Có thể nói, biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng cực đoan và nghiêm trọng trên toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá là nơi sẽ chịu tác động nặng nề về mọi mặt như giảm lượng phù sa bồi đắp, nguồn lợi thủy sản giảm sút, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng…
Lũ hiếm, phù sa vơi, nước ngọt khan dần
Nếu lấy mực nước trạm Tân Châu tại An Giang, thuộc vùng đầu nguồn sông Cửu Long làm căn cứ để nhận định mùa lũ ở khu vực này thì năm nay dự báo vẫn có lũ về nhưng là lũ thấp, dao động ở mức 3,5m (lũ thấp là con nước trên 3,5m, trên 4m là lũ vừa, trên 4,5m là lũ lớn). Trong vòng 10 năm trở lại đây, hầu như mực nước lũ đều ở mức thấp, thậm chí có 5 năm mất lũ (mực nước dưới 3,5m). Trong tương lai khả năng có lũ lớn ngày càng hiếm hơn, dự báo trong 20 năm tới, có thể chỉ xảy ra một đợt lũ lớn, từ năm 2040 trở đi có thể 100 năm thì mới xuất hiện lũ lớn một lần.
Khi con nước không về, lượng phù sa bồi đắp sẽ vơi dần, nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất sẽ không còn dồi dào. Do đó, chuyển đổi hình thức canh tác và xen canh các giống chịu hạn mặn sẽ là phương án phù hợp nhất ở đây.
Đơn cử như ở tỉnh An Giang, người dân đã chuyển từ vùng đất sản xuất lúa và khai thác thủy sản kém hiệu quả để sang trồng cây ăn trái ngắn ngày, tương tự như ở tỉnh Đồng Tháp sẽ trồng cây sen có giá trị kinh tế cao ngay trên đất trồng lúa. Hàng ngàn ha cây ăn trái phủ xanh và diện tích ngày càng mở rộng trên các vùng đất đầu nguồn con sông Mê Kông, cho thấy sự chủ động thích ứng của các địa phương và của từng người dân. Giờ đây, dù có lũ hay không thì người dân cũng phải tự mình thay đổi. Bởi, vùng đồng bằng trồng lúa lớn nhất cả nước sẽ có thêm các vựa trái cây chất lượng và có hiệu quả kinh tế cao.
Ngay trong Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được ban hành năm 2017 cũng đã nêu, chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, sống chung và con lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế với phân vùng hợp lý trên cơ sở phân bổ tài nguyên nước của toàn vùng. Đồng nghĩa không nhất thiết phải trồng lúa hoàn toàn, mà có thể kết hợp mô hình “con tôm ôm cây lúa” như ở Kiên Giang, Bến Tre đang áp dụng rất thành công.
Bên cạnh đó, từng địa phương trong vùng ĐBSCL cũng tự mình nghiên cứu về chính sách như: An ninh lương thực, tích tụ đất đai, đổi mới khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế hợp tác và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; quy hoạch vùng trữ nước ngọt để điều hòa, đảm bảo an ninh nguồn nước… như nội dung mà tỉnh Đồng Tháp từng kiến nghị.
Đẩy nhanh đề án “1 triệu ha lúa chất lượng cao”
Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu gạo đạt 2,3 tỉ USD, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ. Dự báo hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tăng trưởng ổn định từ nay đến 2031, xuất phát từ việc Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách về việc tái cơ cấu ngành lúa gạo và tập trung nâng cao hạt gạo xuất khẩu. Ngoài ra các hiệp định thương mại tự do cũng tạo điều kiện cho gạo Việt Nam vươn ra thế giới.
ĐBSCL chính là “vựa lúa” và chiếm đến 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Nhưng về cơ cấu giống, chất lượng gạo, sản xuất an toàn thực phẩm vẫn chưa ổn định, vì vậy đề án “1 triệu ha lúa chất lượng cao” là hết sức cần thiết để phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới và nâng cao khả năng cạnh tranh về giá của gạo Việt.
Dự kiến 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được trồng tập trung tại các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang và một phần Kiên Giang, Cần Thơ… khi những nơi này phải là vùng ít chịu tác động nặng nề của xâm nhập mặn và các hình thái thiên tai khác. Tập trung vào 3 phân khúc chính là gạo trắng hạt dài, gạo thơm hạt dài, gạo tròn hạt ngắn. Và luôn dự phòng 3 – 5 giống lúa khác để đáp ứng nếu như thị trường có sự thay đổi.
Dựa trên xu hướng sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính, dựa trên nhu cầu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng, người nông dân ở vùng ĐBSCL nên tập trung sản xuất các loại gạo có thương hiệu, gạo đặc sản, gạo thơm… Song song với đó là các doanh nghiệp cần có hướng đầu tư để chế biến sâu; tận dụng các phế, phụ phẩm từ gạo; tham gia mạnh vào chuỗi liên kết và xa hơn là nghiên cứu chuyên sâu về khẩu vị của người tiêu dùng ở các thị trường khác nhau.
Chưa kể, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu đối với mặt hàng gạo tấm, đồng thời cũng áp thuế xuất khẩu 20% đối với các mặt hàng gạo trắng và gạo lứt. Chính điều này cũng mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam và giá trị hạt gạo của Việt Nam cũng sẽ tăng đáng kể.
Thay đổi tư duy từ sản xuất
Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ ban hành đã tiếp tục khẳng định nông nghiệp là nền tảng bền vững của quốc gia. Chiến lược cũng đã xác định chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng với chuỗi giá trị phù hợp yêu cầu của thị trường.
Tư duy kinh tế nông nghiệp sẽ giúp cho người nông dân nhìn nhận vấn đề sản xuất rộng và sâu hơn, không chỉ sản xuất chạy theo năng suất mà còn phải đảm bảo chất lượng và đạt hiệu quả cao. Có thể nhiều nhà vườn chấp nhận sản lượng thu hoạch không cao, nhưng bù lại giá trị nằm trong sản phẩm sẽ tăng, kể cả giá trị về môi trường, du lịch và sức khỏe cộng đồng.
Hiện nay, vùng ĐBSCL có diện tích cây ăn quả khoảng 400.000 ha (chiếm gần 40% tổng diện tích cả nước), sản lượng đạt 4,3 triệu tấn (khoảng 60% so với cả nước); giá trị sản xuất cây ăn quả hơn 48.500 tỉ đồng (tương đương 48% so với cả nước). Ngoài gạo, các nông sản chủ lực ở ĐBSCL như chuối, xoài, cam, nhãn, khóm, bưởi, sầu riêng, thanh long, chôm chôm, quýt… cần được kiểm soát an toàn theo chuỗi. Từ khâu sản xuất ban đầu đến thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ, có đầu ra ổn định để hướng đến xuất khẩu bền vững.
Những tổ hợp tác cây ăn quả theo loại, theo chuỗi; mô hình liên kết, hợp tác sản xuất nông nghiệp; mô hình chuỗi cung ứng nông sản… cần có sự đồng hành của doanh nghiệp với người nông dân. Chính điều này sẽ là tiền đề phát triển bền vững các chuỗi sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2.4.2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng đã chỉ rõ, tư duy liên kết vùng cùng tạo ra thương hiệu chung của vùng, tính liên kết hợp tác, vừa tạo ra giá trị chung, vừa khơi gợi thúc đẩy sự năng động, sáng tạo của từng địa phương, dần mở rộng không gian vượt ra khỏi địa giới vùng.
Đơn cử như một công ty ở tỉnh Trà Vinh, đã chế biến vỏ dừa thành dây thừng, thảm và một số mặt hàng thủ công để xuất khẩu qua các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Dừa hột sẽ được giao cho một công ty ở Bến Tre chế biến, còn vỏ dừa sẽ được sơ chế tại chỗ thành những sản phẩm khác nhau, tạo tính liên kết vùng cao và hiệu quả.
Chưa dừng lại ở đó, nhiều địa phương cũng có các loại cây trồng thế mạnh để tạo sức bật và có khả năng liên kết vùng với các tỉnh khác về mặt du lịch, như sen, quýt ở Đồng Tháp; thốt nốt ở An Giang; vú sữa lò rèn ở Tiền Giang; dừa sáp ở Trà Vinh; chôm chôm ở Vĩnh Long; cam mật ở Cần Thơ… Cách làm này đã được các tỉnh nội vùng Tây nguyên hay tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa đang thực hiện tương đối thành công và đáng để học hỏi.
Có thể nói, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, để giúp ĐBSCL tìm cách thích ứng và nâng cao giá trị kinh tế từ chính nền nông nghiệp chất lượng cao ngay tại địa phương. Thiết nghĩ, những tỉnh, thành trong khu vực này cần cùng nhau thống nhất và chia sẻ lợi ích để tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ, phát triển vùng ĐBSCL toàn diện theo hướng sinh thái, bền vững, mang đậm bản sắc vùng sông nước trong bối cảnh hiện đại.