những người ốm trở nên hết bệnh, những căn ung thư có thể được điều trị dứt. Nhưng qua “Chung tay đón Tết thường niên” của chúng tôi, những người trẻ D’ran có cái “cớ” được gặp nhau để làm điều tốt ngay trên quê hương mình sau một năm làm nhiều điều tốt ở mọi miền Tổ quốc.

Ở “Chung tay đón tết thường niên”, chúng tôi không cần “điểm rèn luyện”, cũng không áp lực thành tích; chỉ có nhau, có tình anh em bằng hữu, tình đồng hương và tình yêu quê nghèo phố núi.

“Chung tay đón tết thường niên” cho người trẻ chúng tôi biết rằng mình còn đang rất “giàu” về sức khỏe, còn rất may mắn để được đi giúp người khác, để biết yêu quý bản thân, biết ơn những gì đang có và biết chọn một cuộc đời đáng sống từng ngày.

Theo Thanh Niên

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm