Ngôi nhà cổ gần 200 tuổi được một gia đình ở tỉnh Quảng Nam gìn giữ như báu vật. Điều đáng nói, ngôi nhà này được ông Ngô Đình Diệm hỏi mua tới 3 lần nhưng gia chủ đều từ chối.
Nằm cách TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) hơn 30 km, làng Lộc Yên ở xã Tiên Cảnh (H.Tiên Phước) nổi tiếng với những ngôi nhà cổ đẹp hàng trăm năm tuổi. Tuy nhiên, nói đến nhà cổ đẹp nhất và nguyên vẹn nhất, người địa phương sẽ không ngần ngại chỉ ngay đến ngôi nhà của ông Nguyễn Đình Hoan (64 tuổi). Ông Hoan là chủ nhân đời thứ tư của ngôi nhà rộng hơn 100 m², làm bằng hàng trăm mét khối lõi gỗ mít rừng.
Theo ông Hoan, ngày còn sống, cha ông là cụ Nguyễn Huỳnh Anh kể rằng ngôi nhà được xây năm 1850, từ thời cụ cố Nguyễn Đình Hoằng – từng là cửu phẩm bá hộ thời đó. Nhà do nhóm thợ nức tiếng làng mộc Văn Hà, nay là xã Tam Thành (H.Phú Ninh, Quảng Nam) xây dựng trong suốt 3 năm. Ngôi nhà có kiến trúc nhà rường Quảng Nam với 3 gian 2 chái, 8 cây cột nhất gỗ mít ròng, 16 cây cột nhì, 12 cây cột chái và vì kèo, xuyên, trính, đầu hồi… chạm trổ công phu, được dựng trên khu đất có thế đắc địa về phong thủy. Trước cửa là dãy núi Hòn Ngang làm bình phong che chắn, sau lưng tựa vào núi Gò Tròn làm điểm tựa.
Điểm nhấn của ngôi nhà tập trung ở phần trên các thanh trính (thanh gỗ nối hai cột chiều dọc ngôi nhà) với lối kèo thượng giao nguyên, dưới kèo có “trỏng quả” và tấm “gia thu thủ quyển”. Nếu nhìn về hai phía đầu hồi sẽ thấy bộ “gia thu thủ quyển” mềm mại bởi nét chạm hoa lá nhẹ nhàng cùng hình cuốn thư. Nếu đưa mắt về gian thờ tự của ngôi nhà ngay chính giữa, người xem lại bắt gặp bộ “trỏng quả” với chân đế, quả bí và bộ lá (gọi là ấp quả) được điêu khắc tỉ mỉ tựa hình con dơi đang bay.
Không chỉ vậy, sự độc đáo của ngôi nhà cổ này còn ở những chiếc trính được đục đẽo cong ở hai đầu rất kỳ công. Trong nhà có 36 cây cột chính đều được đặt trên đá tảng, trong đó có 16 cột trụ lớn được làm từ nguyên cây mít. Quan sát kỹ các thanh kèo gối lên nhau, người xem sẽ liên tưởng đến những con rồng như đang nối đuôi nhau “sà” từ nóc xuống đến tận hiên nhờ những nét chạm trổ cực kỳ tinh xảo. Ngoài ra, để ý kỹ các kèo, người chiêm ngưỡng sẽ rất thích thú khi bắt gặp hình ảnh con dơi, chim, hoa mai, hoa lan, hình cuốn thư…
BA LẦN TỪ CHỐI BÁN CHO ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM
Sự nổi tiếng của ngôi nhà còn gắn với những câu chuyện về sự “cứng đầu” của chủ nhà khi 3 lần thẳng thừng từ chối lời hỏi mua của ông Ngô Đình Diệm, theo lời kể của chủ nhân ngôi nhà và những vị cao niên làng Lộc Yên.
Chuyện kể rằng, vào năm 1939, lúc đó ông Ngô Đình Diệm là thượng thư, vào thăm anh trai Ngô Đình Khôi đang làm Tổng đốc Nam Ngãi (nay là 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi), nghe tiếng ngôi nhà này đẹp đã tìm đến xem và hỏi mua. Ông Nguyễn Huỳnh Anh dứt khoát từ chối rồi chỉ lên câu đối treo trên cột nhà đọc to, đại ý rằng căn nhà do ông cố để lại, được dựng lên từ phước đức ông bà, không thể bán được. Sau một buổi thuyết phục không được, trưa hôm đó ông Ngô Đình Diệm nghỉ ngay trên bộ phản trong nhà, đem thức ăn mang theo ra ăn rồi về.
Đến năm 1960, khi đã làm tổng thống chính quyền Việt Nam cộng hòa, ông Ngô Đình Diệm lại nhờ người đến mua nhưng cũng bị ông Huỳnh Anh từ chối. Đến năm 1962, ông Diệm nhờ người thương lượng một lần nữa. Ông Diệm hứa sẽ xây nhà cho ông Anh ở bất cứ nơi đâu, nhà to cỡ nào tùy thích và được bù thêm một khoản tiền lớn. Thế nhưng ông Anh vẫn cương quyết chối từ. “Chính quyền địa phương gọi cha tui lên o ép nhưng ông nói “thà chết còn hơn bán hương hỏa ông bà”. Chính nhờ sự kiên quyết của bố tôi ngày đó mà giờ đây Lộc Yên còn lưu giữ được ngôi nhà cổ có giá trị cao và kiến trúc độc đáo này”, ông Hoan nói.
Trải qua nhiều thế hệ, nhiều đại gia đến gạ mua, trong đó có người trả giá cả triệu USD, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu của gia chủ. “Ngôi nhà là tài sản vô giá, vừa là báu vật của cha ông để lại nên sau này tôi qua đời thì con cháu sẽ tiếp tục gìn giữ nó”, ông Hoan quả quyết.
Vì giá trị tạo hình hết sức độc đáo nên ngôi nhà này đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Năm 2014, ngôi nhà được tỉnh Quảng Nam đầu tư trùng tu, thay thế một số thanh gỗ bị mối mục nhưng những giá trị kiến trúc vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
Một lãnh đạo H.Tiên Phước cho hay trong số gần 10 ngôi nhà cổ được bảo tồn tại làng Lộc Yên, nhà của gia đình Nguyễn Đình Hoan là đẹp nhất về nhiều phương diện nên cần được bảo tồn chặt chẽ. Vị này cho biết thêm: “Chuyện ông Ngô Đình Diệm nhiều lần tìm cách mua nhưng chủ nhân không bán là có thật chứ không chỉ là giai thoại. Trong hồ sơ để công nhận di tích đối với ngôi nhà cũng có đề cập chuyện này”. (còn tiếp)