Khóm Cầu Đúc là đặc sản nổi tiếng của vùng đất Hậu Giang. Dù trồng trên đất nhiễm phèn nhưng cây khóm luôn cho trái ngọt, giúp người dân nơi đây cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu.
Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có 8.187 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với trên 30.300 người. Trong đó, đồng bào dân tộc Khmer có trên 24.100 người; dân tộc Hoa 6.015 người; dân tộc Chăm và các dân tộc khác 215 người. Trái khóm (còn gọi là trái dứa, trái thơm) từ lâu đã là đặc sản của vùng đất Hậu Giang, trở thành cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.
Diện tích khóm tại Hậu Giang được người dân trồng chủ yếu ở vùng đất ven sông Cái Lớn, thuộc Thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Cái tên khóm Cầu Đúc được hình thành do lúc đó ở địa phương có cây cầu đúc bằng xi măng bắc ngang sông Cái Lớn tại xã Hỏa Tiến, bà con mang khóm ra đó để bán. Thương lái từ khắp nơi đến tập kết tại Cầu Đúc để mua khóm và tên “Khóm Cầu Đúc” được hình thành.
Khóm Cầu Đúc thuộc giống Queen (Nữ Hoàng). Điểm đặc biệt tạo nên thương hiệu khóm Cầu Đúc là nhờ vị ngọt thanh, thịt màu vàng sậm, ít xơ, ít nước, ăn giòn ngọt, ít rát lưỡi. Nét riêng của giống khóm này là trái có hình dáng thanh nhã, cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi có hố mắt hơi sâu. Đặc biệt, trái khóm Cầu Đúc có thể để khoảng 10-15 ngày không bị thối.
Khóm Cầu Đúc thường được trồng vào đầu mùa mưa tháng 4, tháng 5. Nếu trồng bằng chồi thân thì 8 – 10 tháng xử lý ra hoa, còn nếu trồng bằng chồi cuống thì 12 tháng mới xử lý ra hoa. Để trồng được loại cây này, nông dân ươm giống trước 2 – 3 tháng. Cây con cao bằng gang tay có thể mang đi trồng. Mỗi công đất trồng khoảng 2.000 cây giống. Cây trưởng thành cao trên dưới một mét, từ lúc trồng đến 5-6 tháng sẽ bắt đầu cho 1.700 – 1.800 trái mỗi công (1.000 m2).
Khóm trái khi thu hoạch phân làm 3 loại dựa vào trọng, trong đó loại một phải đạt từ 1,2 kg mỗi trái trở lên, bán được giá nhất. Cây khóm trồng gối vụ nên cho trái quanh năm, giá bán tương đối ổn định. Lúc cao nhất, giá khóm đạt 10.000 – 11.000 đồng mỗi trái.
Khóm Cầu Đúc chứa nhiều dưỡng chất như nước, Calo, chất đạm, tinh bột, chất xơ, Glucid, Vitamin C, Canxi, Sắt, Photpho… tốt cho thị lực và giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt; Giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống ho và phòng tránh cảm lạnh; Cải thiện các vấn đề về tiêu hóa; Tốt cho sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và cải thiện lưu thông máu.
Không chỉ được ăn khi trái còn tươi mà trái khóm còn được làm rượu khóm, bánh, mứt, nước màu khóm. Riêng củ hũ khóm là đặc sản thuộc dạng hiếm, được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ngoài phân phối đi các tỉnh, phần lớn khóm Cầu Đúc cung cấp cho những nhà máy chế biến nước trái cây ở Hậu Giang và Cần Thơ.
Khóm là cây trồng chinh phục được đất nghèo mà các loại cây lương thực khác sản xuất không hiệu quả. Cây khóm xuất hiện trên mảnh đất Hậu Giang vào năm 1930, người dân vùng đất Hỏa Tiến – Vị Thanh thấy cây khóm thích nghi tốt với vùng đất phèn, mặn nên tự nhân giống ra trồng dọc theo hai bên bờ sông Cái Lớn. Từ đó cây khóm bám rễ và trụ vững cho đến ngày nay. Tuy trồng trên đất nhiễm phèn, nhiễm mặn nhưng cây khóm lại phát triển xanh tốt và cho ra những trái có vị ngọt đậm đà.
Giữ nguyên vị ngọt trên đất phèn
Trải qua nhiều thăng trầm do đất bạc màu, nhiễm mặn, giá cả thị trường lên xuống… nhưng khóm Cầu Đúc vẫn giữ nguyên vị ngọt, mang về thu nhập ổn định cho người dân trồng khóm ở Hậu Giang.
Ðể nông dân phát triển diện tích trồng khóm, chính quyền thành phố Vị Thanh đã có nhiều chương trình hỗ trợ nông dân khôi phục và nhân rộng giống khóm Cầu Đức. Thành phố đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực.
Gần 3 triệu cây giống được bà con nhận, trồng ở vùng đất phèn mặn. Các kỹ sư nông nghiệp đã tỉ mỉ lựa chọn từng cây giống, loại phân hữu cơ an toàn, chất lượng được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến trên từng rẫy khóm của nông dân để đạt được năng suất cao.
Hiện thành phố có khoảng 2.800 ha diện tích đất trồng khóm, trong đó 50ha khóm đạt chứng nhận quy trình sản xuất VietGAP và 30ha đạt chuẩn Global GAP. Các diện tích khóm canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP đạt doanh thu từ 100-120 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, thành phố Vị Thanh đã thành lập 3 hợp tác xã (Thạnh Thắng, Thạnh Tiến, Thạnh Xuân) hoạt động trong lĩnh vực trồng, kinh doanh, chế biến các sản phẩm từ khóm… và nơi đây cũng đã hình thành nên Làng du lịch cộng đồng “Cánh Đồng khóm Cầu Đúc” tại ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm quan.
Khẳng định vị ngọt trên đất phèn
Từ vài rẫy khóm ban đầu, đến nay toàn tỉnh Hậu Giang có khoảng 3.000ha khóm, trong đó riêng thành phố Vị Thanh có khoảng 2.800ha. Thời gian qua giá khóm loại 1 (từ 1kg trở lên) ở mức từ 10.000 – 12.000 đồng/trái. Với 1ha khóm, mỗi năm sau khi trừ hết chi phí người trồng bỏ túi trên 100 triệu đồng.
Được xác định là một trong loại nông sản chủ lực của tỉnh Hậu Giang, theo chương trình phát triển nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, đến năm 2025, phấn đấu diện tích trồng khóm là 3.500ha, sản lượng đạt 45.000 tấn/năm.
Năm 2006, khóm Cầu Đúc đã được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa “Khóm Cầu Đúc Hậu Giang”.
Tháng 11/2020, cây khóm Hậu Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Khóm Cầu Đúc”. Diện tích vùng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý bao gồm: phường VII, xã Hỏa Tiến, xã Tân Tiến, xã Hỏa Lựu, xã Vị Tân thuộc TP Vị Thanh và xã Vĩnh Viễn A thuộc huyện Long Mỹ.
Khóm Cầu Đúc hiện là một trong 11 sản phẩm nông, thủy sản của Hậu Giang được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Đây là một nỗ lực của tỉnh Hậu Giang khi triển khai thực hiện Đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong những năm qua. Tỉnh sẽ hỗ trợ 50% kinh phí cho 3 triệu tem dán trên các sản phẩm nông, thủy sản chủ lực của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng có dự án hỗ trợ đăng ký, hướng dẫn sử dụng mã số, mã vạch sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cho 3 tổ chức: HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng, HTX ông nghiệp – Thương mại – Dịch vụ Thạnh Tiến, HTX Vĩnh Phát.
Khóm Cầu Đúc giờ đây đã trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước và là niềm tự hào của người dân địa phương. Trái khóm không chỉ được bán tươi mà còn được chế biến những sản phẩm mới, độc đáo góp phần đưa vị ngọt trái khóm vươn xa, đến với người tiêu dùng khắp mọi miền. Có thể khẳng định trái khóm Cầu Đúc đã góp phần làm đổi thay, nâng cao đời sống bà con vùng đất phèn chua này.
Từ tiềm năng và giá trị kinh tế mang lại, cây khóm thời gian qua đã được Hậu Giang chọn là cây trồng chủ lực của tỉnh. Hậu Giang đang tập trung phát triển khóm Cầu Đúc sang hướng sản xuất hàng hóa lớn theo chuỗi giá trị, tập trung phát triển kinh tế hợp tác.
Nhiều năm qua, người nông dân trồng khóm trên địa bàn TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đã có thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa HTX và doanh nghiệp từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
Được thành lập năm 2005, HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng hiện đang là đơn vị đầu tàu trong sản xuất và chế biến khóm ở Hỏa Tiến. Từ 75 xã viên với diện tích trồng khóm là 160ha khi mới thành lập, nay số lượng tham gia vào HTX lên 102 xã viên với diện tích trên 200ha.
Hàng năm, HTX đứng ra ký hợp đồng bao tiêu và thu mua sản phẩm khóm cho thành viên và những hộ trồng khóm liên kết với sản lượng trên dưới 2.000 tấn trái/200 ha. HTX cũng đã liên kết với một số công ty chế biến, xuất khẩu trong và ngoài tỉnh để đảm bảo thị trường tiêu thụ.
Năm 2020, HTX Thạnh Thắng đã được hỗ trợ xây dựng nhà xưởng chế biến các sản phẩm từ khóm, như: Rượu khóm, mứt khóm, siro, nước màu, dưa chua cũ hũ khóm… Đồng thời, chọn đăng ký tham gia chương trình OCOP của tỉnh, tạo thương hiệu, gia tăng thu nhập. Ngoài ra, một số hộ còn tham gia mô hình du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc (Homestay), mở hướng phát triển mới cho nông nghiệp.
Tương tự tại HTX nông nghiệp, thương mại dịch vụ Thạnh Tiến, ở xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh cũng đang phát triển mạnh cây khóm. Hiện HTX có 38 thành viên với hơn 75ha khóm. Có 6 thành viên sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Năm qua giá khóm ổn định từ 10.000 – 12.000 đồng/trái loại nhất, đã mang về doanh thu cho HTX hơn 1 tỉ đồng. Trái khóm sau khi thu hoạch được các doanh nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương… hợp đồng bao tiêu.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 5 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, với tổng công suất khoảng 1.900 tấn sản phẩm/tháng. Trong đó, các đơn vị như Tiến Thịnh, Minh Dũng, Ba Sương, Quang Hưng… đều thu mua và chế biến khóm.
Theo Tạp chí Công Thương