Thu hút doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội

Huyền Linh 112 lượt xem 28 Tháng Hai, 2024

Mới đây, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” năm 2024.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đã có cuộc trao đổi riêng với DĐDN.

1 2
Ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng). Ảnh:VA

– Đâu là những vướng mắc lớn nhất mà các doanh nghiệp đang gặp phải theo ghi nhận của Bộ Xây dựng, thưa ông?

Việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian vừa qua mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng, tuy nhiên chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Theo tôi, điều này xuất phát từ một số vướng mắc.

Đầu tiên, về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời trong giai đoạn đầu của Đề án.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp. Chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp.

Mặc dù một số địa phương có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn vừa qua, nhưng chưa quan tâm trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án để triển khai đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, việc cải cách thủ tục hành chính, ban hành các cơ chế khuyến khích, ưu đãi thêm của địa phương để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế.

Chưa kể tới, nguồn vốn hỗ trợ cho phát triển dự án nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ chưa được giải ngân hiệu quả.

– Bộ Xây dựng có những giải pháp nào để tháo gỡ những nút thắt này cho doanh nghiệp?

Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trên cũng như thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cùng các Bộ ngành địa phương đã phối hợp, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án, trong đó tập trung vào các giải pháp cụ thể.

Trước hết, Bộ Xây dựng đã nỗ lực trong hoàn thiện thể chế. Tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản; Theo đó, đã có nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, tăng cường ưu đãi hỗ trợ thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, cũng có các chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và nhà ở cho lực lượng vũ trang.

2 4
Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội theo cơ chế thị trường

Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BXD ngày 28/4/2023 sửa đổi Thông tư 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021, cho phép các dự án chưa có quy hoạch chi tiết thì được sử dụng quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung tại những khu vực không yêu cầu lập quy hoạch phân khu để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án, rút ngắn thủ tục hành chính.

Cùng với đó, Bộ cũng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 về sửa đổi, bổ sung các Nghị định lĩnh vực quản lý nhà nước Bộ Xây dựng, trong đó có đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ.

Một giải pháp khác mà Bộ đang thực hiện là đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương và doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ Xây dựng đã thành lập Tổ công tác hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về nhà ở xã hội. Hay đôn đốc triển khai Đề án tại một số địa phương trọng điểm như TP.HCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Nguyên, Đồng Nai, Phú Thọ, Phú Yên,…

– Những giải pháp này sẽ có những tác động cụ thể như thế nào, thưa ông?

Theo tôi, những giải pháp về hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan tới chính sách đầu tư và phát triển nhà ở xã hội sẽ có những tác động rất lớn. Đặc biệt sau khi Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành sẽ bổ sung thêm nhiều chính sách ưu đãi về đất đai, nguồn vốn, cải cách thủ tục hành chính và nêu cao trách nhiệm của các địa phương trong việc phát triển phân khúc này. Qua đó, khuyến khích được các doanh nghiệp quan tâm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đồng nghĩa tạo ra nguồn cung lớn cho thị trường bất động sản.

– Trong năm 2024, ông kỳ vọng thế nào đối với phân khúc nhà ở xã hội?

Với quan điểm phát triển nhà ở xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nhà nước đã có chính sách phù hợp thúc đẩy thị trường, tập trung cho an sinh xã hội, tạo cơ hội về nhà ở cho người thu nhập thấp.

Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội theo cơ chế thị trường. Đặc biệt, việc phát triển nhà ở xã hội phải được lồng ghép vào quy hoạch đô thị, quy hoạch công nghiệp, dịch vụ gắn với phát triển thị trường bất động sản.

Tôi kỳ vọng rằng, việc phát triển nhà ở xã hội năm 2024 sẽ đạt mục tiêu Chính phủ đặt ra là phấn đấu trong năm 2024 hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội. Trong đó, phân khúc nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân lao động trong khu công nghiệp sẽ là phân khúc nhà ở chính yếu đối với thị trường bất động sản trong năm nay.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm