Khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao

Ngọc Thương 121 lượt xem 8 Tháng Tám, 2024

Sáng 8/8/2024, đã diễn ra Hội nghị Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và hợp tác xã vùng ĐBSCL tham gia Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

Hội nghị do Cục kinh tế hợp tác và Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với SORIMACHI  Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ.

IMG 5664
Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Bộ NN&PTNT phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc, ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, để triển khai Đề án theo Quyết định số 2178/QĐ-BNN-KTHT ngày 04/7/2024 của Bộ NN&PTNT vừa công bố, mục đích của hội nghị nhằm khuyến khích, thu hút cá nhân, tổ chức tham gia, triển khai có hiệu quả Đề án nhằm xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức, các tổ hợp tác, hợp tác xã và các doanh nghiệp, các địa phương liên kết tham gia vào Đề án được triển khai thí điểm bước đầu có hiệu quả tại 5 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, tạo tiền đề nhân rộng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp ra 12 tỉnh trong vùng ĐBSCL theo chỉ đạo của Chính phủ.

Các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp liên kết, doanh nghiệp dịch vụ tham gia Đề án, được tham gia Chương trình tín dụng, được ưu tiên hỗ trợ đào tạo, tư vấn tăng cường năng lực, ưu tiên hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, trang thiết bị máy móc và chia sẻ lợi ích từ chuyển nhượng tín chỉ các-bon; được hưởng lợi từ giá trị gạo chất lượng cao, phát thải thấp; xây dựng được vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc… đi kèm với các nghĩa vụ được quy định rõ theo Quyết định 2178 của Bộ NN&PTNT.

IMG 5668 1
Đại diện HTX nông nghiệp trao đổi, chia sẻ tại Hội nghị

Tại Hội nghị, ý kiến của các đơn vị, tổ chức tham gia liên kết đề nghị cần làm rõ hơn các vấn đề: có nên pháp lý hóa hành chính về quy định đăng ký tham gia Đề án; làm thế nào để thúc đẩy tính liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến chế biến, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, hạn chế dần tình trạng chỉ đơn thuần liên kết mua và bán sản phẩm như hiện nay.

Hội nghị cũng bàn về các giải pháp, kế hoạch để phát huy vai trò của HTX về năng lực quản lý, kinh doanh đi liền với các cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX hình thành và phát triển; các nghị định hướng dẫn dưới Luật HTX cần ban hành kịp thời.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đặt câu hỏi về nguồn tín dụng từ đâu, hình thức vay ra sao để thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị. Các quy định, giải pháp, cơ chế giám sát giảm phát thải từ bộ, ngành chức năng cần sớm triển khai nhanh để doanh nghiệp, HTX có cơ sở, hành lang pháp lý cụ thể để thực hiện…

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, hiện ĐBSCL có 24.000 thương lái tham gia tích cực cùng với các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp để tạo đầu ra tiêu thụ cho 24 triệu tấn lúa hàng năm của nông dân ĐBSCL, cần được ghi nhận, đánh giá đúng mức vai trò trong giải quyết đầu ra cho nông sản ĐBSCL. Trên cơ sở đó cần có các chế, chính sách, giải pháp và sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý, các ban, ngành và chính quyền địa phương cùng hỗ trợ phát triển mạnh các HTX nông nghiệp – chủ thể chính trong việc triển khai Đề án.

Đặc biệt, không khuyến khích liên kết đơn thuần hình thức mua – bán do kém bền vững, chỉ khuyến khích liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất – thu hoạch – bảo quản – chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phù hợp yêu cầu thị trường (ổn định, nâng cao giá bán); giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả, mang lại lợi ích cho nông dân, hạn chế bẻ kèo, giúp HTX, doanh nghiệp tận dụng được thế mạnh của nhau (doanh nghiệp hỗ trợ hướng dẫn về quy trình, vốn, công nghệ), cùng chung tay góp sức thúc đẩy triển khai nhanh và hiệu quả thành công Đề án tại vùng ĐBSCL.

Theo Báo Đầu tư

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm