Xuất hiện tại Shark Tank, Warelex là một nền tảng tiếp vận không nhà kho, không đội ngũ vận tải. Đây là một mô hình kiểu Uber, xuất hiện nhiều trên thế giới và có nhiều cả thành công lẫn thất bại.
Điều đặc biệt là họ không sở hữu bất kỳ nhà kho hoặc đội xe tải nào. Thay vào đó, Wareflex đứng ở trung gian, có vai trò kết nối doanh nghiệp cần vận chuyển với các đơn vị cung cấp dịch vụ nhà kho, vận tải theo nhu cầu.
“Uber giao nhận”
Giới thiệu về Wareflex, nhà sáng lập người Ấn Độ Rajnish Sharma cho biết dự án của ông thành lập từ năm 2021, còn nền tảng Wareflex chính thức ra mắt phục vụ khách hàng doanh nghiệp từ tháng 8/2023. Trong thời gian đầu, Wareflex bắt tay phát triển mạng lưới đối tác. Đến nay họ đã hợp tác với hơn 150 nhà cung cấp dịch vụ, với gần 400 nhà kho và 4.000 xe tải. Đến thời điểm gọi vốn Wareflex đã có được hợp đồng trị giá hơn 500.000 USD. Dự kiến trong tháng 12/2023, họ sẽ chốt thêm hợp đồng trị giá 3 triệu USD.
Theo Sharma, mục tiêu của Wareflex là đến tháng 10/2024, họ đã đạt doanh thu định kỳ hằng năm là 1 triệu USD/tháng và đạt điểm hòa vốn vào tháng 8/2025.
Sau những trao đổi và cân nhắc, các “cá mập” đã đồng ý đầu tư 500.000 USD vào Wareflex. Đồng thời đó cũng là minh chứng cho tiềm năng của loại hình như Wareflex.
Mô hình quen thuộc
Trên thực tế, mô hình của Wareflex không mới. Nói nôm na, đây chính là một dạng “Uber trong mảng tiếp vận”. Sau khi Uber ra đời và thành công, nhiều công ty đã triển khai mô hình của Uber vào mảng tiếp vận.
Một ví dụ không thể bỏ qua là Uber Freight của “ông tổ” của mô hình này, Uber. Dịch vụ này ra mắt từ tháng 5/2017, hoạt động tại Mỹ, Canada và Châu Âu. Uber Freight có vai trò kết nối tài xế lái xe tải với những người gửi hàng. Nói một cách dễ hiểu, giống như việc dùng ứng dụng gọi xe đặt một cuốc xe vậy.
Những thông tin từ Uber Freight cho thấy khi sử dụng dịch vụ của họ, người dùng có thể tiếp cận giá cả minh bạch, thanh toán nhanh chóng, theo dõi được quá trình giao hàng. Hệ thống cũng được thiết kế để kết nối bên vận chuyển và bên cần vận chuyển một cách thông minh, dựa trên tính toán điều kiện thị trường và một số yếu tố khác.
Nhiều công ty lớn như LG, P&G, Premier Packaging, v.v. đều từng sử dụng dịch vụ của Uber Freight.
Hoặc một cái tên khác cũng nổi bật không kém là Huochebang của Trung Quốc. Tại quốc gia này, các công ty địa phương đảm nhận 75% tổng lượng hàng hóa thương mại. Để giảm chi phí nhiên liệu và tăng hiệu suất, một vài bên cũng bắt đầu sử dụng các nền tảng vận chuyển theo yêu cầu.
Thành lập năm 2008, Huochebang là nền tảng vận tải đường bộ lớn nhất Trung Quốc với 6 nghìn nhân viên và mạng lưới 5,2 triệu tài xế. Mô hình của họ cũng tương tự Uber Freight và Wareflex, là kết nối cung (bên đội xe) và cầu (bên có hàng cần vận chuyển) tại đúng thời điểm và đúng lúc. Đồng thời, giống với Uber, nền tảng của của họ cũng có hệ thống xếp hạng, nơi người gửi hàng có thể đánh giá cánh tài xế với các tiêu chí đúng giờ, dịch vụ, giá cả, v.v…
Tuy nhiên mô hình doanh thu lại độc đáo hơn, vì họ không kiếm tiền từ phí dịch vụ. Thay vào đó, họ kiếm tiền bằng những dịch vụ bổ sung, chẳng hạn cho vay, bảo hiểm, bán phụ tùng hoặc xe cũ. Houchebang tăng trưởng vượt bậc trong vài năm trở lại đây, nhận được đầu tư từ nhiều ông lớn như Tencent Holdings, Baidu và International Finance Corp. và được định giá ở mức hơn 1 tỷ USD.
Vẫn còn loay hoay
Bất chấp những con số và mức tăng trưởng đáng kinh ngạc của các công ty “gọi xe” vận chuyển hàng hóa, thì mô hình này cũng từng gặp nhiều khó khăn. Ví dụ không đâu xa, vẫn là Uber Freight.
Sau những năm hoạt động thành công, đến đầu năm nay Uber Freight suýt phải giải thể. So với các nhánh dịch vụ khác trong Uber, Freight có triển vọng phát triển kém hơn. Hồi tháng 1, Uber Freight cho biết họ sẽ cắt giảm 3% lực lượng lao động. Còn trong cuộc họp báo cáo thu nhập quý 4 của công ty, Giám đốc tài chính Nelson Chai nhận định Uber Freight sẽ gặp nhiều khó khăn trong tương lai vì hoạt động kinh doanh đang suy thoái theo chu kỳ.
Những “tấm gương” từ người đi trước như Uber Freight hay Huochebang cho thấy rằng Wareflex sẽ có nhiều cơ hội phát triển, nhưng đồng thời cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tiếp vận và công nghệ ngày càng phức tạp và phát triển như hiện nay. Một ví dụ là Uber đã phải chấp nhận đầu tư mạnh vào công nghệ, với 120 triệu USD bỏ vào mở rộng giải pháp hậu cần, công nghệ AI tạo sinh và các công cụ tổng hợp thông tin dựa trên dữ liệu, để “vực dậy” Uber Freight.