Mưa phùn lất phất trên những con phố vắng của cố đô. Đây là lần đầu tiên tôi đến nơi đây vào mùa xuân, khi Huế đẹp nhất.
Người ta bảo Huế nhỏ thôi, chỉ có vài con đường dẫn đến những địa điểm nổi tiếng với những di sản văn hóa thế giới. Huế vừa đủ thâm trầm để sống chậm, vừa đủ những điểm đến để lang thang và đủ món ngon để nhâm nhi thưởng thức.
Đường rẽ vào lăng Minh Mạng xanh rì với những hàng cây. Mặt trời đã lên với những tia nắng yếu ớt. Lăng Minh Mạng nằm trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng, được xây dựng từ năm 1840 đến năm 1843 thì hoàn thành. Trước lăng có 3 cửa, chính giữa là Đại Hồng Môn (chỉ mở một lần duy nhất khi rước di thể vua Minh Mạng nhập lăng), hai bên là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn. Bên trong Đại Hồng môn có sân chầu, hai bên có hai dãy tượng đá tạc hình bá quan văn võ và voi, ngựa đứng chầu.
Lăng Minh Mạng là sự kết hợp giữa khung cảnh uy nghiêm và sự lãng mạn. Nếu sân chầu, điện Sùng n là những nơi có cảnh quanh uy nghiêm, kiến trúc lăng tẩm tiêu biểu thì khu hồ Tân Nguyệt được xây dựng theo hình trăng non lại mang vẻ đẹp vô cùng thơ mộng. Bắc qua hồ Tân Nguyệt là cầu Chính Đại Quang Minh với hai cổng tam quan được chạm trổ rồng phượng cầu kỳ. Cây cầu này dẫn lối tới nơi yên nghỉ cuối cùng của vua Minh Mạng trên đồi, giữa những rặng thông xanh rì rào.
Tôi nhẩn nha dạo bước trong lăng Minh Mạng, tìm chụp những khung hình ưng ý và những mảng điêu khắc, kiến trúc còn sót lại của nơi này.
Lăng Khải Định chỉ cách lăng Minh Mạng 15 – 20 phút chạy xe, tọa lạc trên núi Châu Chữ, thuộc địa phận xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy. Ở đây nổi bật với 2 mảng màu sắc đối lập. Màu xám của tường, của các mảng trang trí bên ngoài lăng mang dáng vẻ trang nghiêm và u tịch. Trong khi bên trong lại vô cùng lộng lẫy, khiến tôi choáng ngợp. Lăng Khải Định được xây dựng trong khoảng 11 năm và có diện tích nhỏ hơn so với các lăng khác, với thiết kế là tổng thể hài hòa giữa văn hóa Á – u, giữa cổ điển và hiện đại.
Thời tiết vẫn còn lạnh, nhưng những cô gái quanh tôi vẫn mặc áo dài thướt tha, diễn đi diễn lại trên những bậc thềm. Có lẽ không ở đâu tà áo dài lại hợp với khung cảnh cổ kính đến thế.
Đi qua sân chầu với bốn hàng tượng cận thần và binh lính, mỗi bức tượng đều được chạm trổ họa tiết vô cùng tinh xảo. Một màu xám rêu phong cổ kính bao phủ lấy mọi bức tường, bậc thềm. Thời gian đã phủ lên nơi này một màu xưa cũ.
Điện Khải Thành nằm trong cung Thiên Định đúng nghĩa với cụm từ “sơn son thếp vàng”. Đây là nơi đặt án thờ và thi hài vua Khải Định. Kiến trúc tại điện khiến bất cứ ai khi bước vào cũng phải trầm trồ. Ở giữa là chính tẩm, có Bửu Tán nặng 1 tấn được làm từ cốt thép bê tông nhưng từ xa nhìn vào vô cùng mềm mại, thanh thoát. Kỳ công nhất là các miếng khảm trang trí được làm từ thủy tinh và sành sứ. Muôn hình khoe sắc, từ hoa lá, cánh chim đến mây núi cực kỳ sống động.
Lần nào đến Huế tôi cũng ghé vào lăng Tự Đức. Mùa này, trong lăng chẳng còn sen, chỉ có mái đình vẫn soi bóng và mặt hồ phẳng lặng một lớp sương mờ ảo. Đối với tôi, lăng Tự Đức là lăng mộ đẹp nhất. Một nơi khung cảnh non nước hữu tình, thanh tao. Kiến trúc của lăng Tự Đức phản ánh rõ nét tính cách của vị vua triều Nguyễn, đầy sự uy nghiêm nhưng vẫn có phần nhẹ nhàng, bay bổng và thơ văn.
Lăng Tự Đức có nhiều công trình lớn nhỏ, được bố trí hài hòa. Nổi bật nhất là đảo Tịnh Khiêm, nơi nhà vua du ngoạn, ngắm cảnh, đọc sách và làm thơ. Nơi này cũng là một trong những điểm mà tôi thích nhất. Mỗi lần đến đều phải ghé vào, ngồi lại bên đình, tĩnh tại ngắm cảnh. Ở đây, vào những đêm trăng khuya tĩnh lặng soi mặt hồ, có lẽ cảnh sẽ còn mê mẩn lòng người hơn nữa.
Tôi chạy xe lòng vòng trong khu thành nội, ghé một quán nhỏ ngay bên hông. Từ đây, dễ dàng thấy được Đại Nội bên kia với cổng thành phủ rêu, bạc màu thời gian. Tách biệt với thế giới nhộn nhịp bên ngoài, Đại Nội thâm trầm, lặng yên. Một nơi đã từng nhộn nhịp vàng son giờ chỉ còn lại dấu tích. Quá khứ huy hoàng một thời yên bình trong lòng Huế.
Vào những ngày nắng, đi bộ trong Đại Nội là cả một vấn đề. Nơi này còn rất rộng với hơn 100 công trình kiến trúc như Ngọ Môn, điện Thái Hòa, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, Hưng miếu, Thế miếu… Đầu năm 2023, con đường đi bộ trên Thượng thành – vòng ngoài cùng của Kinh thành Huế – đoạn từ eo bầu Nam Xương ở cửa Thể Nhơn (cửa Ngăn) sang eo bầu Nam Thắng ở cửa Quảng Đức (cửa Sập) mở cửa cho khách tham quan. Để đi hết nơi này, phải mất khoảng 3 tiếng lang thang.
Mặc cổ phục vào Đại Nội là một trong những điều ấn tượng với tôi nhất thời điểm này. Khi xuân về, tà áo dài cổ truyền và thành cổ xứ Huế khiến nơi này trở nên đẹp hơn.
Cuối chiều, tôi dừng chân bên cầu Trường Tiền, nghe tiếng hò Huế dìu dặt. Những cánh én chao liệng trên dòng sông Hương hiền hòa và những cô gái xứ Huế cười e ấp trong tà áo dài dịu dàng. Hoàng hôn tím sẫm nơi chân trời mênh mông.