Tái công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông

Huyền Linh 122 lượt xem 5 Tháng Bảy, 2024

Công viên địa chất Đắk Nông vừa vượt qua kỳ tái thẩm định, chính thức được tái công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu giai đoạn 2024 – 2027.

Ngày 1/7, UBND tỉnh Đắk Nông cho biết vừa nhận được thông báo chính thức từ Ban Khoa học Trái đất và Giảm thiểu rủi ro địa chất, thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) về việc Công viên địa chất Đắk Nông đã thành công vượt qua kỳ tái thẩm định, chính thức được công nhận danh hiệu “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông” cho giai đoạn phát triển mới 2024 – 2027.

Quyết định trên được thông qua bởi Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu tại Kỳ họp thứ 8, trong khuôn khổ Hội nghị Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu lần thứ 10, diễn ra tại Vương quốc Maroc vào năm 2023.

1 4
Núi lửa Nâm Ka, Công viên địa chất Đắk Nông. Ảnh: TL

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, quyết định công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu toàn cầu UNESCO Đắk Nông, giai đoạn 2024-2027 không chỉ ghi nhận những nỗ lực, ý chí, quyết tâm của chính quyền, nhân dân tỉnh Đắk Nông trong công tác bảo tồn và phát huy tổng thể giá trị các loại hình di sản mà còn mở ra cơ hội thu hút các nguồn lực trong phát triển kinh tế – xã hội bền vững của địa phương.

Được biết, quyết định công nhận lại danh hiệu “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông” dự kiến sẽ được trao cho tỉnh này tại Hội nghị quốc tế về Mạng lưới công viên địa chất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức vào tháng 9/2024 ở Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng, Việt Nam.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có diện tích 4.760 km2, trải rộng trên 6 huyện và thành phố. Tại đây có hệ thống hang động núi lửa độc đáo, dài nhất khu vực Đông Nam Á, trong đó đã phát hiện dấu tích cư trú của người tiền sử. Đây cũng là vùng đất đa sắc màu văn hóa của hơn 40 dân tộc, là một phần của “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” – kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

2 6
Công viên địa chất Đắk Nông có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động. Ảnh: SGTT

Khu vực này từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học. Vùng đất này cũng lưu giữ nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử.

Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 7/2020 và là công viên địa chất toàn cầu thứ ba tại Việt Nam, sau Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn tại Hà Giang và Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng.

Theo Công luận

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm