Liệu chúng ta đã tư duy và tiếp cận đúng đắn về cái mà chúng ta cần có, cách mà chúng ta cần làm với nguồn nhân lực bán dẫn hay chưa?
Năm 2021, theo số liệu của Liên minh châu Âu, sản lượng vi mạch tích hợp bán dẫn (gọi tắt là IC hoặc chip) đạt con số 1.100 tỉ, tức là bình quân mỗi người trên thế giới sẽ có 140 con chip. Năm 2023, doanh thu tiêu thụ chip đạt 660 tỉ đô la Mỹ và dự kiến sẽ còn tăng nữa.
Sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn khỏi Trung Quốc do những căng thẳng về địa chính trị, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đã làm tăng nhu cầu đột biến với bộ xử lý GPU, cùng với việc sản xuất bán dẫn ngày càng được “an ninh hóa”, các nước đều nhìn thấy nhu cầu cấp thiết trong việc phải có dấu chân trên bản đồ sản xuất chip toàn cầu.
Việt Nam cũng đang tranh thủ tận dụng làn sóng này, và tôi cho rằng cách tiếp cận đó là chính xác bởi đây là một cơ hội hiếm hoi chuỗi cung ứng này có sự tái cấu trúc mạnh mẽ như vậy kể từ sau thập niên 1980.
Theo thông tin được đưa ra, Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn và sẽ bắt đầu thực hiện trong năm 2024. Chiến lược này được Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì soạn thảo năm 2023, với mục tiêu Việt Nam có 50.000 kỹ sư thiết kế, hàng trăm ngàn kỹ sư, lao động kỹ thuật trong các ngành liên quan, đưa Việt Nam đến năm 2030 trở thành một trung tâm về công nghiệp vi mạch bán dẫn với các hoạt động thiết kế, đóng gói và kiểm thử(1) .
Nguồn nhân lực vừa là một điều kiện quan trọng, vừa là cách đầu tư dài hạn cho việc hình thành hệ sinh thái bán dẫn bản địa trong tương lai. Nhưng nhìn vào cách quy hoạch và số liệu về nguồn nhân lực bán dẫn tương lai không khỏi khiến tôi có nhiều nghi hoặc. Liệu chúng ta đã tư duy và tiếp cận đúng đắn về cái mà chúng ta cần có, cách mà chúng ta cần làm với nguồn nhân lực bán dẫn hay chưa?
Đầu tiên là về cách tiếp cận về ngành đào tạo và bậc đào tạo
Liệu đào tạo ở bậc cử nhân đối với ngành bán dẫn có phù hợp không? Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia đào tạo nhân lực bán dẫn, ở thời điểm hiện tại có hơn 10 trường đại học thông báo mở ngành này(2). Cách đào tạo hiện nay có thể được tiến hành theo hai hướng: (1) tuyển mới đào tạo từ đầu, hoặc sinh viên học các ngành gần có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối; (2) kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 1-2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn, vi mạch.
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, việc đào tạo kỹ sư bán dẫn sẽ chia thành hai giai đoạn. Trong ba năm đầu, sinh viên được trang bị các khối kiến thức về toán học và khoa học cơ bản, điện tử viễn thông như: toán, vật lý, lập trình, mạch điện tử, cấu trúc máy tính, xử lý tín hiệu và thông tin. Từ năm thứ tư, sinh viên bước vào chuyên ngành thiết kế vi mạch.
Phát triển thị trường nhân lực bán dẫn Việt Nam không nên chỉ có các chính sách đào tạo và bồi dưỡng mà nhất thiết phải có chính sách thu hút kỹ sư nước ngoài.
Nhưng cách tư duy đào tạo kiểu chia giai đoạn đại cương – chuyên ngành như vậy có phù hợp với một ngành mà đặc thù về ngành, mức độ bảo mật của công việc và độ phức tạp đều ở mức rất cao hay không?
Theo tôi tìm hiểu, Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) và Đại học Quốc lập Đài Loan (NTU) (đảo Đài Loan) đều mới chỉ thành lập Trường Khoa học và Kỹ sư vi mạch tích hợp hoặc Viện Đào tạo mạch tích hợp trong vòng 2-3 năm trở lại đây(3). Điểm chung của hai nơi này là chỉ tuyển sinh sau đại học – tức là đào tạo từ thạc sĩ trở lên.
Tại Đại học Thanh Hoa, chương trình thạc sĩ bán dẫn được chia thành ba phân ngành là kỹ thuật mạch tích hợp; công nghệ và quản lý mạch tích hợp; và sản xuất tiên tiến mạch tích hợp. Cách làm của NTU là mời bốn công ty bán dẫn hàng đầu của vùng lãnh thổ này (gồm TSMC, Mediatek, PSMC và Etron Technology Inc.) tham gia đào tạo cho chương trình sau đại học.
Ngoài ra, gần đây, vùng lãnh thổ này cũng mới đưa ngành “kỹ sư thiết kế vi mạch” vào chương trình đào tạo tại sáu đại học trọng điểm với sự tham gia của bốn tập đoàn bán dẫn lớn nhất trên đảo.
Một người bạn Việt Nam đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ ngành cơ khí tại Đài Loan nói với tôi rằng: sau hơn 40 năm phát triển họ mới quyết định mở ngành này, mà chỉ tiêu mỗi năm cũng chỉ dám tuyển 20-30 người cho mỗi trường. Khi tôi hỏi về bậc đào tạo đại học, anh nói, thông thường khoa có thể chọn ra 5-10 sinh viên xuất sắc nhất của ngành điện tử viễn thông hoặc vật liệu để mời doanh nghiệp đến bồi dưỡng theo đúng định hướng ngành bán dẫn, nhưng cũng chủ yếu để đáp ứng nhu cầu công việc của chính doanh nghiệp sau này.
Như vậy, về cách tiếp cận, việc các trường mở ngành đào tạo chuyên về bán dẫn ở bậc cử nhân có thể không phải là cách tiếp cận đúng. Cho dù chúng ta có những cử nhân có bằng cấp mang tên chuyên ngành này, điều đó không có nghĩa là chúng ta đang làm đúng hướng.
Bán dẫn là ngành mà ở bậc đào tạo cử nhân cần nhiều đến các kiến thức ngành gần hơn (chẳng hạn như điện tử, vật liệu, vật lý, hóa chất, lập trình) và tùy theo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, các sinh viên tốt nghiệp sẽ được đào tạo lại, bồi dưỡng thêm để có thể tham gia vào các công việc đặc thù.
Tôi từng đem sự tò mò của mình nói chuyện với một người bạn có chín năm làm kỹ sư thiết kế chip cho một công ty của Singapore, tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, và hỏi xem liệu những gì đào tạo trong trường có hữu ích cho việc đi làm không? Bạn đã trả lời rằng “học chỉ để cho mình biết là có cái ngành này”, sau đó chủ yếu đều do công ty đào tạo lại. Và bạn nói rằng khi đi làm ở Singapore, cái mà kỹ sư Việt Nam lúc bắt đầu làm việc thiếu nhất chính là kiến thức nền tảng như thiết kế digital, thiết kế analog được dạy ít quá, cũng dạy không đủ sâu. Vết xe đổ của ngành kỹ sư ô tô vẫn còn mới, vẫn có thể là một kinh nghiệm quý báu cho việc đào tạo nhân lực ngành ở Việt Nam.
Thứ hai là về số lượng nhân lực
Theo bài báo được dẫn ở trên, với xu hướng như hiện nay, mỗi năm nếu 30% sinh viên các ngành phù hợp và 10% các ngành gần theo học các chuyên ngành vi mạch bán dẫn thì số lượng 3.000 người tốt nghiệp/năm là khả thi. Con số này làm tôi thấy lo lắng với câu hỏi vậy ra trường thì số kỹ sư này sẽ làm gì?
Đài Loan có ngành bán dẫn với doanh thu khoảng 150 tỉ đô la Mỹ năm 2023 cũng chỉ đào tạo khoảng 300 kỹ sư thiết kế chip. Toàn bộ thị trường kỹ sư ở đây có khoảng 30.000 người – sau hơn 40 năm phát triển, trong đó khoảng 15.000 người là kỹ sư thiết kế chip. Với mục tiêu 50.000 kỹ sư thiết kế chip đến năm 2030 của Việt Nam, giả sử làm được thật, theo tôi lại là điều đáng lo hơn đáng mừng, lo cho một cuộc khủng hoảng thừa về nguồn nhân lực và sự lãng phí về phân bổ nguồn lực.
Thứ ba, cách nhìn nhận về thị trường nhân lực bán dẫn
Trong cách tiếp cận của chúng ta, đội ngũ nhân lực thường được ngầm hiểu hoặc mặc định hiểu là người bản địa. Chưa nói đến sự thiếu hụt trong thực tế hiện nay, độ vênh về trình độ, cách tiếp cận này vô hình trung đã loại bỏ một ưu thế của ngành mà các nước đi sau đều cố gắng tận dụng. Đó là hiệu ứng lan tỏa kỹ thuật thông qua các kỹ sư và chuyên gia nước ngoài. Phát triển thị trường nhân lực bán dẫn Việt Nam không nên chỉ có các chính sách đào tạo và bồi dưỡng mà nhất thiết phải có chính sách thu hút kỹ sư nước ngoài.
Sau khi ban hành Chiến lược Chế tạo tại Trung Quốc 2025 (Made in China 2025), Trung Quốc đã thu hút được 3.000 kỹ sư của TSMC sang làm việc. Nhưng điều này không mới mẻ, người sáng lập tập đoàn SMIC của họ cũng là một doanh nhân người Đài Loan sang đại lục lập nghiệp sau khi doanh nghiệp khởi nghiệp của ông ở Đài Loan bị chính TSMC mua lại(4).
Anh bạn ở Đài Loan của tôi kể, gần đây có một làn sóng kỹ sư người Ấn Độ đến đây làm việc, họ lập ra hẳn một “India City” tại Tân Trúc. Nếu có chính sách thu hút nhân tài bán dẫn nước ngoài đúng đắn, chúng ta có thể nâng cao trình độ của đội ngũ kỹ sư bản địa và khắc phục được các bất cập về chất lượng đào tạo trong nhà trường.
Cần thu hút kỹ sư người Việt ở nước ngoài
Cuối cùng, trong cách tiếp cận về xây dựng nhân lực bán dẫn, nhất thiết phải có chính sách thu hút các kỹ sư người Việt ở nước ngoài về khởi nghiệp hoặc đầu tư kinh doanh. Đây là mỏ vàng nhân lực mà không có cơ sở đào tạo trong nước nào có thể tạo ra được.
SMIC có thể đã thất bại thời kỳ đầu trong những năm 2000 nhưng đội ngũ nhân sự của công ty đã trở thành nòng cốt nhân lực bán dẫn cho hàng ngàn công ty khởi nghiệp bán dẫn sau đó ở Trung Quốc – những người đã đến từ Đài Loan với một chính sách thu hút đơn giản là cho phép họ trở thành cổ đông của chính SMIC và mỗi kỹ sư đều được cấp cho một căn nhà tại Thượng Hải.
(*) Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc (CESS)
(1) Xem thêm https://vnexpress.net/viet-nam-trien-khai-chien-luoc-quoc-gia-ve-ban-dan-trong-2024-4711870.html
(2) Xem thêm https://baochinhphu.vn/viet-nam-hoan-toan-co-kha-nang-phat-trien-manh-linh-vuc-vi-mach-ban-dan-102240227112006526.htm#:~:text=Vi%E1%BB%87t%20Nam%20%C4%91ang%20c%C3%B3%20l%E1%BB%A3i,ng%C3%A0nh%20c%C3%B4ng%20ngh%E1%BB%87%20cao%20kh%C3%A1c.
(3) Xem thêm https://www.sic.tsinghua.edu.cn/en/Admissions/Graduate_Admissions.htm
(4) Xem https://asia.nikkei.com/Business/China-tech/Taiwan-loses-3-000-chip-engineers-to-Made-in-China-2025