Ngày 22.12, nhớ về những Đại đoàn chủ lực làm nên Chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại

Huyền Linh 192 lượt xem 22 Tháng Mười Hai, 2023

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một thắng lợi vĩ đại của dân tộc, của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Vậy có những Đại đoàn chủ lực nào đã tham gia vào chiến dịch này?

1 8
Đại đoàn 316 hành quân lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 11.1953. Ảnh tư liệu

Nhân dịp Kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22.12.1944 – 22.12.2023), PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Nam Hải – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ – người đã dành rất nhiều năm nghiên cứu và chủ biên nhiều cuốn sách về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo ông Hải thì có 5 Đại đoàn chủ lực đã tham gia chiến dịch này.

“Trước khi nói về 5 Đại đoàn chủ lực góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ thì phải nói đến sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ – đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng ý chí kiên cường quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam” – ông Hải nói.

2 5
Ông Vũ Nam Hải – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ giới thiệu về những hình ảnh chụp các nhân vật lịch sử. Ảnh: Văn Thành Chương

Về mặt quân sự, Chiến dịch Điện Biên Phủ là đỉnh cao của hiệp đồng tác chiến, vận dụng linh hoạt, sáng tạo nghệ thuật quân sự trong chiến đấu. “Trong đó có 5 Đại đoàn chủ lực, gồm: Đại đoàn 316, Đại đoàn 304, Đại đoàn 308, Đại đoàn 312 và Đại đoàn 351” – ông Vũ Nam Hải cho hay.

Theo ông Hải, trong các tài liệu về lịch sử quân sự và các sự kiện liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy, vào tháng 11.1953, Đại đoàn 316 đã xuất phát từ địa điểm trú quân tại Thanh Hóa tiến lên Tây Bắc. Đại đoàn 316 có nhiệm vụ tiến vào giải phóng TX Lai Châu và không cho địch rút về Điện Biên Phủ.

Trong đó, Trung đoàn 176 chia thành 3 cánh quân, Tiểu đoàn 888 gấp rút lên Điện Biên Phủ ngăn không cho địch phát triển lên phía Bắc. Tiểu đoàn 970 vượt biên giới sang giúp Lào bảo vệ vùng giải phóng còn Tiểu đoàn 999 tiếp tục bảo vệ Sơn La, Thuận Châu và làm lực lượng cơ động.

3 4
Đồng chí Nguyễn Quốc Trị (phải) – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 luôn theo sát động viên từng tổ chiến đấu đánh địch phản kích vào cứ điểm 206. Ảnh tư liệu

Ngày 5.1.1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lệnh cho Đại đoàn 304 đang đóng quân ở Đình Ca (Phú Thọ) cử Trung đoàn 57 cấp tốc hành quân lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

“Ngày 6.1.1954, Trung đoàn 57 hành quân vượt sông Hồng ở Yên Bái theo đường mới mở qua Lũng Lô, Nghĩa Lộ, Cò Nòi, Sơn La và lên Điện Biên” – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cho hay.

Đầu tháng 12.1953, Đại đoàn 308 hành quân vượt sông Hồng lên Tây Bắc, trong đó, Trung đoàn 36 đi trước theo đường tắt nhanh chóng chốt chặn ở Pom Lót (nay thuộc huyện Điện Biên) ngăn không cho địch rút về phía thượng Lào.

4 3
Ông Vũ Nam Hải ký tặng cuốn sách “5 Đại đoàn chủ lực tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ” cho phóng viên Báo Lao Động.

Trung đoàn 88 và 102 nhận nhiệm vụ phối hợp với bộ đội công binh mở rộng đường từ ngã ba Tuần Giáo vào gần Điện Biên Phủ cho xe cơ giới và pháo binh. “Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 60km đường đã được sửa sang và mở rộng, trong đó có nhiều cầu tạm bằng tre, gỗ” – ông Hải kể tiếp.

Đến tháng 1.1954, lực lượng tác chiến chủ yếu của chiến dịch đã hành quân đến vị trí tập kết, Đại đoàn 308 đóng quân ở phía Bắc và Tây Bắc kết hợp với các đơn vị tạo thành thế bao vây, thắt chặt quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Vào ngày 10.12.1953, Đại đoàn 312 cũng nhận lệnh hành quân lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau gần 1 tháng vượt hơn 500km trong mưa phùn gió bấc, cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312 đã tập kết tại khu vực Km15 từ Tuần Giáo đi Điện Biên.

5 1
Trung đoàn pháo cao xạ 367 bắn rơi chiếc máy bay của quân đội Pháp tại Nà Lơi – tháng 3.1954. Ảnh tư liệu

Theo ông Hải, một trong những nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là phối hợp với các đơn vị mở tuyến đường dài 15km để đưa pháo của quân đội ta về phía Bắc, chiếm lĩnh các điểm cao, tập trung hỏa lực tiêu diệt các mục tiêu của địch.

Ngày 22.12.1953, Đại đoàn 351 cũng nhận lệnh hành quân lên Điện Biên Phủ, đội hình chia thành 2 khối. Đi đầu là Tiểu đoàn 682 và Tiểu đoàn 383; Khối 2 là Tiểu đoàn 954 và Tiểu đoàn 394.

Ngày 8.1.1954, cả 2 khối vượt qua Đèo Pha Đin đến khu tập kết chiến dịch ở Tuần Giáo. Đến ngày 14.1.1954, Hội nghị cán bộ cao cấp, trung cấp toàn mặt trận họp tại Hang Thẩm Púa (Tuần Giáo) hạ quyết tâm tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh”.

Ngày 26.1.1954, căn cứ tình hình thực tế và tương quan lực lượng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương án tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” và hoãn cuộc tiến quân, đồng thời kéo pháo ra – đó cũng chính là quyết định vô cùng quan trọng đã làm nên chiến thắng lịch sử.

Theo BÁO LAO ĐỘNG

Bài viết cùng chủ đề:

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Cổ tích Miếu Hội Tân Châu

    Trong dân gian, có lẽ do chịu ảnh hưởng tục của người Hoa, người ta gọi ngôi đình làng là miễu, có nơi gọi là miếu võ, thần từ hoặc cổ miếu… Miếu thờ tứ vị vương Giới thiệu cho chúng tôi xem hình ảnh ngôi miếu bằng tre lá ngày xưa, ông từ giữ...
    1 7

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Ngôi đình thờ vua Lê, chúa Nguyễn

    Dưới bóng những cây sao cổ thụ và ở ngay ngã ba sông, đình Bình Phú (H.Cai Lậy, Tiền Giang) có vị trí phong thủy ít ngôi đình nào trong vùng sánh được. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản chứng tỏ là một trong những ngôi đình có niên đại xưa nhất. Thờ...
    8 2

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Dấu xưa ở đình Ba Vát

    Đình Ba Vát còn gọi là Phước Mỹ Trung, nơi lưu dấu chứng tích trận đánh lịch sử xảy ra vào thế kỷ 18 ở thôn Phước Hạnh, làng Phước Mỹ Trung, H.Tân An, Vĩnh Long (nay thuộc H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre). Những dấu tích lịch sử Trải qua hàng trăm năm, chợ Ba...
    1 4

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Dấu ấn thời khai hoang lập ruộng

    Bửu Hương tự, còn gọi là đền thờ Quản Cơ, tọa lạc ấp Bờ Dâu, xã Thạnh Mỹ Tây, H.Châu Phú (An Giang). Người địa phương quen gọi là dinh Đức Cố Quản. Đây là cơ sở tín ngưỡng của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, cũng là nơi thờ tự các vị anh hùng...
    2 3

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Mỹ Tho cũ, Định Tường xưa

    Sau khi đồn Kỳ Hòa thất thủ, đô đốc Charner cho mở các cuộc hành quân lấn chiếm ra vùng lân cận, trong đó có Mỹ Tho. Họ tới Mỹ Tho qua ngã kinh Bưu Điện (Arroyo de La Poste) và sông cửa Tiểu. Cồn Rồng, còn gọi là Long Châu Ngày 26.3.1861, Charner cử...

Được quan tâm