Cuối tuần qua, khán giả Hà Nội vừa nườm nượp kéo tới Hồ Tây để chiêm ngưỡng màn trình diễn nghệ thuật ánh sáng từ 300 drone (thiết bị bay không người lái).
Đây là một phần của chương trình lễ hội Get on Hà Nội 2024 – Sắc hương Tây Hồ, gắn với việc công nhận khu du lịch Nhật Tân (quận Tây Hồ) là khu du lịch cấp thành phố.
Sự kiện ấy khiến nhiều người nhớ lại màn trình diễn nghệ thuật bằng drone cũng tại Hồ Tây một tháng trước, vào tối 30 Tết.
Cuộc trình diễn ấy tạo ra một sự thay đổi thú vị, khi không gian Hồ Tây trở thành tâm điểm chú ý của người dân thành phố trong đêm giao thừa, thay vì khu vực Hồ Gươm như thường lệ…
Thực tế, gia tăng “sức hút” của khu vực quanh Hồ Tây đối với người dân Hà Nội không chỉ là nguyện vọng của chính quyền địa phương quân Tây Hồ. Xa hơn, đã từ rất lâu, nhiều chuyên gia từng chỉ rõ: Hà Nội cần sớm có một không gian mới để san sẻ gánh nặng cho một Hồ Gươm trong vai trò trung tâm văn hóa – lịch sử của thành phố.
Không gian ấy có thể là khu vực Hồ Tây, không chỉ bởi hơn 500 ha diện tích mặt nước và 18 km chu vi bao quanh hồ bằng đường dạo, cũng như vị trí nằm chính giữa một Hà Nội sau khi khi mở rộng. Đó còn là câu chuyện đến từ một hệ thống vô cùng phong phú những huyền tích, di tích, kiến trúc, làng nghề đã từng tồn tại trong suốt lịch sử phát triển thành phố – tới mức được nhiều người gọi là nơi đây là “cái rốn văn hóa của Hà Nội” với những gì mang theo
Nhìn lại quá khứ, từ những bản quy hoạch Hà Nội trước 1954 của các kiến trúc sư Pháp như Esnes Hebrad và Luis Georges Pineau cho tới những phương án chịu ảnh hưởng của phong cách Liên Xô cũ trong thập niên 1960 hay kể cả những đồ án được đề xuất đầu những năm 2000, vị trí và vai trò của Hồ Tây vẫn luôn được đề cao. Cho dù, những bản quy hoạch ấy đều không thành hiện thực vì nhiều lý do, trong đó có cả những hạn chế từ tư duy, điều kiện kinh tế hay những gián đoạn theo lịch sử.
***
Trở lại câu chuyện của màn trình diễn nghệ thuật ánh sáng cuối tuần qua. Dù có phần khiêm tốn so với màn trình diễn vào đêm giao thừa Tết Giáp Thìn, màn trình diễn ấy vẫn khiến khu vực phía Tây Hồ Tây đông nghẹt du khách tới mức tắc đường – điều gần như chưa bao giờ xảy ra trước đó.
Và câu chuyện của công nghệ drone với việc khai thác không gian mênh mông của Hồ Tây, cũng như phần mặt hồ trong vai trò một tấm gương phản chiếu khổng lồ, đang mở ra một thực tế: Nhờ công nghệ, cũng như điều kiện hiện có, chúng ta đã đến lúc không chỉ nên loanh quanh dừng chân ở những điểm ven Hồ Tây để dạo bộ, đạp vịt, thưởng ngoạn cảnh quan… mà hoàn toàn có thể khai thác trọn vẹn 500ha mặt nước ấy để thật sự biến nó thành một trung tâm văn hóa mới của Thủ đô.
Cũng như, với sự xuất hiện của khu du lịch Nhật Tân, kèm theo là các đề án của chính quyền quận Tây Hồ về việc phục dựng mô hình làng nghề giấy dó hoặc mở rộng diện tích trồng hoa sen tại đây, chúng ta đang có thêm những tín hiệu vui về cách tiếp cận Hồ Tây từ góc độ bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa phi vật thể – phần hồn cồn của không gian này. Đó là một bước đi cơ bản và quan trọng nhất, trước khi nói thêm tới những vấn đề về đầu tư hạ tầng, trục giao thông hay những công trình phụ trợ để gia tăng giá trị của Hồ Tây.
Việc lựa chọn phát triển công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn đang tạo ra những cơ hội thuận lợi để Hồ Tây trở thành một không gian đóng vai trò trung tâm văn hóa mới của Hà Nội. Và nhìn lại, muốn hay không, cũng đến lúc Hồ Tây phải đảm nhiệm sứ mệnh ấy, cả từ lớp trầm tích văn hóa vốn có lẫn sự kỳ vọng của cộng đồng.