Lưu giữ và lan tỏa văn hóa dân gian xứ Quảng

Hoàng Thơ 185 lượt xem 29 Tháng Mười, 2023

Nhân kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển (2002 – 2022), Chi hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng ra mắt ấn phẩm ‘Mai sau còn nhớ’ (NXB Đà Nẵng, tháng 10/2023), do các nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe, Trịnh Tuấn Khanh và Đinh Thị Hựu biên soạn.

TNB 61124
Bìa cuốn sách “Mai sau còn nhớ“.

“Hơn 600 năm qua, tại vùng đất chưa mưa đà thấm này, cha ông người Quảng đã để lại một gia tài văn hóa văn nghệ dân gian rất phong phú, đa dạng, phản ánh nhiều mặt của cuộc sống thường ngày… Như tảng băng trôi trong nhân dân, cả bề nổi lẫn mặt chìm, thời gian quay gót trôi đi không lui lại được, những người cao tuổi am hiểu vốn văn hóa văn nghệ dân gian dần mai một. Họ ra đi mang theo cả vốn quý đi cùng…”. Đó là trăn trở của hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng và đã dốc sức mình trong việc sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá văn hóa dân gian và cho ra đời “Mai sau còn nhớ”.

“Truyền lửa” qua các thế hệ

Một điểm đặc biệt trong cuốn sách “Mai sau còn nhớ” là sự xuất hiện những tên tuổi – dù đã về bên kia núi hay còn say mê lặn lội sưu tầm vốn văn hóa dân gian – thân thuộc trong giới nghiên cứu vốn quý của cha ông xứ Quảng.

Đó là Nguyễn Phước Tương, Trương Đình Quang, Trần Hồng, Lê Duy Anh, Hoàng Hương Việt, Lê Hoàng Vinh, Võ Văn Hòe, Trịnh Tuấn Khanh, Đinh Thị Hựu, Thái Nghĩa, Văn Thu Bích, Huỳnh Viết Tư, Phạm Hữu Bốn (Phạm Hữu Đăng Đạt), Nguyễn Thành Khánh, Nguyễn Thị Thanh Xuyên, Nguyễn Đăng Hựu…

Điều đáng quý là trong đó, dễ nhận ra sự tiếp nối các thế hệ; cho thấy trong gian khó của nghề nghiệp cũng như đời sống, những người đam mê văn hóa dân gian đã có sự “truyền lửa” cho nhau.

Trong tuyển tập này, cũng dễ nhận ra sự phong phú về đề tài cũng như phong cách nghiên cứu, thể hiện của các tác giả. Đó là những lát cắt mỏng nhưng sâu về nghề truyền thống, vùng đất, dân tộc, loại hình văn nghệ dân gian xứ Quảng; hay những vấn đề về bảo tồn, phát triển các loại hình văn hóa văn nghệ dân gian trong đời sống đương đại, mối quan hệ giữa văn hóa dân gian giữa các quốc gia, dân tộc.

Ở đó, bạn đọc bắt gặp sự phân tích, tổng hợp những câu ca dao, tục ngữ, hò vè… dân gian xứ Quảng về nghề biển trong “Nghề biển trong tâm thức dân gian xứ Quảng” của nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương. Đó là sự đau đáu về những loại hình nghệ thuật dân gian, truyền thống xứ Quảng nói riêng, nước Việt nói chung trong trò chơi bài chòi và kịch hát bài chòi, của hát bội/ hát bộ… của các nhà nghiên cứu Trương Đình Quang, Trần Hồng; hay trò chơi dân gian, đồng dao thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh.

Nhà nghiên cứu Phạm Hữu Bốn (Phạm Hữu Đăng Đạt) hấp dẫn người đọc bằng những câu chuyện sưu tầm dân gian về nói lái, chuyện nuôi cọp độc đáo, riêng có ở Quảng Nam. Đó là các tác giả trẻ nghiên cứu, so sánh về mặt đồ hình giữa bài chòi Việt Nam và bài giấy dân gian Trung Quốc (Nguyễn Thành Khánh), xòe Thái trong vũ đạo người Thái Việt Nam và Trung Quốc (Nguyễn Đăng Hựu), tín ngưỡng thờ cá Ông, thờ mẫu Tứ phủ (Nguyễn Thị Thanh Xuyên)…

Đơm hoa kết trái từ đời sống dân gian

Nói về chặng đường 20 năm qua của chi hội, ông Võ Văn Hòe – Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng, cho hay: “Chi hội đã phát huy chức năng của mình, bám sâu vào lòng người, lòng đất, cành nhánh nay đã sum sê đang đơm hoa kết trái.

Nhiều hội viên đã từng trải trong quá trình nghiên cứu vốn văn hóa văn nghệ dân gian ông cha, vươn lên khẳng định và giữ lấy chỗ đứng của mình đều đã có công trình nghiên cứu nhằm quảng bá vốn văn hóa văn nghệ dân gian đất Quảng và không chỉ có thế mà còn mở rộng phạm vi ghi chép, sưu tầm trong không gian văn hóa miền Trung và cả nước”.

TNB 61124 01
Học sinh trải nghiệm trò chơi dân gian. Ảnh: C.N

Từ đó, các hội viên của Chi hội đã góp phần thực hiện các ấn phẩm đầy đặn, có giá trị như: “Tổng tập Văn hóa văn nghệ dân gian đất Quảng”, “Đà Nẵng 25 năm sưu tầm, nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian (1997 -2022)”, “Văn hóa dân gian Đà Nẵng – cổ truyền và đương đại” cùng các thước phim tư liệu, phóng sự truyền hình về văn nghệ dân gian và những tác phẩm của những cá nhân hội viên…

“Chi hội tiếp tục đầu tư tinh thần sáng tạo vào các công trình văn hóa, lời ăn tiếng nói, nghệ thuật dân gian, lối sống, tín ngưỡng, lễ hội, văn hóa dân gian… với nhiều phương pháp và cách tiếp cận khác nhau. Qua đó, góp phần làm phong phú tài sản văn hóa văn nghệ dân gian cha ông đã để lại cho chúng ta hôm nay” – ông Võ Văn Hòe cho biết.

Anh Quân/ Báo Quảng Nam

Bài viết cùng chủ đề:

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Cổ tích Miếu Hội Tân Châu

    Trong dân gian, có lẽ do chịu ảnh hưởng tục của người Hoa, người ta gọi ngôi đình làng là miễu, có nơi gọi là miếu võ, thần từ hoặc cổ miếu… Miếu thờ tứ vị vương Giới thiệu cho chúng tôi xem hình ảnh ngôi miếu bằng tre lá ngày xưa, ông từ giữ...
    1 7

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Ngôi đình thờ vua Lê, chúa Nguyễn

    Dưới bóng những cây sao cổ thụ và ở ngay ngã ba sông, đình Bình Phú (H.Cai Lậy, Tiền Giang) có vị trí phong thủy ít ngôi đình nào trong vùng sánh được. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản chứng tỏ là một trong những ngôi đình có niên đại xưa nhất. Thờ...
    8 2

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Dấu xưa ở đình Ba Vát

    Đình Ba Vát còn gọi là Phước Mỹ Trung, nơi lưu dấu chứng tích trận đánh lịch sử xảy ra vào thế kỷ 18 ở thôn Phước Hạnh, làng Phước Mỹ Trung, H.Tân An, Vĩnh Long (nay thuộc H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre). Những dấu tích lịch sử Trải qua hàng trăm năm, chợ Ba...
    1 4

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Dấu ấn thời khai hoang lập ruộng

    Bửu Hương tự, còn gọi là đền thờ Quản Cơ, tọa lạc ấp Bờ Dâu, xã Thạnh Mỹ Tây, H.Châu Phú (An Giang). Người địa phương quen gọi là dinh Đức Cố Quản. Đây là cơ sở tín ngưỡng của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, cũng là nơi thờ tự các vị anh hùng...
    2 3

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Mỹ Tho cũ, Định Tường xưa

    Sau khi đồn Kỳ Hòa thất thủ, đô đốc Charner cho mở các cuộc hành quân lấn chiếm ra vùng lân cận, trong đó có Mỹ Tho. Họ tới Mỹ Tho qua ngã kinh Bưu Điện (Arroyo de La Poste) và sông cửa Tiểu. Cồn Rồng, còn gọi là Long Châu Ngày 26.3.1861, Charner cử...

Được quan tâm