Còn thương ngày mưa tháng nắng

Huyền Linh 267 lượt xem 3 Tháng Sáu, 2024

Mấy ngày vừa qua, trời nặng vòm mây xám. Mùa mưa đã điểm những cơn đầu tiên lên triền đất đỏ. Hơi gió lạnh bắt đầu lọt qua khe hở của căn nhà để ướm hỏi áo khăn.

Tây Nguyên nhờ vậy hẳn sẽ có một mùa hè “se lòng như chớm đông”. Thế mà chỉ vài hôm trước, nắng đỏ và bụi đường còn sủi lên từng dải trắng.

Vừa rồi, tôi có đến đập nước Tân Sơn. Dự là loanh quanh với hàng thông bên mép nước. Dự là đẫm mình trong cái im lắng triền miên của gió núi và sự vẹn nguyên của đại ngàn. Nhưng rồi tất cả niềm mong đợi ấy không hiểu vì sao lại tan ra, tan nhanh đến mức làm tôi bối rối. Không phải vì tôi quên rằng thời điểm ấy đang ở cuối mùa khô, mà bởi không ngờ nơi đây lại “hạn” nhiều đến thế. Hệt như khách lữ hành vừa đặt chân tới một khung trời xa lạ. Mọi vật xung quanh đều không giống như lần đầu tôi đến.

Đứng từ bờ trông ra mới thấy nước hồ đã lùi về phía xa, cảm như chỉ còn lại một khoảnh, vừa đủ cho chiếc xuồng máy loay hoay. Mặt hồ vắng đi những gợn óng khi nắng chiều rơi. Tôi lắng tai tìm tiếng chim rừng lơ đãng. Nếu có nhiều người đi lại nói cười quanh đây thì chắc sẽ lấp bớt vài hụt hẫng vô cớ không gì an ủi được.

Tôi tựa vào thân cây khô ở mép hồ, như đang tựa vào chiếc cọc thời gian mà người ta đã đóng xuống để gìn giữ một điều thiêng liêng nào đó. Đất xám trắng. Đá khô từng tảng không còn thấy rêu pha. Trống trải quá! Qua báo đài, tôi biết trái đất nóng lên mỗi ngày, hình như những nỗ lực của chúng ta vẫn đang chậm chân… Nhưng thôi, biến đổi của vạn vật là chuyện dài và khó nói.

5 1
Ảnh minh họa: MINH CHÂU

Lại nghĩ, con người mình có khác gì sông suối, cỏ cây, bỗng chốc một ngày kia nhận ra mình không còn vốn liếng. Năng lượng cho công việc cũng không mà cảm xúc để bay bổng với đời cũng không. Đó là những ngày mình chán ngán tất cả, nhạt nhẽo với tất cả. Nhịp sống cứ trôi, chỉ là ta như thể bị rút mòn sinh lực, không gắng gượng được nữa. Không một cuốn sách, một lời khuyên nào hữu ích ngay lúc đó. Tôi tạm gọi là “cuộc khủng hoảng về tâm trí”. Có người thì chuyện ấy chỉ diễn ra đôi ngày, có người thì vài tháng nhưng nhiều người phải chịu đựng rất rất lâu. Chỉ là, nó sẽ kết thúc bằng một cách nào đó, vào một ngày nào đó mà ta không hề đoán được.

Tây Nguyên hai mùa, chớp mắt mà tháng nắng đã hóa ngày mưa. Rồi đây, khi về lại đập Tân Sơn, chắc tôi không còn phải thèm nhớ cái ngân ngấn hơi nước trên mặt hồ hay mơ ước đặt chân đến xứ sở đậm đầy một dải trời xanh ngắt. Hàng thông sẽ sáng lên cái tươi mát của những tầng lá phủ dày hương vị. Tiếng chim bay vào lồng ngực để hương sắc trong trái tim con người được bừng lên. Chúng ta rồi sẽ qua hết những đứt gãy trong tâm trí, sức lực. Sự hồi sinh có lẽ là một điều kỳ diệu của cuộc sống này. Tôi tin mọi thứ sẽ trở lại bình thường một cách tự nhiên nhất.

Có lẽ thiên nhiên cao quý vì biết dạy cho ta những chân lý cuộc đời. Mưa cũng hay mà nắng cũng hay. Sớm muộn sẽ đến lúc, con người nhận ra cái vui buồn là tự thân nó vậy chứ không hẳn vì mưa nắng. Ngày mưa, hồ trên núi thênh thang như biển. Tháng nắng, chỉ còn là vũng nước nhỏ bên đồi.

Tôi chợt nhớ một nhà thơ từng viết: “Vũng nước nhỏ đọng hương biển lớn/Sa mạc gió về trong viên đá con con”. Thế nên, cái cằn cỗi, hạn khô của tạo vật là một lời thầm thĩ. Rằng, con người được phép mỏi mệt, như dòng nước trôi mãi cũng chấp nhận mình cũ kỹ, cạn mòn. Tôi đi đi lại lại mãi trên bờ đập trong cả một buổi chiều vầng dương âm ỉ. Ngỡ mình là bóng cây bên kia đồi, ghi ghi chép chép điều gì xa xăm mà ngắn ngủi.

Tây Nguyên, quê hương của tôi luôn có một chân trời nào đó để trao gửi tâm hồn. Phố xá với núi đồi nối liền vào nhau nên một tiếng gió thầm cũng đủ vang xa. Trước kia, tôi hay sửng sốt với những đổi dời nhưng bây giờ bình tâm lại, thấy trong đổi dời cũng có cái đẹp riêng nếu mình biết nhìn nhận. Tôi mong đôi mắt mình đừng khô đi, để còn được nhìn thấy cuộc đời trong cái sống động muôn màu mà chuyện nắng mưa, vui buồn âu là vốn dĩ.

Theo Gia Lai Online

Bài viết cùng chủ đề:

    1

    ‘Anh trai vượt ngàn chông gai’ muốn lập kỷ lục Guinness thế giới

    Ban tổ chức chương trình ‘Anh trai vượt ngàn chông gai’ đang kêu gọi khán giả cùng nhau xác lập kỷ lục Guinness về sự kiện có số lượng người tham gia mặc trang phục truyền thống đông nhất thế giới. Ở concert 3 ‘Anh trai vượt ngàn chông gai’, dự kiến diễn ra vào...
    20 3

    Chữ “đức” gửi đến ngàn sau

    Những nghi thức tế lễ, những màn rước, các lễ vật và những tục lệ, điều kiêng kỵ… tạo nên sắc thái phong phú của lễ hội. Nhưng thực ra, đó mới là “phần nổi”. Lễ hội còn những câu chuyện khác mà không phải ai cũng biết đến. Càng tham gia sâu vào các...
    19 3

    Võng La vươn mình cùng thời đại

    Nằm ven sông Hồng, làng chài Võng La, xã Võng La (huyện Đông Anh) là “địa chỉ đỏ”, nơi ghi dấu một vùng an toàn khu nổi tiếng của Hà Nội và cả nước thời kỳ chống thực dân Pháp. Vùng đất quật cường này vẫn còn lưu giữ nhiều câu chuyện về việc nuôi...
    18 3

    “Lớp nghệ nhân trẻ đã góp phần tái định vị nghề cổ cha ông”

    TS Nguyễn Anh Thư (khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) chia sẻ với Hànộimới hành trình định danh “di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” của nghề gốm Kim Lan… Không chỉ gắn bó với hành trình định danh “di sản văn hóa phi vật thể quốc...
    13 3

    Lan tỏa hiệu ứng áo dài bằng điện ảnh

    Dự án làm phim tài liệu về áo dài của nhà làm phim trẻ Hân Lê đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, nhất là trong những ngày tháng 3 này, khi hoạt động tôn vinh áo dài diễn ra sôi động trên khắp dải đất hình chữ S. Nó cũng...

Được quan tâm