Nhớ chuyện Bác về thăm một ‘nhà thương’

Huyền Linh 137 lượt xem 27 Tháng Hai, 2024

Hơn 60 năm trước, cán bộ, y bác sỹ Bệnh xá Vân Đình (nay là Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) vinh dự, tự hào được đón Bác về thăm. Đó là một cuộc thăm, kiểm tra đặc biệt, bất ngờ, không báo trước nhưng rất cụ thể, nồng hậu, thể hiện sự yêu mến và mong mỏi của Người với ngành Y…

Niềm vinh dự của cựu Bí thư Chi đoàn

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch thăm Bệnh xá Vân Đình ngày 20/4/1963 được một nhà báo chụp đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Thật may mắn, qua nhiều nguồn tin, chúng tôi được biết, ông Nguyễn Hữu Kim, nhân vật trong bức ảnh, đại diện Bệnh xá Vân Đình đón Bác hôm đó vẫn còn mạnh khỏe và đang sinh sống ở xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.

Về xã Tảo Dương Văn (huyện Ứng Hòa) – vùng đất nổi tiếng với những người con hiền hoà thuần chất, chăm chỉ và hiếu học phải ngang qua Bệnh viện Đa khoa Vân Đình. Bệnh viện vẫn giữ cái cổng đề dòng chữ “Nhà thương Vân Đình” – tên gọi mà Bác đã đặt cho bệnh viện, trở thành niềm tự hào của người dân trên quê hương này.

Nhà ông Nguyễn Hữu Kim nằm ở thôn Đông Dương là loại nhà cấp bốn, được xây bằng gạch đỏ, lợp ngói đã phủ rêu xanh. Trong phòng tiếp khách, bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch thăm Bệnh xá Vân Đình ngày 20/4/1963 được treo ở vị trí trang trọng. Bên cạnh, ông Kim còn dành một phòng với năm, sáu chiếc tủ đựng sách cổ viết về đông y, cây dược liệu một cách cẩn thận, nâng niu.

Ông Kim dáng người gầy, cao mảnh khảnh nhưng vẫn còn minh mẫn. Học xong phổ thông, ông được triệu tập đi học khóa đào tạo Dược đầu tiên ở Hà Đông. Sau 6 tháng, ông hoàn thành khóa học, được cử về Ty Y tế (nay là Sở Y tế) Hà Tây cũ, phụ trách Đông y. Năm 1962, với vai trò là cán bộ Đoàn thanh niên, ông xung phong về xây dựng Bệnh xá Vân Đình. Năm 1963 ông là dược tá, phụ trách phòng thuốc, vừa là Bí thư Chi đoàn của bệnh xá.

“Hồi ấy bệnh xá nhỏ, cơ sở vật chất chưa có gì. Nhà cửa hầu hết là nhà tranh, chỉ có hội trường và phòng Dược được xây gạch nhưng cũng nhỏ bé, sơ sài”, ông Kim kể, rồi cho chúng tôi xem tấm ảnh mới chụp ông cùng các y, bác sỹ cùng công tác thời kỳ đó đi dự kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Bệnh xá Vân Đình. “Đã mấy chục năm nhưng hình ảnh Bác Hồ đến thăm bệnh xá đến bây giờ mỗi chúng tôi vẫn nhớ, nhớ cả từng lời nói, cử chỉ của Người”, ông Kim nhớ lại.

1 32
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch thăm Bệnh xá Vân Đình ngày 20/4/1963. Trong ảnh Bí thư Chi đoàn Bệnh xá Nguyễn Hữu Kim đang hứa với Bác

Hôm đó, ngày 20/4/1963, có một hội nghị tổng kết nên lãnh đạo bệnh xá đi vắng. Bí thư Chi đoàn Bệnh xá Nguyễn Hữu Kim được cử đón tiếp, trò chuyện với Bác. “Tôi nhớ lúc đó khoảng 9 giờ. Bác đến đột ngột, không ai biết trước. Có tiếng ô tô ngoài cổng, chúng tôi chưa kịp tìm hiểu xem ai đến thăm, đã thấy Bác vào phòng khám bệnh. Khi đó, Người vận bộ quần áo nâu giản dị, đi dép cao su, dáng đi khỏe mạnh”, ông Kim kể.

“Nhà thương” – thương người, cứu người

Và Bí thư Chi đoàn Thanh niên Nguyễn Hữu Kim được giao trọng trách đưa Bác đi thăm và giới thiệu các buồng bệnh. “Tôi giới thiệu với Bác, nào là phòng nội, phòng sản, phòng mổ, phía dưới là phòng bếp… Sau đó, Bác đi thẳng ra giếng nước, nhà xí, chuồng lợn xem tình hình vệ sinh ở đây, rồi Bác vào phòng nuôi trẻ mới đẻ. Đi đến phòng nào, Bác đều nhận xét cả. Đến “Phòng dưỡng nhi”, Bác xua tay để mọi người im lặng.

Rồi Bác nói: “Nên gọi là phòng nuôi trẻ mới đẻ”. Qua phòng mổ, thấy những tấm biển đề “Phòng tiểu phẫu”, “Phòng đại phẫu”, “Phòng hậu phẫu”, Bác đều góp ý sửa lại: “Phòng mổ nhỏ”, “Phòng mổ lớn”, “Phòng săn sóc sau khi mổ”,… Ngay cả từ “bệnh xá”, Bác bảo có vẻ còn mới lắm; nên gọi là “Nhà thương” – thương người, cứu người, không phân biệt ai cả, cũng giống như Nhà thương Phủ Doãn, Nhà thương Đồn Thủy (tên gọi cũ của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện 108), chữa cho mọi người, chữa được mọi bệnh.

Rồi Bác ra thăm vườn thuốc Nam và ngồi nghỉ ở ghế đá của vườn hoa trong Bệnh xá. Vừa ngồi xuống trò chuyện, các cháu thiếu nhi trong bệnh xá đã đến vây quanh Bác. Bác hỏi han tình hình nuôi dạy và sức khỏe của các cháu, phát kẹo cho các cháu. Rồi Bác hỏi tôi: “Ở đây có bao nhiêu Đảng viên, bao nhiêu đoàn viên?”. Tôi thưa với Bác, ở đây có 13 Đảng viên và 12 Đoàn viên. Bác khen chất lượng chính trị như vậy là rất tốt”, ông Kim chậm rãi kể.

2 29
Ông Nguyễn Hữu Kim chỉ từng người trong Bệnh xá Vân Đình khi đó được đón Bác Hồ về thăm

Rồi ông Kim thuật lại những lời động viên ân cần và phê bình những thiếu sót, đặc biệt là vấn đề vệ sinh. Nhà ăn, hố xí, chuồng lợn của bệnh xá phải được chú ý giữ gìn sạch sẽ hơn nữa. “Bác ân cần dặn bảo chúng tôi: Trong công tác phục vụ, cần coi trọng cả hai mặt vật chất và tinh thần; có thuốc hay thức ăn ngon nhưng còn phải có thái độ phục vụ tốt. Rồi Bác dẫn giải luôn rằng: Các chú có cơm ngon, canh ngọt nhưng mang đến bệnh nhân lại nói: “Đây ăn đi, đây uống đi!”, thì cơm không ngon, canh không ngọt, thuốc mất tác dụng”, ông Kim nhớ rành rọt.

Bệnh xá Vân Đình được thành lập năm 1957 với 19 cán bộ, nhân viên, 20 giường bệnh để thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân các huyện: Ứng Hòa, Thanh Oai, Phú Xuyên, Mỹ Đức (Hà Tây cũ). Khi mới thành lập, bệnh xá đặt nhờ tại một nhà dân ở thôn Thanh Ấm, xã Tân Phương (nay thuộc thôn Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa). Ngày 29/8/1985, bệnh viện được Nhà nước tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng.

Rồi hôm đó, Bác tặng cho Bệnh xá một tấm ảnh và một tờ báo Nhân dân mới xuất bản. “Tôi đại diện bệnh xá lên nhận. Tôi vẫn nhớ, trong số báo đó có đăng một bài viết của Bác về sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Rồi ông Kim kể tiếp: Lúc đó, tôi đứng dậy định phát biểu. Vừa nói “Thưa Bác…”, Bác nói: “Chú định diễn thuyết đấy à!” Thế là, tất cả cười ồ lên. Rồi tôi thưa tiếp: Cháu xin đại diện anh chị em ở đây xin hứa thực hiện bằng được lời Bác dạy. Rồi Bác gật đầu, ánh nhìn trìu mến”, ông Kim xúc động.

Ông Kim tháo bức ảnh treo trên tường xuống và kể về từng người trong bức ảnh. Người là y tá, người là hộ sinh và cả những phóng viên đi cùng đoàn của Bác ngày hôm đó. Rồi ông khoe với chúng tôi về lần dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm bệnh xá vào tháng 4/2023. Ông gặp lại từng người, có người còn, người mất nhưng ai cũng tràn ngập cảm xúc và luôn ghi nhớ những căn dặn, những cử chỉ ân cần của Bác trong lần về thăm bệnh xá.

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm