Cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch HĐQT Công ty Shinec, Chủ đầu tư KCN sinh thái Nam Cầu Kiền xoay quanh vấn đề giảm phát thải carbon.
Việc tham gia vào khu công nghiệp (KCN) sinh thái và nỗ lực giảm phát thải carbon sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng đạt chứng chỉ sản xuất xanh – giấy thông hành để đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển bền vững.
– Phát triển KCN sinh thái, tuần hoàn là xu hướng tất yếu hiện nay. Vậy KCN Nam Cầu Kiền đã triển khai việc này như thế nào, thưa ông?
Việc chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái là một con đường đi rất vất vả, không hề đơn giản. Bởi trong các quy định về KCN sinh thái thì Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, môi trường, các Nghị định chưa có sự đồng bộ.
Với KCN Nam Cầu Kiền, chúng tôi đã xác lập được hệ kinh tế tuần hoàn trong KCN, với 3 vòng tuần hoàn. Các doanh nghiệp trong vòng tuần hoàn đó sống cộng sinh với nhau. Hiện nay, KCN không có rác thải công nghiệp ra bên ngoài.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã cùng với các doanh nghiệp lắp các quan trắc online để theo dõi các phát thải khí, phát thải nước thải, phát thải rắn. Và như vậy, hệ thống quản trị môi trường cũng như quản trị doanh nghiệp của chúng tôi đã được công nghệ hoá.
Chúng tôi còn xây dựng và xác định bộ tiêu chuẩn ESG là cơ sở chuẩn hoá KCN sinh thái Nam Cầu Kiền và nhân rộng mô hình sang các dự án khác mà chúng tôi đang triển khai trong khắp cả nước. Điều này sẽ giúp chúng tôi nhanh chóng đạt được mục tiêu Net-Zero rác thải vào năm 2024. Còn với Net-Zero carbon, chúng tôi cũng đang xây dựng kế hoạch giảm phát thải carbon đến năm 2030 theo lộ trình của Việt Nam.
– Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn nữa về định hướng giảm phát thải carbon của KCN Nam Cầu Kiền đến năm 2030?
Trong năm 2024, bên cạnh việc KCN đã đạt tỉ lệ diện tích cây xanh là 31%, xây dựng được các chuỗi cộng sinh công nghiệp thì sẽ lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp, đạt Net-Zero về chất thải, kiểm kê phát thải KCN… Đến năm 2025, chúng tôi sẽ tham gia thí điểm thị trường carbon, đạt mục tiêu giảm 50% tổng lượng phát thải và triển khai chính thức tuần hoàn nước thải. Theo lộ trình đến năm 2030, chúng tôi sẽ số hoá dữ liệu tạo nền tảng chuyển đổi xanh, sử dụng công nghệ IoT hỗ trợ kiểm kê khí nhà kính và quan trọng là đạt mục tiêu Net- Zero phát thải.
Hiện, chúng tôi đã cho làm kiểm toán tiêu thụ năng lượng của các nhà máy trong KCN. Căn cứ vào việc tiêu thụ năng lượng đó, chúng tôi cũng xác định rõ với các doanh nghiệp làm thế nào để giảm phát thải.
Một ví dụ cụ thể, hiện chúng tôi đang xây dựng các hệ thống điện mặt trời lắp trên mái của tất cả các nhà máy trong KCN. Tổng sản lượng điện mặt trời được lắp đặt trong KCN khoảng 45 MWp. Như vậy, nó sẽ giúp giảm phát thải carbon. Ngoài ra, đối với tất cả các máy móc, thiết bị cũ, chúng tôi đều cho kiểm toán và vận động các doanh nghiệp lắp tụ bù để giảm được lượng tiêu thụ điện, cũng như tự động hoá sản xuất. KCN Nam Cầu Kiền có khoảng 85 doanh nghiệp nhưng chỉ có 6.500 lao động. Như vậy, tính tự động hoá của các nhà máy trong KCN là rất cao.
Chúng tôi cũng đang tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế trong việc lắp đặt các thiết bị công nghệ thông tin để quản trị về môi trường, phát thải trong KCN Nam Cầu Kiền.
– Hiện nay, một số nước trên thế giới đã bắt đầu tính thuế carbon. Vậy, phía KCN Nam Cầu Kiền đã có những giải pháp gì để hỗ trợ các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN đang có các mặt hàng xuất khẩu sang các thị trường này?
KCN sinh thái là “sản phẩm” đặc biệt, như một thỏi nam châm thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khó tính. Thị trường nhập khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp này đều yêu cầu khắt khe về bảo vệ môi trường, giảm sử dụng tài nguyên. Các doanh nghiệp FDI đã nhìn thấy vấn đề này và họ chuyển doanh nghiệp của họ từ các nước khác sang Việt Nam để tìm kiếm lợi thế giữa hiệp định của Việt Nam kí với các nước châu Âu và Thái Bình Dương.
Còn với các doanh nghiệp Việt Nam, nếu không hội nhập được với các chính sách của EU hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã kí kết thì các doanh nghiệp này sẽ gặp khó khăn trong xuất khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm bắt kịp thời những thỏa thuận mà Việt Nam đã kí kết với các nước khác. Đồng thời, cần phải chuyển đổi về công nghệ, quản trị để tăng sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Đối với KCN Nam Cầu Kiền, chúng tôi xác định, việc tham gia vào quá trình giảm phát thải carbon và hỗ trợ nhà đầu tư trong KCN đạt chứng chỉ xanh là vô cùng quan trọng. Chúng tôi đã tập hợp các doanh nghiệp và tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, mời các giảng viên có chuyên môn sâu về các FTAs, như EVFTA, CPTPP,… cho các doanh nghiệp trong KCN học tập. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp trong KCN thay đổi công nghệ, thay đổi thiết bị để nhanh chóng hoà nhập được với các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết. Chúng tôi cũng tạo ra mối liên kết cộng sinh giữa các doanh nghiệp, tạo ra các câu lạc bộ để truyền dẫn những thông tin với mong muốn giúp cho các doanh nghiệp phát triển tốt hơn trong giai đoạn cả thế giới tiến tới mục tiêu Net-Zero.