Khi tranh dân gian được “khoác áo mới”

Huyền Linh 123 lượt xem 24 Tháng Năm, 2024

Cuộc sống hiện đại, công nghệ thay đổi với tốc độ chóng mặt, những giá trị văn hóa cổ truyền luôn đứng trước áp lực bị mai một, biến dạng. Nhưng cũng có những nỗ lực lớn lao nhằm bảo tồn, gìn giữ những di sản quý giá của cha ông, mà dự án của nhóm hoạ sĩ Latoa Indochine là một trong số đó.

“Nâng tầm” tranh dân gian

Tiếp nối thành công của chương trình “Lan tỏa bản sắc văn hóa Tết truyền thống” dịp Tết Giáp Thìn, trong hai tháng 4 và 5/2024, Latoa Indochine liên tiếp triển khai loạt triển lãm “Họa màu – Dân gian” tại nhiều không gian văn hóa ở Thủ đô Hà Nội.

Ở đây, ngoài trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, Latoa còn tổ chức hoạt động trải nghiệm vẽ màu cho tranh dân gian trên chất liệu giấy thân thiện với môi trường. Công chúng tham dự sự kiện được các họa sĩ của Latoa Indochine chia sẻ về giá trị văn hóa và ý nghĩa của từng bức tranh dân gian, được trực tiếp hướng dẫn quá trình họa màu trên các dòng tranh dân gian nổi tiếng như tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng hay tranh làng Sình…

1 6
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tham quan không gian triển lãm “Họa màu – Dân gian” tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám tối ngày 17/4/2024. Ảnh: Latoa Indochine

“Chúng tôi mong muốn qua sự kiện này, mỗi người tham gia có thể không chỉ tận hưởng niềm vui sáng tạo mà còn hiểu biết hơn về tranh dân gian. Các nghệ nhân, nhà sưu tập và những người yêu nghệ thuật có cơ hội kết nối, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn, phát triển di sản văn hóa dân gian” – chị Diệu Linh, một thành viên của Latoa Indochine chia sẻ.

Theo Chủ tịch Latoa Indochine Phạm Ngọc Long, chương trình “Họa màu – Dân gian” là chuỗi hoạt động xuyên suốt của nhóm, gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cổ truyền. Nhóm Latoa Indochine được thành lập tháng 6/2022, quy tụ những họa sĩ có cùng đam mê, tâm huyết với với sơn mài truyền thống và văn hóa dân gian. Trăn trở với việc bảo tồn tranh dân gian, họ thống nhất rằng, khi đứng trước nguy cơ mai một, những dòng tranh này cần được hiện diện nhiều hơn trong cuộc sống, trong mỗi mái nhà.

Thế nhưng, tranh dân gian của Việt Nam đều có điểm hạn chế chung, đó là in trên giấy dó, giá rẻ, kém bền và thường chỉ bán vào mùa Tết hoặc phục vụ nghi lễ tín ngưỡng, dùng một lần rồi bỏ. Hơn nữa, nhu cầu trang trí không gian sống bây giờ cũng khác trước, không mấy người còn sử dụng tranh giấy dán lên tường nữa. Muốn tranh dân gian được bảo tồn, được sống trong môi trường hiện đại, phải khắc phục được những nhược điểm trên, phải làm sao cho tranh đẹp hơn, quý hơn, bền hơn… Từ phân tích như vậy, các thành viên của nhóm đã nghiên cứu, thể nghiệm tranh trên chất liệu mới và sơn mài là cái tên được nghĩ đến đầu tiên.

Nhưng sơn mài vốn là chất liệu “đỏng đảnh”, khó định nét, trong khi một yếu tố làm nên sự khác biệt của tranh dân gian là lấy nét để định hình. Trong quá trình mày mò nghiên cứu, các hoạ sĩ của nhóm đã tìm ra việc định hình nét cho tranh bằng kỹ thuật sơn khắc.

2 5
Công chúng trải nghiệm vẽ màu tranh dân gian tại một sự kiện của Latoa Indochine

“Khi sử dụng chất liệu sơn mài, chúng tôi phải dùng sơn then để tạo nét nhưng không thể nào tinh tế như các cụ làm được. Ông cha đã sáng tạo và đúc kết ra kỹ thuật làm tranh tài hoa, vậy thì tại sao chúng ta không tận dụng bằng cách kết hợp thế mạnh của các dòng tranh ấy? Hai kỹ thuật này được chúng tôi kết hợp lại, tạo ra hiệu quả thật thú vị và bất ngờ. Mỗi bức tranh là một sự thú vị riêng, mỗi lần vẽ là một lần khám phá, khai thác chất liệu bằng cảm xúc và kỹ thuật khác nhau” – họa sĩ Lương Minh Hòa chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Long, chất liệu sơn mài cũng có hạn chế là màu khá “bệt”, gam màu thường trầm, tối. Để khắc phục điều này, các hoạ sĩ của nhóm thường sử dụng rất nhiều vàng, bạc để tranh tươi sáng, các hình khối nổi bật hơn. Đặc biệt, tranh có chiều sâu và đem lại hiệu ứng chuyển màu rất khác biệt khi có ánh sáng chiếu vào. Và đến công đoạn cuối cùng, hoàn thiện tranh, các họa sĩ cũng thường “toát” bằng tay trần trực tiếp.

“Sau nhiều năm nghiên cứu, thực hành, chúng tôi đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật sơn mài khắc. Đây là sáng tạo mới dựa trên kỹ thuật truyền thống mà vẫn giữ được tinh thần, hồn cốt của tranh dân gian. Sơn mài khắc không làm mất đi sự kết nối từ chất liệu cũ sang chất liệu mới, làm cho tranh dân gian thêm phong phú, lộng lẫy hơn” – ông Long cho biết.

Lan tỏa giá trị Việt

Theo nhiều chuyên gia, việc chuyển từ cách vẽ, in dập trên giấy dó sang chất liệu sơn mài khắc đã mở ra hướng đi mới trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của tranh dân gian. Vẫn là những chủ đề, đề tài quen thuộc của tranh dân gian nhưng với kỹ thuật thể hiện mới, các nghệ sĩ đã “khoác áo mới” cho tranh dân gian. Tranh sơn khắc hiện đại, sang trọng, bền hơn và thích ứng cao với các kiểu không gian kiến trúc khác nhau mà không làm mất đi hồn cốt của truyền thống thẩm mỹ Việt.

3 5
Du khách nước ngoài hào hứng với trải nghiệm vẽ màu tranh dân gian.

Với phương pháp sơn khắc, các nghệ sĩ Latoa Indochine đã cho ra đời hàng chục mẫu tranh dân gian “vang bóng một thời”. Có những tác phẩm đồ sộ, công phu như bức phóng tác “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” dài gần 5 m, được vẽ theo lối trường quyển, gồm 82 nhân vật, mỗi nhân vật đều mang một thần thái, dáng vẻ khác nhau. Đó còn là những bức tranh dân gian đầy màu sắc như: Thần kê, tranh Ngũ hổ, tranh Vinh hoa, tranh Phú quý; tranh Danh nhân. Các họa sĩ đã đưa khán giả tới cuộc hành trình từ xưa đến nay, từ cũ đến mới, từ truyền thống đến hiện đại đầy cảm xúc và bất ngờ.

Theo GS.TS Trương Quốc Bình – Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, tranh dân gian sơn mài khắc của Latoa Indochine là một sáng kiến rất quý, mà nếu không có niềm đam mê vốn cổ thì không thể thực hiện được.

“Đây là sự tiếp biến văn hóa hết sức đáng ghi nhận khi vừa phát huy được giá trị của nghệ thuật truyền thống sơn mài sơn khắc vừa phát huy được những tinh hoa của tranh dân gian truyền thống Việt Nam” – GS.TS Trương Quốc Bình nhận định.

Cũng đánh giá rất cao cách làm tranh mới mẻ của nhóm Latoa, nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Ngọc Khuê cho rằng, đây thực sự là một dự án bảo tồn và phát huy tranh dân gian có ý nghĩa.

“Bác Khuê là người dành cả cuộc đời cho bảo tồn tranh dân gian. Khi anh em tôi tìm ra cách làm tranh, bác đã có một lần dành cả ngày ở xưởng với chúng tôi. Lúc ăn cơm bác nói một câu mà anh em tôi nhớ mãi “Các bạn làm được điều này thì bây giờ tôi chết cũng được rồi” – ông Long hào hứng kể.

4 3
Người xem triển lãm dùng ánh sáng “soi” tranh sơn mài khắc của Latoa Indochine tại một triển lãm ở Quảng Châu (Trung Quốc)

Sau sự kiện đánh dấu bước hoàn thiện về kỹ thuật bằng triển lãm mang tên “Con đường” cuối năm 2022, hơn một năm qua, Latoa Indochine đã đem tranh dân gian Việt Nam góp mặt tại hàng chục sự kiện nghệ thuật trong nước và quốc tế. Trong số đó có thể kể đến: Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022, Festival Huế 2023; tham gia Ngày Việt Nam tại Nhật Bản, Ngày Việt Nam tại Pháp 2023 cùng nhiều triển lãm tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Nam Phi, Thái Lan…

Theo ông Phạm Ngọc Long, điều rất mừng là không riêng gì tại Việt Nam mà tất cả những nơi Latoa Indochine đưa tranh dân gian Việt Nam tới, đều “đông kinh khủng”. Công chúng đón nhận những giá trị cổ truyền rất hào hứng, đặc biệt là giới trẻ – đó là điều làm anh em trong nhóm hết sức ngạc nhiên.

“Chúng tôi đặt tên nhóm là “Latoa” với ý nghĩa là lan tỏa, là làm sao để những giá trị văn hóa Việt đến được với nhiều đối tượng. Tranh sơn mài khắc của Latoa không chỉ đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật hiện đại. Mong muốn của chúng tôi là những tác phẩm tranh dân gian Việt sẽ lan tỏa mạnh mẽ và truyền cảm hứng cho tất cả những người yêu nghệ thuật, yêu nét đẹp văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam” – ông Long khẳng định.

Theo Công luận

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm