Di sản đô thị là di sản văn hóa có qui mô lớn nhất trong mọi loại hình di sản mà con người kiến tạo được trong lịch sử tiến hóa của nhân loại. Di sản đô thị khác biệt, với tính nhị nguyên: Vừa là sản phẩm của sáng tạo từ văn hóa loài người, vừa là môi trường bao chứa tất cả những hoạt động văn hóa ấy. Do đó, di sản đô thị có thể là một dạng di sản phức hợp, quý giá và có sự phát triển tiếp nối diễn ra ngay trong lòng di sản. Chính vì vậy, bảo tồn di sản đô thị không thể và không bao giờ theo con đường “bảo tàng hóa”. Các không gian đô thị lịch sử sống động với những sản phẩm vật chất và tinh thần (có thể) sẽ là di sản trong tương lai.
Di sản đô thị thời Pháp thuộc tại Việt Nam được nghiên cứu và đánh giá một cách tương đối cơ bản ở Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Lạt, Huế…, song chưa được tổng kết một cách có hệ thống trên toàn quốc. Việc lựa chọn những phương pháp và công cụ thích hợp để phân tích, đánh giá đặc điểm, giá trị các khu phố hình thành dưới thời Pháp thuộc tại các đô thị lớn của Việt Nam là rất cần thiết; giúp đánh giá chính xác hơn khả năng bảo tồn các di sản thuộc địa trong cấu trúc đô thị hiện đại ngày nay, cũng như việc phát huy các giá trị di sản này trong chiến lược phát triển du lịch di sản văn hóa và thúc đẩy nền kinh tế phát triển,…
Thực tế cho thấy, “Bảo tồn thích ứng” là cách làm không còn xa lạ tại nhiều khu phố di sản trên thế giới, và di sản đô thị thời Pháp thuộc tại Việt Nam không phải trường hợp ngoại lệ. Để bảo vệ và phát huy hiệu quả các giá trị của nhóm di sản này, việc lựa chọn phương pháp bảo tồn thích ứng là hướng đi thích hợp trong bối cảnh phát triển đô thị ở Việt Nam.
Sơ lược về di sản kiến trúc và đô thị thời Pháp thuộc tại Việt Nam
1. Tại Hà Nội
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nhằm thực hiện tham vọng thiết lập một chính quyền thuộc địa uy quyền và ổn định cho khu vực, người Pháp đã quyết định biến Hà Nội dần trở thành thủ đô của liên bang Đông Dương, thu hút giới tư bản Pháp tới đây sinh sống và làm ăn; Ngoài việc xây dựng mới các trụ sở công quyền, nhiều không gian đô thị khác như các khách sạn, rạp phim, nhà hát, trường học… dần xuất hiện và hoàn thiện thành một TP Châu Âu thu nhỏ. Năm 1921, Hà Nội có tới gần 4.000 dân châu Âu và 100.000 dân bản địa. [1] Qua nhiều đồ án quy hoạch quan trọng được phê duyệt, Khu phố Pháp tại Hà Nội đã được hình thành và phát triển, có cấu trúc mạng ô cờ khá hoàn chỉnh. Các trục đường Đông – Tây được nhấn mạnh hơn với đường rộng, vỉa hè lớn, có các công trình đầu mối (Nhà hát Lớn, Ga, ĐH Tổng hợp, Ngân hàng Nhà nước,…) làm điểm nhấn. Các trục Bắc – Nam có vai trò kết nối không gian từ khu phố cổ qua hồ Hoàn Kiếm, hồ Thiền Quang đến các khu phố mới ở phía Nam.
Nhiều công trình kiến trúc lớn được thiết kế bởi các KTS Pháp, trong khi một số biệt thự và công trình nhỏ được thiết kế bởi KTS Việt Nam hoặc sự cộng tác giữa hai bên. Kiến trúc Việt đã được khai thác sử dụng, tạo nên phong cách Đông Dương phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu Việt Nam.
2. Tại Sài Gòn – Chợ Lớn
Đô thành Sài Gòn được thiết kế theo mô hình châu Âu sớm hơn cả Hà Nội; trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, Sài Gòn là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của toàn vùng Đông Dương, được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” . Theo quy hoạch ban đầu (1860), Sài Gòn sẽ là nơi sinh sống của 500.000 dân. Thời đô đốc Bonard (1861-1863), TP đã mang một bộ mặt phương Tây. Khu vực trung tâm xung quanh dinh Thủy sư Đề đốc đã quy tụ một số công thự quan trọng như Bưu điện, sở Ngân khố và Nhà in. Thời đô đốc De la Grandiere (1863-1865) mở thêm các đại lộ chính, xây dựng Dinh Toàn quyền Nam kỳ (KTS Hermite). Trong giai đoạn này cũng bắt đầu việc nạo vét, mở mang bờ sông để xây cảng Sài Gòn, tiếp đến là Nhà thờ Đức Bà (1871), nhà hát TP (1895-1902), tòa Đô chính (nay là UBND TP, 1898-1902), chợ Mới (nay là chợ Bến Thành, 3/1914). Các khu phố dần dần được kéo dài lan tỏa ra với các công thự, dinh thự được xây dựng hai bên đường.
3. Tại Hải Phòng
Năm 1870-1873, nhà Nguyễn cho xây dựng Ninh Hải thành một cảng lớn làm cửa ngõ cho cả xứ Bắc Kỳ thông thương với bên ngoài, lập hai đồn binh, nha Hải Phòng sứ, trạm thuế quan ở ngã ba sông Cấm và sông Tam Bạc. Vùng đất này thuở ban đầu kết hợp đồng thời hai chức năng kinh tế và quốc phòng.
Khi Pháp đánh Bắc Kỳ năm 1873-1874, nhà Nguyễn phải ký hòa ước Giáp Tuất, mở cửa thông thương các cảng Ninh Hải (tỉnh Hải Dương) và Thị Nại (tỉnh Bình Định). Sau đó tại Ninh Hải, nhà Nguyễn và Pháp lập cơ quan thuế vụ chung để quản lý việc thương mại, khi đó thuộc tỉnh Hải Dương thương chính quan phòng. Năm 1878, lập Chiêu thương Cục, thu hút các nhà buôn người Việt và Hoa đến sinh cơ lập nghiệp, mở cửa hàng buôn bán. Khu vực này dần trở nên sầm uất, hoạt động tấp nập, là cơ sở cho sự hình thành TP cảng Hải Phòng sau này. [3]
Sau khi Pháp chiếm vùng Ninh Hải (1872), công cuộc đô thị hóa Hải Phòng diễn ra nhanh chóng. Giai đoạn 1874-1888 là thời kỳ đặt nền móng hình thành TP Hải Phòng, 1897-1914 là giai đoạn xây dựng Hải Phòng thành TP công nghiệp và cảng biển lớn của miền Bắc – đồng thời cũng là một địa bàn quân sự trọng yếu của Việt Nam. Như vậy, đô thị Hải Phòng được hình thành và phát triển hoàn toàn mới trong thời Pháp thuộc. Theo các tài liệu lịch sử, Hải Phòng nổi lên hai cuộc hội cư lớn vào thế kỷ 10 (sau chiến thắng Bạch Đằng) và đầu thế kỷ 20 (thời kỳ đô thị hóa).
4. Tại Huế
Khu phố Tây được hình thành ở bờ Nam sông Hương – đối diện với Hoàng Thành. Theo một điều khoản trong Hiệp ước ký với nhà Nguyễn, Pháp cử một phái bộ ngoại giao đến cư trú thường xuyên tại Huế, sau đó vài năm bắt đầu xây dựng nhà cửa để thường trú lâu dài. Từ chỗ trú chân ban đầu này, Pháp đã gây sức ép ngày càng mạnh lên triều đình Huế để đòi thêm đất xây dựng các cơ quan phối thuộc, củng cố dần bộ máy chính quyền thực dân tại chỗ. Do những nhu cầu về sử dụng, người Pháp đã quy hoạch và xây dựng tại Huế khá nhiều công trình có giá trị, có quy mô không lớn, song đẹp về kỹ thuật, vật liệu.
5. Tại Đà Lạt
Những năm 1880-1893, người Pháp đã nhiều lần thám hiểm tìm vùng đất có khí hậu ôn hòa để xây dựng khu điều dưỡng nghỉ mát tại cao nguyên Lang Biang – nơi vốn là vùng đất cư trú của một số dân tộc thiểu số. Ngày 1/11/1899, Pháp thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng với hai trạm hành chính tại Tánh Linh và Lang Biang.
Kiến trúc đầu tiên ở Đà Lạt là một đồn binh lợp lá (1898), tiếp đó là ngôi nhà gỗ lợp tôn của viên Công sứ (1900). Khách sạn Du Lac mở cửa năm 1907. Đầu năm 1916, Đà Lạt vẫn là một thị tứ nhỏ với 8 căn nhà gỗ hai bên suối Cam Ly, có 9 phòng cho du khách. Cuối năm 1916, thêm khách sạn Lang Biang Palace với 26 phòng. Cuối năm 1923, Đà Lạt đã có 1500 dân. Ga Đà Lạt khánh thành năm 1936. Trong thời gian thế chiến II, người Pháp tập trung lên đây nhiều và đó là động lực đáng kể để Đà Lạt phát triển mạnh hơn. Trường Grand Lycee Yersin, nhà thờ Chánh tòa khánh thành năm 1942, các dinh thự của Bảo Đại,.. Đà Lạt là đô thị duy nhất ở Việt Nam được quy hoạch tổng thể bài bản ngay từ đầu (đồ án của KTS. Ernest Hebrard).
6. Tại Đà Nẵng
Nơi đầu tiên đánh dấu quá trình xâm chiếm Việt Nam của người Pháp chính là Đà Nẵng – khu nhượng địa đầu tiên với diện tích 10.000 ha nằm ở cửa biển, dọc tả ngạn sông Hàn. Ngày 24/5/1889, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập TP. Đà Nẵng. Đến đầu thế kỷ 20, khu nhượng địa đã không còn đáp ứng được với sự phát triển nhanh chóng của TP, ngày 15/1/1901 dưới sức ép của người Pháp vua Thành Thái quyết định mở rộng diện tích khu đất ra gấp 4 lần ban đầu.
Quá trình hình thành cấu trúc đô thị Đà Nẵng dưới thời Pháp thuộc cũng giống như một số TP thời thuộc địa khác ở Việt Nam: Xây dựng các công trình hành chính để đánh dấu các vị trí quan trọng trong khu nhượng địa, quy hoạch hệ thống giao thông có dự tính cho việc mở rộng khu nhượng địa về sau. Các công trình kiến trúc công cộng, dân dụng, tôn giáo cũng được xây dựng vào khoảng thời gian từ năm 1888 đến 1920 theo các khuôn mẫu kiến trúc Tân cổ điển Pháp và kiểu kiến trúc Chiết trung.
Phần lớn những công trình kiến trúc Pháp tại Đà Nẵng được xây trong khoảng 20 năm – khoảng thời gian tương đối ngắn so với các TP khác tại Việt Nam, song đã kịp tạo ra các thể loại phong cách kiến trúc thuộc địa khá phong phú.
7. Tại Sa Pa
Năm 1903, khi tiến hành đo đạc, xây dựng bản đồ, đoàn thám hiểm của Sở Địa lý Đông Dương đã khám phá ra cảnh quan cao nguyên Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả. Năm 1905, người Pháp đã thu thập được những thông tin đầu tiên về địa lý, khí hậu, thảm thực vật của Sapa, rồi một khu điều dưỡng ra đời năm 1909. Năm 1917, một văn phòng du lịch được thành lập tại Sapa, và năm 1918 bắt đầu xây dựng những biệt thự đầu tiên. Năm 1920, hoàn thành tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai, Sapa trở thành thủ phủ mùa hè của miền Bắc dưới thời Pháp thuộc. Tổng cộng, người Pháp đã xây dựng ở Sapa gần 300 biệt thự – chủ yếu phục vụ mục đích nghỉ dưỡng.
Thực tiễn bảo tồn di sản kiến trúc và đô thị thời Pháp thuộc ở Việt Nam
Hà Nội và TP. HCM là hai TP có di sản đô thị thời Pháp thuộc đa dạng nhất ở Việt Nam, sau đó có lẽ là Hải Phòng. Các khu phố Pháp (hay còn gọi là khu phố cũ) được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 – nửa đầu thế kỷ 20, có hình thái hòa nhập hữu cơ giữa đô thị và công trình với các giá trị nổi bật:
- Hệ thống đường phố, qui mô và tỉ lệ các công trình kiến trúc được kết nối hài hòa với cấu trúc đô thị truyền thống, góp phần tạo nên bộ mặt đô thị phong phú, giàu giá trị. Sự chuyển hóa mềm này là bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá về phát triển đô thị cho người Việt;
- Kiến trúc công trình thể hiện sự tìm tòi sáng tạo, từ chỗ vận dụng các khuôn mẫu phương Tây vào điều kiện nhiệt đới, đến tạo lập một nền kiến trúc thích ứng với đặc trưng khí hậu và thẩm mĩ Việt Nam;
- Tạo ra sự đa dạng chưa từng có về thể loại kiến trúc với các loại hình mới như nhà ga, bệnh viện, nhà trọ, thư viện… mà Việt Nam chưa có trước khi người Pháp xâm nhập;
- Các đường phố hấp dẫn ở sự sôi động và nhộn nhịp, sự phô bày các hoạt động sống, sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và văn hóa đa dạng của cư dân đô thị.
1. Tại Hà Nội
Thực tiễn bảo tồn một số khu vực (Khu trung tâm chính trị Ba Đình, Khu biệt thự là đại sứ quán các nước) đã cho kết quả tốt. Một số công trình có giá trị (Nhà hát Lớn, Phủ Chủ tịch, Nhà 90 Thợ Nhuộm…) đã được công nhận là Di tích Quốc gia theo những tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên, khu vực Nam hồ Gươm đã bị xen cấy nhiều công trình cao tầng làm thay đổi hình thái không gian đô thị. Việc xây dựng cải tạo theo hướng hồi cố, giả cổ đã gia tăng nguy cơ làm sai lệch giá trị di sản, gây nhầm lẫn đối với các giá trị gốc của di sản. Bên cạnh đó, chính sách nhà ở có yếu tố lịch sử đã làm cho các biệt thự có tình trạng đa sở hữu, dẫn đến không kiểm soát được việc lấn chiếm, cơi nới làm thay đổi cấu trúc, hình thái của công trình và cảnh quan tuyến phố.
Bảo tồn di sản kiến trúc và đô thị thời Pháp thuộc tại Hà Nội phải chú ý đến tổng thể khu vực đô thị lịch sử. Có thể đánh giá, khu phố Pháp Hà Nội có qui mô lớn nhất Đông Nam Á với nhiều chức năng đô thị có giá trị sử dụng lâu dài. Cần đánh giá đúng và trung thực về những ảnh hưởng của các dự án mới có qui mô quá lớn đối với khu phố lịch sử, vì các dự án này dễ làm biến dạng hoặc làm mất cân bằng, phá vỡ sự hài hòa của các tuyến / ô phố lịch sử. Điều này cần được các nhà quản lý đô thị đặc biệt quan tâm và TP cần phải có chiến lược rõ ràng đối với di sản đô thị Hà Nội.
2. Tại TP. HCM
Nhóm di sản đô thị thời Pháp thuộc nằm tập trung ở các quận trung tâm. Trong số 56 di tích tại TP. HCM đã được xếp hạng Di tích Quốc gia, có 05 công trình kiến trúc thời Pháp thuộc được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật. Đây là lợi thế, tiềm năng lớn để TP khai thác, phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế và du lịch văn hóa. Gần đây, Tòa án nhân dân TP HCM và Nhà thờ Đức Bà đã được trùng tu lớn. Dịp 30/4 vừa qua, Trụ sở UBND TP đã mở cửa thí điểm đón khách tham quan.
Bảo tồn kiến trúc thời Pháp thuộc tại TP HCM phải đặt trong bối cảnh phát triển của đô thị lớn nhất cả nước. Chúng ta không chỉ xét đến yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của TP, mà cần coi chiến lược bảo tồn di sản đô thị như một nguồn tài nguyên xuyên suốt trong phát triển đô thị. Bằng việc đề cao di sản đô thị như “nguồn gene” đã được lưu giữ, hòa nhập và thích ứng suốt chiều dài hơn 100 năm phát triển đô thị cận đại của TP, việc xây dựng các chính sách ứng xử, quản lý trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị một cách bền vững là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền TP HCM.
3. Tại Hải Phòng
Bảo tồn di sản kiến trúc và đô thị thời Pháp thuộc tại Hải Phòng bắt đầu được quan tâm nhiều hơn trong một vài năm gần đây, song vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự xứng đáng với giá trị và vai trò của di sản đô thị trong cấu trúc của TP Hải Phòng. Điểm khác biệt của di sản kiến trúc và đô thị thời Pháp thuộc tại Hải Phòng so với Hà Nội và TP HCM là hầu hết được “tự động” bảo tồn khá tốt bởi đa số công trình thuộc sở hữu nhà nước. Tính toàn vẹn của khu phố Pháp Hải Phòng cao hơn, chính là giá trị quý giá cần được bảo tồn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều công trình cao tầng được cấp phép mà (có lẽ) chưa đánh giá đầy đủ tác động của chúng đến cảnh quan và không gian của khu phố (ví dụ: Khách sạn Hoàng Long, Hilton Hải Phòng, Khách sạn Legend, Tòa nhà Central…). Việc khai thác, phát huy một số công trình quan trọng như Nhà hát TP, Bảo tàng… còn thiếu tính sáng tạo. Việc trùng tu, cải tạo một số công trình đã làm mất tính nguyên gốc, vẻ đẹp tinh tế của ngoại thất và nội thất (ví dụ: Tòa nhà Bưu điện TP, một số trường học…). Các hoạt động quảng bá, tôn vinh di sản và văn hóa đô thị khu phố trung tâm còn đơn điệu, thưa thớt. TP Hải Phòng chưa đưa được các hoạt động văn hóa cộng đồng gắn với di sản đô thị trở thành nhân tố quan trọng phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo như Hà Nội đã làm rất thành công với không gian hồ Gươm và phụ cận.
Năm 2022, Hải Phòng đã tiến hành kiểm kê, vẽ ghi, đánh giá, xếp hạng, lập danh mục các CTCC và biệt thự có giá trị theo đề án UBND TP giao Sở Xây dựng thực hiện. Tuy nhiên, khu phố Pháp Hải Phòng chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ và tổng quát về các giá trị về đô thị và kiến trúc, chưa được khoanh vùng bảo tồn, xác định các định hướng và giải pháp bảo tồn, càng chưa có nghiên cứu dẫn hướng, xây dựng chiến lược quảng bá, phát huy giá trị di sản kiến trúc và đô thị của khu phố đặc biệt này.
4. Tại Huế
So với các đô thị lớn, kiến trúc thời Pháp thuộc tại Huế ít về số lượng, nhỏ về quy mô, và chưa thật cầu kì trong trang trí, vậy nên quan điểm bảo tồn quỹ kiến trúc thuộc địa tại Huế là phải bảo tồn cấu trúc tổng thể chứ không thể bảo tồn từng công trình riêng lẻ [4]. Việc chuyển đổi một số biệt thự dọc bờ Nam sông Hương thành Bảo tàng Nghệ thuật, nhà trưng bày danh nhân (họa sĩ Lê Bá Đảng – nhà điêu khắc Điểm Phùng Thị) là cách làm hay, kết hợp với cầu gỗ đi bộ, các không gian tổ chức festival làng nghề, phố đi bộ… đã tạo ra một trục di sản dọc sông Hương. Đây là kinh nghiệm hay cho các đô thị khác học tập.
Tuy kiến trúc thời Pháp thuộc tại Huế có vai trò đặc biệt trong tạo lập bản sắc đô thị Huế, song, nhóm di sản này chỉ có vị trí ưu tiên sau các nhóm di tích truyền thống, dân gian tại đô thị di sản này. Hiện còn khoảng gần 70 công trình kiến trúc thuộc địa tại TP Huế, một số đang bị đe dọa bởi sự phát triển đô thị và nhu cầu thay thế các công trình cũ của nhiều chủ đầu tư. Bên cạnh một số dự án trùng tu, bảo tồn các công trình di tích đã và đang được thực hiện (cung An Định, điện Kiến Trung), còn lại, các công trình kiến trúc thuộc địa đều có những hạn chế nhất định về chính sách quản lý bảo tồn, sự eo hẹp về tài chính, thiếu kỹ thuật, chưa huy động được những nguồn lực từ cộng đồng, nên rất khó để bảo tồn từng công trình riêng lẻ.
5. Tại Đà Lạt
Ngày nay, Đà Lạt được nhìn nhận như một “bảo tàng kiến trúc Pháp thế kỷ 20 tại Việt Nam”. Có thể nhận định rằng, với hơn 120 năm lịch sử, Đà Lạt không hẳn là một đô thị cổ, nhưng cũng đã xây dựng được cho mình không ít những công trình kiến trúc độc đáo, đa dạng về thể loại và phong phú về phong cách. Ở Việt Nam, quỹ di sản kiến trúc thời Pháp thuộc của Đà Lạt có lẽ chỉ đứng sau Hà Nội, Sài Gòn, sự đa dạng về loại hình và tính tập trung kém hơn Hải Phòng, song lại trội hơn ở quỹ công trình biệt thự.
Qua gần 7 thập kỷ kể từ khi người Pháp rút khỏi Đà Lạt, quỹ di sản đô thị thời Pháp thuộc vẫn được bảo lưu, khai thác và phát huy:
- Đối với các công trình công cộng: Hầu hết được tiếp tục sử dụng đúng chức năng ban đầu. Tình trạng kỹ thuật, chất lượng công trình vẫn còn khá tốt. Hầu hết công trình đang phát huy giá trị trong cuộc sống đương đại;
- Đối với các nhà biệt thự: Nhóm dinh thự được bảo tồn, khai thác thường xuyên (trừ dinh Tỉnh trưởng). Nhóm nhà biệt thự có sự phân hóa rõ: 1/ Nhóm được bảo tồn – khai thác tốt; 2/ Nhóm bị thay đổi, biến dạng cả cấu trúc hình thức và công năng; 3/ Nhóm bị phá hủy, thay thế. Hơn 1500 biệt thự trước đây được phân chia thành nhiều hạng theo diện tích phân lô của đất xây dựng, trong đó đáng kể là các khu biệt thự tiêu chuẩn cao (diện tích lô đất >1.500m2) là nơi ở hay nghỉ mát dành cho tầng lớp thượng lưu trước đây, gồm các khu Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Lê Hồng Phong, Lê Lai, Nguyễn Du…;
Hiện nhiều biệt thự do cũ nát, không được đưa vào danh mục quản lý, đã bị phá hủy, thay thế, trong bối cảnh Đà Lạt đang “dung nạp” thêm nhiều thể loại kiến trúc mới không khác các đô thị lớn khác trên cả nước. Những kiến trúc này không làm nên đặc trưng mới cho đô thị Đà Lạt. Sự thịnh hành của nhà chia lô, tỷ lệ bê tông hóa cao… đang làm giảm đi giá trị kiến trúc cảnh quan, có xu hướng lấn át các công trình cũ của Đà Lạt.
6. Tại Đà Nẵng
Thống kê sơ bộ, hiện Đà Nẵng có hơn 20 công trình kiến trúc Pháp có giá trị, tập trung chủ yếu ở quận Hải Châu, như Trường Ecole Franco – An namite de Tourane (1890, nay là Trường Tiểu học Phù Đổng), Bảo tàng điêu khắc Chăm (1919), Tòa Thị chính TP (1906), Tòa án nhân dân TP (1906), Hội Liên hiệp Phụ nữ TP (1920)… Hầu hết các công trình đều được TP đưa vào danh sách cần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử. Sở Văn hóa và Thể thao đã thực hiện nhiều đợt kiểm kê, phân loại, đánh giá hiện trạng công trình có giá trị để có biện pháp bảo vệ. Sở cũng lập hồ sơ khoa học và đề xuất cấp có thẩm quyền xếp hạng, đưa vào danh mục kiểm kê các công trình có giá trị làm cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn.
Năm 2022, dự án cải tạo, chuyển đổi công năng sử dụng tòa nhà 42-44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú (vốn là Tòa Thị chính Đà Nẵng thời Pháp thuộc) thành Bảo tàng Đà Nẵng đã nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử trên địa bàn.
7. Tại Sa Pa
Các công trình kiến trúc Pháp tại Sa Pa được một số cơ quan nghiên cứu từ Pháp tới khảo sát đánh giá cao. Tiêu biểu là nhà thờ đá sử dụng chất liệu đá đẽo để xây dựng, hỗn hợp cát, vôi, mật mía được dùng làm chất kết dính rất độc đáo. Khu giáo đường rộng lớn với 32 ô cửa kính đủ màu sắc. Tu viện cổ Tả Phìn nằm ở xã Tả Phìn cách trung tâm thị xã Sa Pa 12 km, trước đây tường đá dày, có hầm vững chắc. Bên cạnh đó, còn hàng chục biệt thự được người Pháp xây dựng với mục đích hình thành một đô thị nghỉ dưỡng tương tự Đà Lạt, Tam Đảo.
Trải qua hơn 100 năm với nhiều biến cố lịch sử, đến nay, nhiều biệt thự Pháp cổ dần biến mất, bị thay thế bởi gần 200 công trình xây mới, hầu hết là các cơ sở lưu trú. Đến nay, số công trình Pháp cổ còn lại rất ít. Tu viện xây dựng tại Tả Phìn chỉ còn lại phế tích hoang vắng. Một số công trình khác cũng đang bị xuống cấp như Trạm khí tượng Sa Pa. Không gian của Sa Pa đang ngày càng bị thu hẹp do tình trạng quá tải hạ tầng, quy hoạch lộn xộn, mật độ xây dựng quá lớn và thiếu quản lý về kiến trúc.
Bảo tồn thích ứng di sản kiến trúc và đô thị thời Pháp thuộc trong bối cảnh mới
Trong bảo tồn di sản kiến trúc và đô thị, bảo tồn thích ứng là phương pháp chuyển tiếp được các giá trị cũ và bổ sung các giá trị mới phù hợp, làm cho di sản tồn tại được với cộng đồng, với xã hội đương đại. Bảo tồn thích ứng cho phép đưa thêm chức năng mới hoặc điều chỉnh thích hợp chức năng cũ của công trình di sản, sao cho đáp ứng được những yêu cầu sử dụng hiện tại nhưng không làm sai lệch các giá trị vốn có của di sản. Khái niệm thích ứng được hiểu là sự thích hợp, sự phù hợp, không phải chỉ tại thời điểm bảo tồn, mà còn thích hợp ở các giai đoạn khác nhau của đời sống xã hội. Phương pháp này có thể áp dụng cho các di sản đã được công nhận và chưa được công nhận là di tích, song đặc biệt thích hợp cho các di sản không phải là di tích và đang tồn tại “sống” trong cộng đồng.
1. Bảo tồn thích ứng là hướng đi phù hợp trong bối cảnh mới
Khác với di tích, vốn đòi hỏi phải bảo tồn nguyên trạng/nguyên vẹn, công tác tôn tạo, trùng tu di tích phải cố gắng tối đa phục hồi trở lại trạng thái gốc ban đầu, thì di sản đô thị cho phép có những điều chỉnh, bổ sung thích hợp. Các từ “khóa” gắn với công tác bảo tồn di tích thường là “Bảo quản”, “Tu bổ”, “Phục hồi”, trong khi với di sản vật thể/ di sản đô thị lại là “Bảo tồn”, “Duy trì”, “Tôn tạo”, “Khai thác”, “Phát huy”.
Cần đánh giá lại các tiềm năng đô thị phải bảo tồn ở các khu Trung tâm lịch sử, trong đó có các thành phần vật thể và phi vật thể theo phương pháp luận bảo tồn đô thị. Việc xác định các giá trị và tiềm năng bảo tồn trong khu phố cổ và khu phố Pháp (vốn có ở nhiều TP cũ tại Việt Nam như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Huế…) cần phải được tiến hành đúng theo phương pháp luận của bảo tồn đô thị (hiện còn nhiều lẫn lộn với bảo tồn di tích kiến trúc). Sự kết hợp giữa nghiên cứu cấu trúc đô thị trong quá khứ và sự vận dụng khôn khéo các kinh nghiệm lịch sử liên quan đến phát triển đô thị hiện đại sẽ tạo ra lý luận và bằng chứng cụ thể để đạt được sự phát triển liên tục – vốn là đặc trưng quí giá nhất của một đô thị lâu đời.
Theo GS. Hoàng Đạo Kính: “Chúng ta vẫn bị nhầm khái niệm khi ứng xử với di sản đô thị. Di sản đô thị là một thực thể sống. Chủ sở hữu của nhiều di sản chính là cộng đồng cư dân của đô thị ấy. Cuộc sống của người dân vẫn phải tiếp tục. Bởi thế, chúng tôi cho rằng phải dùng khái niệm duy trì chứ không phải là bảo tồn. Duy trì là biện pháp giữ gìn di sản trong dòng chảy cuộc sống, chứ không phải bảo tồn một cách cứng nhắc. Duy trì gắn với khơi dòng cho di sản đô thị, để di sản cộng sinh trong lòng cuộc sống, tạo ra mối quan hệ giữa cổ – cũ, nay – mai”.
Đô thị luôn vận động theo hướng (thường là) mở rộng, thay đổi, tự làm mới sau mỗi chu kỳ phát triển kinh tế – xã hội. Với các công trình và cảnh quan đô thị, (có thể được coi là di sản) thời Pháp thuộc, bảo tồn thích ứng là hướng đi thích hợp. Một trong những giá trị lớn nhất và quan trọng của nhóm di sản đô thị thời Pháp thuộc là giá trị sử dụng. Từ hơn 100 năm qua, đa số các công trình được hình thành dưới thời kỳ này đến nay vẫn đang được chúng ta khai thác, sử dụng hàng ngày. Do đó, trong bảo tồn nhóm di sản này, không thể “đóng băng” như bảo tồn di tích, mà phải tiếp tục phát huy giá trị sử dụng, giá trị kinh tế của nhóm di sản này.
Bảo tồn di sản không thể hiểu theo nghĩa cứng là “đóng hộp” – bảo tàng hóa để bảo vệ nguyên trạng như với di tích. Trong thực tiễn trùng tu di tích cũng có những lúc phải phát lộ (bớt đi), tái định vị (bố trí lại) hay bổ khuyết, phục dựng (thêm vào). Cần khoanh vùng kiểm soát để bảo vệ di sản, nhưng không phải là tuyệt đối cấm phát triển, mà chỉ hạn chế, kiểm soát, chọn lọc và điều tiết kịch bản phát triển phù hợp.
2. Bảo tồn di sản đô thị: Phải quan tâm cả địa điểm, không gian di sản
Di sản đô thị đang phải chịu cảnh “lép vế” so với các di tích, di sản văn hóa khác, bởi Di sản đô thị không được bảo vệ bởi hành lang pháp lý (cụ thể là Luật Di sản Văn hóa ban hành năm 2001, sửa đổi năm 2009). Do nhận thức về di sản chưa đầy đủ, không đúng bản chất (quan trọng hóa giá trị vật thể, nhiều trường hợp đánh đồng di sản với di tích) nên cách ứng xử chưa thỏa đáng, không phù hợp với những loại hình đặc thù như di sản đô thị. Ngay cả với di tích, người Việt nói chung cũng coi trọng việc tân trang, tôn tạo hơn là bảo tồn nguyên trạng. Từ thực tế này, các chính sách và công cụ quản lý bảo tồn đang có những thiếu hụt về mảng di sản, chưa phù hợp, chưa hiệu quả, bị hành chính hóa, thiếu đi sự mềm dẻo, nhiều khi không quan tâm tới quyền lợi và nhận thức của người dân đang chung sống với di sản.
Quy định pháp luật hiện hành chỉ có loại hình Quy hoạch Bảo quản, Tu bổ, Phục hồi Di tích, chưa qui định rõ ràng Quy hoạch bảo tồn trong quy hoạch chung phát triển đô thị – nhất là các TP có trung tâm lịch sử đô thị. Do không có quy hoạch bảo tồn đi trước, nên công tác khảo cổ và nghiên cứu thường phải chạy theo sau các dự án phát triển đô thị để xử lý tình huống. Thực tế này đã làm cho bảo tồn di sản bị nhiều người xem là tác nhân tiêu cực vì nó xung đột và kìm hãm, cản trở sự phát triển – vốn được mặc định là yếu tố tích cực. Nếu có quy hoạch bảo tồn, chính quyền sẽ chủ động điều phối, quản lý đô thị, vừa bảo vệ di sản tránh khỏi các tác nhân tiêu cực từ quá trình phát triển đô thị – vừa đề ra các giải pháp hợp lý đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị, chúng ta không chỉ quan tâm đến một công trình riêng lẻ, mà phải chú ý đến cả những yếu tố gắn kết như khung cảnh kiến trúc, môi trường đô thị để bảo tồn và tôn vinh giá trị toàn vẹn của di sản.Từ đó, di sản không chỉ tồn tại mà còn “sống” được trong bối cảnh đô thị hiện đại, góp phần xây dựng một đô thị có bản sắc và văn hóa.
3. Coi di sản là tài sản, đánh giá đúng và đủ giá trị kinh tế của di sản đô thị
Tại các nước đang phát triển, bảo tồn các công trình lịch sử có thể là gánh nặng cho ngân sách/ nguồn lực kinh tế, trong lúc có rất nhiều công việc cần phải đầu tư cho phát triển. Trong bối cảnh có ít sự lựa chọn các kịch bản phát triển, các cơ quan quản lý thường có xu hướng tư duy rằng bảo tồn là trở lực, thậm chí xung đột với sự phát triển. Chúng tôi cho rằng, bản thân “Bảo tồn” và “Phát triển” không có mâu thuẫn, đối kháng gay gắt. Mâu thuẫn chỉ xảy ra khi có những yếu tố ngoại lực tác động, hoặc những yêu cầu phát triển quá nóng.
Khi đạt đến ngưỡng phát triển nhất định, di sản kiến trúc và đô thị là một trong những chìa khóa mở ra cánh cửa kết nối với giới tinh hoa trong việc lựa chọn một nơi chốn/ một đô thị để sống, làm việc và cống hiến. Các trung tâm đô thị lịch sử lúc này có vai trò là những hub/ không gian kết nối tinh thần, nuôi dưỡng sáng tạo, làm giàu văn hóa, tạo “dinh dưỡng” và nguồn gen cho cây đô thị nhân văn tiếp tục nảy nở và phát triển. Trong bối cảnh chúng ta đang cần quy tụ các chuyên gia giỏi để phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, thì các nhà quản lý càng cần thông tuệ, sáng suốt trong việc hoạch định các chiến lược bảo tồn, gìn giữ di sản đô thị cho sự phát triển tương lai của các đô thị.
Khi nhìn vào giá trị kinh tế của di sản kiến trúc và đô thị, cần xem công tác bảo tồn như một chiến lược đầu tư lâu dài và thông minh cho tương lai. Cần có cái nhìn tổng thể trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đánh giá đúng các nguồn lực mà di sản kiến trúc và đô thị có thể tạo ra, không chỉ từ nội tại của nó, mà quan trọng hơn/ nhiều hơn là từ các phối kết đô thị để tạo ra động lực phát triển tổng hòa, sức thu hút/ hấp dẫn, hình ảnh và thương hiệu cho đô thị. Di sản góp phần gia tăng sức cạnh tranh cho đô thị trong phát triển kinh tế du lịch, thu hút nhân tài, tạo dựng vị thế của một điểm đến. [10]
4. Bảo tồn di sản thích ứng với thực tế: Cơ hội đổi mới đô thị
Ngày nay, thế giới không chỉ nói đến “địa chính trị”, mà đã nói đến khái niệm mới: “địa kinh tế – văn hóa”. Khái niệm này chỉ ra những nhận thức mới, những hiểu biết mới với khả năng tổng hợp ban đầu về địa lý văn hóa và kinh tế, trong nghiên cứu văn hóa và các chuỗi lý thuyết kinh tế phát triển mới. Văn hóa, hiện nay, không chỉ là động lực cho sự phát triển kinh tế, mà đã phát triển sâu hơn, được nhìn nhận trong cả chiều cạnh không gian địa lý. Những nhận thức về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế đã được thể hiện trong nhiều văn bản từ lý luận đến thực tiễn. Sự hiện diện và thẩm thấu của văn hóa trong các hoạt động kinh tế và phát triển đô thị ngày càng sâu rộng hơn.
Sự tham gia của di sản nói riêng và các khía cạnh của văn hóa nói chung trong phát triển không gian kinh tế – đô thị ngày càng được nhìn nhận sâu sắc và rõ nét hơn. Từ quan niệm là động lực gián tiếp, văn hóa được coi là một động lực trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong bối cảnh này, di sản đô thị có cơ hội tham gia vào phát triển công nghiệp văn hóa – sáng tạo. Nếu chúng ta có chiến lược khai thác, phát huy tốt, sẽ đem lại hiệu quả lớn trong phát triển kinh tế – xã hội của mỗi đô thị, mỗi quốc gia.
Với các công trình thời Pháp thuộc: Chỉ cần bảo tồn theo hướng phục hồi trạng thái gốc đối với những công trình nổi trội về giá trị nghệ thuật kiến trúc, lịch sử, hoặc có giá trị lịch sử – gắn với sự kiện / danh nhân quan trọng. Nên bảo tồn thích ứng, thay vì bảo tồn phục hồi nguyên gốc, những công trình đã được xác định chức năng phục vụ công cộng, có vị trí trong vùng lõi trung tâm đô thị, dễ tiếp cận, không nổi trội về giá trị nghệ thuật kiến trúc, lịch sử, không gắn với danh nhân lịch sử [11]. Việc bảo tồn thích ứng, bổ sung thêm chức năng và không gian hoạt động sẽ cho phép công trình tham gia nhiều hơn vào đời sống đương đại, tiếp tục phát huy mạnh mẽ giá trị sử dụng – vốn là giá trị phổ biến nhất của loại hình di sản đô thị thời Pháp thuộc. Cần lưu ý, trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào tác động lên công trình, cần khảo cứu kỹ lưỡng, đánh giá đúng giá trị và tình trạng công trình, để có thể đưa ra giải pháp bảo tồn phù hợp nhất.
Nhìn rộng hơn, bảo tồn thích ứng di sản đô thị còn là cơ hội để di sản tham gia vào quá trình Đổi mới đô thị. Đổi mới đô thị được coi là một động cơ kinh tế và một cơ chế cải cách đô thị, thông qua việc thay đổi cơ cấu chức năng để tạo các xung lực phát triển mới. Việc bảo tồn thích ứng, củng cố sức sống bền vững, gia tăng giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cho các di sản này cũng là một khâu trong công cuộc đổi mới đô thị. Tuy nhiên, tất cả quá trình này đều phải đảm bảo di sản không bị hủy hoại, thay thế hay sai lệch cơ bản các giá trị của chúng vốn có.
Kết luận
“Di sản” – đối tượng bảo tồn – ngày càng được mở rộng nội hàm, từ di tích và di chỉ sang cụm công trình và quần thể rồi tới tổng thế di sản và di sản đô thị. Đối tượng nghiên cứu mở rộng đồng nghĩa với việc nhận thức về bản chất và giá trị di sản đã có sự chuyển hóa, cũng có nghĩa là phải thay đổi cả cách tiếp cận và ứng xử với di sản. Thực tế cho thấy, đời sống của di sản đô thị rất khác so với các di tích đơn lẻ. Hiện nay công tác bảo tồn mới chỉ được thực thi và đánh giá từ các khía cạnh kỹ thuật mà chưa quan tâm nhiều đến khía cạnh kinh tế, xã hội của vấn đề. Việc lựa chọn xu hướng “bảo tồn thích ứng” chính là cách làm hiệu quả và thích hợp để bảo tồn di sản đô thị, đáp ứng yêu cầu thực tế, góp phần phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay.
Cần phải khẳng định rằng, di sản đô thị là tài nguyên hữu hình rất có giá trị trong đô thị, nếu được quản lý, khai thác, phát huy giá trị một cách hiệu quả; chúng sẽ được “sống” và trở thành những địa điểm quan trọng, thu hút khách du lịch, giúp phát triển kinh tế đô thị hiệu quả và bền vững.