AI (trí tuệ nhân tạo) đang được phổ cập tới người dùng ở cấp độ cá nhân, thông qua những thiết bị cầm tay nhỏ gọn, dù mới bùng nổ chưa đầy 2 năm gần đây.
Cuối tháng 11.2022, người dùng thế giới bắt đầu biết tới công cụ ChatGPT – trí tuệ nhân tạo được phát hành chính thức và miễn phí tới cộng đồng sử dụng. Khả năng của mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) này nhanh chóng tạo nên “cú hích” về nhu cầu sử dụng AI tạo sinh trên toàn cầu, đồng thời kéo theo cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo giữa hàng loạt công ty công nghệ ở mọi quy mô.
Chỉ sau chưa đầy 2 năm, nhiều biến chuyển mới đã được tạo ra. Từ việc chỉ sử dụng được AI trên nền tảng web, người dùng bắt đầu có thêm lựa chọn trải nghiệm qua phần mềm chuyên biệt, tới những thiết bị phần cứng hỗ trợ ngày càng phổ biến hơn. Tới nay, AI đã “phổ cập” trên rất nhiều phần cứng khác nhau và bắt đầu “mobile hóa”, tức có mặt ở những thiết bị di động cá nhân, chạy trực tiếp trên máy mà không cần tới kết nối mạng để xử lý bởi máy chủ đám mây.
“AI giờ đây ở trong lòng bàn tay bạn, trên những mẫu smartphone. Mục tiêu của chúng tôi là khiến AI ở quanh bạn, trong thiết bị thông minh tại gia, hệ thống giao thông, văn phòng làm việc, nhà máy…”, Phó chủ tịch kiêm CEO của MediaTek Rick Tsai chia sẻ tại triển lãm Computex 2024 (Đài Loan).
Cũng tại sự kiện năm nay với chủ đề xoay quanh AI, các hãng công nghệ hàng đầu hiện nay đã phô diễn khả năng tích hợp trí tuệ nhân tạo trong các sản phẩm của mình, mang đến cho công chúng cái nhìn cận cảnh hơn về những gì mà công cụ thông minh này có thể giúp ích cho họ. Những “ông lớn” trong ngành đồng quan điểm cho rằng tương lai AI sẽ nằm trên chính thiết bị cá nhân của mỗi người dùng, không còn phụ thuộc vào đám mây.
Sự xuất hiện của Copilot Plus hay những con chip chuyên dụng như Snapdragon X Elite của Qualcomm đã khởi động một thời kỳ mới của PC, laptop, để mỗi máy là một trung tâm xử lý AI. Trên thiết bị di động, MediaTek cũng trình diễn sức mạnh xử lý của chip Dimensity 9300 series trong smartphone với khả năng xử lý lệnh văn bản thành hình ảnh, video hoàn toàn offline (ngoại tuyến).
Ở máy mẫu mô phỏng được trưng bày, người dùng có thể gõ miêu tả để yêu cầu điện thoại vẽ tranh hoặc tạo video. Mỗi thay đổi chi tiết trong câu lệnh đều được xử lý theo thời gian thực mà không cần kết nối mạng, cho thấy tiềm năng on-device (xử lý trên thiết bị) không còn là điều xa vời.
Tại sự kiện dành cho nhà phát triển của Apple – WWDC 2024 – vừa diễn ra rạng sáng 11.6 (giờ Việt Nam), Apple cũng ra mắt hệ thống trí tuệ nhân tạo cá nhân dành cho iPhone, iPad và máy tính chạy macOS của hãng, có khả năng hoạt động ngoại tuyến (dành cho máy đáp ứng yêu cầu phần cứng). Các thiết bị không đáp ứng được khả năng offline vẫn có thể sử dụng nhưng cần tới kết nối mạng để xử lý thông qua máy chủ đám mây.
Ông Pat Gelsinger, CEO Intel nhận định AI hoạt động trên thiết bị di động cá nhân mà không cần tới kết nối internet là một thực tế không thể chối bỏ.
Khi AI “bỏ túi” đã trở thành thực tiễn và tiếp cận người dùng phổ thông, hành trình tiếp theo của trí tuệ nhân tạo là gì cũng là một câu hỏi được đặt ra. Phát biểu trước thềm sự kiện Computext 2024, CEO Nvidia Jensen Huang cho rằng làn sóng tiếp theo sẽ là AI vật lý, có nghĩa trí tuệ nhân tạo sẽ hiện diện cùng con người trong hình dạng của những robot. “Robot, AI vật lý không còn là khoa học viễn tưởng”, lãnh đạo Nvidia nhấn mạnh.