Tọa lạc trong Vườn Bách thảo Sài Gòn. Thời Pháp gọi là Viện bảo tàng Blanchard de la Brosse, đặt theo tên thống đốc Nam kỳ, người đã cho khởi công xây bảo tàng.
Bảo tàng Blanchard de la Brosse – Bảo tàng Lịch sử Sài Gòn
Bảo tàng thành lập vào năm 1929, còn gọi là Bảo tàng Hội Nghiên cứu Đông Dương (Musée de Société des Études Indochinoises). Ý định thành lập bảo tàng đã có từ năm 1882 khi Hội đồng quản hạt (Conseil colonial) đồng ý trên nguyên tắc qua đề nghị của Giáo sư Milne-Edwards sẽ xây một viện bảo tàng cho thành phố Sài Gòn. Hội Nghiên cứu Đông Dương lúc này cần có một nơi để lưu trữ tư liệu, các hiện vật khảo cổ Khmer, Chăm, đồ đá thời tiền sử ở khu vực Sài Gòn và rải rác ở Nam kỳ đã được thu thập qua các khám phá từ nhiều năm trước.
Trong thời gian từ 1882 – 1929, bảo tàng tạm thời phải di chuyển nhiều nơi, như mướn nhà (1904) ở 140 đường Pellerin (nay là Pasteur), ở số 16 rue Lagrandière (Lý Tự Trọng) tạm thời từ năm 1917, đến 1925 trong tòa nhà Hôtel du Contrôle financier số 12 Boulevard Norodom (nay là Lê Duẩn) trước khi dời đến địa điểm trong vườn bách thảo. Trong số các hội viên của Hội Nghiên cứu Đông Dương ở Sài Gòn, có nhiều người được biết đến như nhà sử học Aymonier, bác sĩ Mougeot, Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Paulus Của, A.Landes, bác sĩ Dejean de la Batie, Lê Văn Thông, kỹ sư Thévenet, nhà khảo cổ Henri Marchal, Georges Maspero, Nguyễn Văn Của (chủ nhà in Nguyễn Văn Của).
Bảo tàng được xây từ năm 1928 đến ngày 1.1.1929 thì khánh thành, sau khi bác sĩ Victor – Thomas Holbé mất vào năm 1927. Ông Holbé cũng là một người thông thái trong nhiều lĩnh vực và thích sưu tầm cổ vật. Nhà ông ở quảng trường Maréchal Joffre (quảng trường Hồ Con Rùa ngày nay) có nhiều cây cối nhiệt đới đủ loại và là nơi tụ tập của nhiều nhà trí thức, học giả Pháp, Việt đến nói chuyện trao đổi mọi vấn đề. Tiệm thuốc tây của ông ở góc đường Catinat và Bonard là một trong những tiệm thuốc tây đầu tiên ở Sài Gòn.
Khi ông mất, vì không muốn bộ sưu tập của ông bị phân tán và bán đấu giá, Hội Nghiên cứu Đông Dương (Société des Études Indochinoises) đã kêu gọi hội viên, các nhà bảo trợ quyên góp được 45.000 đồng mua lại bộ sưu tập và tặng cho chính phủ với mục đích khuyến khích nhà cầm quyền xây một viện bảo tàng để lưu trữ. Kế hoạch này có kết quả tốt và ngày 24.11.1927, thống đốc Nam kỳ PaulMarie Blanchard de la Brosse (1926 – 1929) ký nghị định thành lập Bảo tàng Sài Gòn. Từ năm 1956 – 1975, Bảo tàng Sài Gòn dưới thời Việt Nam Cộng hòa có tên là Bảo tàng quốc gia Việt Nam (16.5.1956), do Bộ Giáo dục quản lý. Năm 1970, bảo tàng được nới rộng, xây thêm một tòa nhà hình chữ U ở giữa là hồ nước, do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng thiết kế. Sau năm 1975, bảo tàng được đổi tên là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.
Tòa nhà do kiến trúc sư Auguste Delaval thiết kế và là một trong hai tòa nhà ở Sài Gòn được xem như tiêu biểu cho kiến trúc phối hợp Đông Tây đặc thù, kiến trúc Đông Dương (“Indochinois”). […]
Ga xe lửa Sài Gòn – Công viên 23 tháng 9
Trạm xe lửa chính ở trung tâm Sài Gòn, nối đường xe lửa đi Chợ Lớn và Mỹ Tho. Trước năm 1915, ga chính ở Sài Gòn nằm ở quai de Commerce (bến Bạch Đằng) đầu đường Krantz (Hàm Nghi). Sau đó chuyển về phía giữa đường Hàm Nghi. Đến tháng 9.1915 thì ga Sài Gòn được chuyển đến vị trí nhà kho, xưởng sửa chữa bảo trì đường xe lửa tức công viên 23 tháng 9 ngày nay. [Ga Sài Gòn hiện nay (tên gọi cũ là ga Hòa Hưng) nằm ở quận 3 – BT],
Ga xe lửa Sài Gòn là điểm khởi đầu của đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho. Theo Niên giám Đông Dương 1897 thì đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho được chính quyền giao cho Công ty Société Genérale des Tramways à Vapeur de Cochinchine đảm nhiệm (Concessionaire du chemin de fer de Saigon à My Tho, exploitations réunies). Công ty có trụ sở ở quai de l’Arroyo-Chinois (bến Chương Dương). Công ty Société genérale des tramways à vapeur et chemin de fer de Saigon-Mytho do ông Cazeau làm giám đốc, bà Hyacinthe Vinson là trưởng ga Sài Gòn. Bà Vinson là vợ của luật sư Gustave Vinson, có một thời gian (1874 – 1876) là thị trưởng thành phố Sài Gòn.
Đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho có các trạm như sau: Sài Gòn, Chợ Lớn, Phú Lâm, Bình Điền, Bình Chánh, Gò Đen, Bến Lức, Bình Anh, Tân An, Tân Hương, Tân Hiệp, Lương Phú, Trung Lương và Mỹ Tho. Tổng cộng đường Sài Gòn – Mỹ Tho dài 70,9 km.
Đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho là phương tiện giao thông quan trọng nối thủ phủ Nam kỳ đến các tỉnh miền Tây. Từ các tỉnh miền Tây, dưới thời Pháp thuộc, thanh niên đi học hay thương gia buôn bán lên Sài Gòn thường đi ghe, tàu đến Mỹ Tho và ở đó đêm trước rồi sáng mai đi xe lửa đến nhà ga Sài Gòn trước chợ Bến Thành. Từ thôn quê lên thành thị một cách tiện lợi và nhanh chóng. Năm 1928, trên chuyến xe lửa từ Mỹ Tho về Sài Gòn, ở trạm Bến Lức, hai nhà cách mạng yêu nước Nguyễn An Ninh và Phan Văn Hùm sau khi đi các tỉnh cổ võ tinh thần yêu nước của dân chúng, đã có xích mích chạm trán với một tên cai lính ở nhà ga. Phan Văn Hùm bị bắt và Nguyễn An Ninh thoát được. (còn tiếp)
(Trích Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn – Chợ Lớn xưa và nay; Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM)