Cam kết thực hành ESG với những mục tiêu cụ thể sẽ được miễn giảm thuế là một trong những kiến nghị của doanh nghiệp.
Đây là một trong những nội dung được đề cập tại Báo cáo đánh giá mức độ thực hành ESG trong doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp mong muốn có chính sách miễn, giảm thuế khi đã cam kết thực hành ESG với những mục tiêu cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững
Đánh giá được thực hiện dựa trên “Công cụ đánh giá mức độ thực hành kinh doanh bền vững theo khung đánh giá ESG” do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát triển với sự hỗ trợ kỹ thuật từ dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC).
Hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau cho thấy, 30% doanh nghiệp đang tìm hiểu về ESG; 7% đã có kế hoạch và đang thực hành ESG; 16% doanh nghiệp chưa từng nghe đến ESG nhưng đang thực hành về chủ đề môi trường, xã hội và quản trị. Trong khi đó, số doanh nghiệp chưa từng nghe đến ESG là 39%, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản; y tế và sức khỏe; du lịch, lưu trú và ăn uống.
Cụ thể hơn, theo quy mô doanh nghiệp, 66% doanh nghiệp lớn thực hành về trụ cột môi trường. Con số này ở doanh nghiệp quy mô vừa là 61%, ở quy mô nhỏ là 48% và doanh nghiệp siêu nhỏ là 39%.
Thực hành về trụ cột xã hội, theo quy mô doanh nghiệp, các con số lần lượt là 79% với doanh nghiệp lớn, 70% doanh nghiệp quy mô vừa, 65% doanh nghiệp quy mô nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ là 61%.
Ở trụ cột cuối cùng, 76% doanh nghiệp lớn thực hành về quản trị, 67% doanh nghiệp vừa, 59% doanh nghiệp nhỏ và 53% doanh nghiệp siêu nhỏ.
Ngoài ra, ở từng trụ cột, báo cáo còn đánh giá theo từng vùng kinh tế, theo nhóm lĩnh vực sản xuất và phi sản xuất. Từ đó, xếp hạng thực hành ESG tương ứng
Làm việc với các doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu nhận thấy nhiều rào cản, khó khăn khi doanh nghiệp thực hành ESG.
Trước hết, về mặt nhận thức, 62,41% doanh nghiệp chưa nắm rõ về các quy định, chính sách của Nhà nước liên quan đến ESG. Có tới 77,39% số doanh nghiệp siêu nhỏ và 67,3% số doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trong vấn đề này. Con số này ở doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp lớn là 60,26% và 43,27%.
Thứ hai, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi không có hoặc thiếu thông tin về ESG; thiếu các chương trình về giới thiệu và đào tạo ESG cũng như chưa có chính sách cụ thể từ Chính phủ về ESG.
Thứ ba, về tác động của biến đổi khí hậu, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu nên mỗi năm đều bị sụt lún, chịu hậu quả của hạn hán, hạn mặn.
Thứ tư, về nguồn lực con người cần thời gian để đào tạo và nguồn lực liên quan đến cơ sở hạ tầng, việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, mất thời gian, nhất là với doanh nghiệp sản xuất và cung cấp hàng hóa tới các tỉnh khác.
Trên cơ sở đó, báo cáo đưa ra những khuyến nghị của doanh nghiệp với 3 mối quan tâm hàng đầu. Đó là, các cơ quan chức năng cần có văn bản cụ thể hướng dẫn cho các doanh nghiệp thực hành ESG. Doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận đến các khoản vay xanh từ Chính phủ hoặc các tổ chức tài chính.
Đặc biệt, có chính sách giảm hay miễn thuế cho các doanh nghiệp đã cam kết thực hành ESG với những mục tiêu cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững
Ngoài ra, doanh nghiệp mong muốn tiếp cận các dự án về chuyển đổi xanh; hỗ trợ kiểm kê khí nhà kính và học hỏi kinh nghiệm quốc tế từ các quốc gia, doanh nghiệp đi trước.