Tỉnh Lạng Sơn đang xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu.
Theo Sở VHTT&DL tỉnh Lạng Sơn, hiện nay, hồ sơ Công viên địa chất Lạng Sơn đã được trình lên UNESCO. Tỉnh Lạng Sơn cũng khẩn trương hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng và cảnh quan, dự kiến cơ bản xong trong tháng 7/2024 để đón đoàn chuyên gia thẩm định danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn, hướng tới mở cửa cho công chúng tham quan, khai thác phát triển du lịch bền vững.
Mới đây, Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn tổ chức tọa đàm ký kết hợp tác phát triển du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn. Việc ký kết này sẽ mở ra nhiều triển vọng cho Mạng lưới đối tác Công viên địa chất Lạng Sơn quảng bá, khai thác, phát triển hiệu qủa các tuyến, điểm du lịch.
Tỉnh Lạng Sơn cũng tìm kiếm cơ hội hợp tác với các cơ quan truyền thông để giới thiệu, quảng bá về Công viên địa chất Lạng Sơn, tạo sức lan toả hơn nữa đến khách du lịch trong nước và quốc tế.
Công viên địa chất Lạng Sơn được thành lập từ năm 2021, đến năm 2023 điều chỉnh phạm vi ranh giới lên 8 huyện, thành phố, diện tích khoảng 4.842 km2, dân số khoảng 627.000 người (chiếm 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh).
Công viên có nhiều giá trị địa chất, địa mạo, cảnh quan cùng các giá trị di sản, di tích lịch sử ghi dấu chiến công của cha ông trong suốt chiều dài lịch sử đất nước. Điểm nổi bật của công viên là lịch sử sự sống trong hàng trăm triệu năm. Về mặt văn hóa, Công viên có nhiều điểm thờ các vị trong hệ thống thờ Mẫu Tam phủ, nổi bật nhất là đền Bắc Lệ.
Hiện nay, trong vùng công viên địa chất ở tỉnh này đã xây dựng được 4 tuyến tham quan với 38 điểm du lịch.