Tòa tu viện và những pho tượng quý

Thuỷ Tiên 204 lượt xem 27 Tháng Mười, 2023

Các hiện vật điêu khắc đá và đồng phát hiện ở Đại Hữu thuộc văn hóa Chăm, có niên đại cuối thế kỷ 9 đầu thế kỷ 10, tương đương vương triều Indrapura (875 – 915).

Tu viện bên bờ sông Long Đại

Di tích Đại Hữu là một tu viện Phật Giáo của người Chăm tọa lạc tại cụm 3, thôn Đại Hữu, xã An Ninh, H.Quảng Ninh, Quảng Bình.

Tòa tu viện và những pho tượng quý - Ảnh 1.
Núi Thần Đinh nằm cạnh khu đền tháp Chăm Đại Hữu, một ngọn núi thiêng gắn với nhiều giai thoại về người Chăm và Phật giáo

Vị trí này thuộc vùng đất bán sơn địa, nằm bên bờ sông Long Đại, gần dãy núi Thần Đinh và hiện vẫn còn dấu vết của một bờ móng với nhiều gạch Chăm.

Đại Hữu đã được P.Henri de Pirey khai quật trong các năm 1918, 1922 và 1925. Kết quả sơ bộ được L.Finot và V.Golubev công bố vào năm 1925 và sau đó được L.Aurousseau công bố đầy đủ trên Tạp chí BEFEO. Cuộc khai quật đã phát lộ nền móng của ba tháp chính, còn được gọi là Kalan, xây bằng gạch. Khi khai quật tháp A (tháp Nam) và C (tháp Bắc), các nhà khảo cổ đã phát hiện dấu vết của các hố thiêng, bên trong chứa những vật thiêng, liên quan đến các nghi lễ Ấn Độ giáo.

Trong khi đào thám sát, các nhà khảo cổ đã phát hiện một bờ móng với 8 lớp gạch xếp chập khối, không có chất kết dính. Phía dưới lớp gạch là đất pha cát màu vàng pha sỏi, vốn được sử dụng để gia cố nền móng và bảo vệ toàn bộ tháp.

Thông tin được L.Aurousseau công bố trên BEFEO năm 1926, có đề cập đến cụm từ kho thiêng (dêpot sacré) để chỉ những hiện vật quý hiếm tìm thấy trong các hố sâu bên trong tháp Bắc và tháp Nam. Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng thuật lại cụ thể như sau:

Trong kho thiêng tháp Bắc có một miếng vàng hình con rùa, dài 5,7 cm đặt trên lớp cát sông sát đáy hố; bốn lọ nhỏ bằng đất nung (đường kính 11 – 12 cm) nằm trong 4 góc hố, mỗi góc một lọ, trong lọ chứa đầy cát mịn, lẫn trong đó là những viên thạch anh, pha lê và mảnh kim loại. Ở giữa mặt đáy hố có một miếng vàng, đường kính 6,5 cm, cắt hình hoa sen dẹt. Trên miếng vàng là một lọ nhỏ bằng vàng (cao 3,7 cm) có nắp đậy (đường kính 5,4 cm). Trong lọ có một viên đá quý trắng, trong suốt, dài 1,6 cm. Bên cạnh lọ là một vòng vàng nhỏ (đường kính 1,2 cm), dường như là một vòng đeo tai. Xung quanh các đồ vật trên còn có 7 lọ nhỏ bằng kim loại (đường kính khác nhau, từ 3,5 – 4,5 cm) chứa mỗi cái 2 viên đá quý (trong đó có 1 lọ chứa 3 viên) lấp kín bằng cát và được bao phủ bằng một miếng kim loại gấp thành khối vuông. Ngoài ra, rải rác còn có 3 hay 4 viên thạch anh lớn.

Ở tháp Giữa không phát hiện đồ vật, chỉ thấy có đá cuội rồi đến lớp đá ong.

Tòa tu viện và những pho tượng quý - Ảnh 2.
Sơ đồ mặt bằng di tích Đại Hữu (nguồn Finot & Goloubev 1925: fig.19)

Trong kho thiêng tháp Nam, dưới lớp đá cuội là lớp cát mịn. Dưới lớp cát là những đồ vật tương tự như ở tháp Bắc: bốn lọ nhỏ bằng đất nung nằm trong 4 góc hố. Ở giữa mặt đáy hố có một miếng vàng, đường kính 6,5 cm, cắt hình hoa sen dẹt. Trên miếng vàng là một lọ nhỏ bằng vàng (cao 4 cm) có nắp đậy (đường kính 5,5 cm). Trong lọ có một viên đá quý màu tím, dài 2 cm. Bên cạnh miếng vàng có một vòng đeo tai bằng vàng. Xung quanh các đồ vật trên còn có 7 lọ nhỏ bằng kim loại (đường kính khác nhau, từ 3,5 – 4,8 cm) chứa mỗi cái 1 viên đá quý màu đỏ hay trắng, có cát phủ kín. Một trong 7 lọ còn có thêm một viên thạch anh nhỏ.

Những pho tượng đồng vô giá

Hiện vật từ thánh đường Phật giáo Chăm Đại Hữu hiện được bảo quản tại Bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN (Hà Nội), Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, cũng như một số bảo tàng nước ngoài.

Tòa tu viện và những pho tượng quý - Ảnh 3.
Tượng Avalokitesvara tìm thấy ở Đại Hữu (chất liệu đồng), hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2013

Các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu bao gồm 2 tượng đá thể hiện hình ảnh PraJraparamita, 2 tượng bồ tát Lokesvara đúc bằng đồng thau, 1 tượng Phật đứng bằng đồng cao 0,445 m, và 1 tượng nhỏ bằng đồng mạ vàng tinh vi cao 0,122 m, thể hiện hình tượng Quan Âm bồ tát Lokesvara.

Các hiện vật điêu khắc đá và đồng phát hiện ở Đại Hữu thuộc văn hóa Chăm, có niên đại cuối thế kỷ 9 đầu thế kỷ 10, tương đương vương triều Indrapura (875 – 915). Những tác phẩm này cho thấy trình độ chế tác đá và điêu khắc, đúc đồng của người Chăm thời này đã đạt đến trình độ kỹ thuật cao, đường nét khắc chạm tinh tế và điêu luyện. Đặc biệt, tượng đồng Avalokitesvara Đại Hữu, diễn tả nhân vật trong tư thế đứng (chiều cao 52 cm, ngang 30 cm), khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt to, trên búi tóc có tạc một tượng Phật nhỏ đang ngồi thiền. Tượng có bốn cánh tay: tay sau bên phải cầm quyển sách (pustaka) tượng trưng cho kinh điển nhà Phật, tay sau bên trái cầm chuỗi hạt (aksamala) tượng trưng cho sự từ bi tiếp nối nhau, tạo thành chuỗi cứu khổ, cứu nạn; tay trước bên phải cầm nụ sen (padma), hiện thân của sự tinh khiết, hương thơm của trí tuệ, tay trước bên trái cầm bình nước cam lồ (kamandalu) mang ý nghĩa ban phát phúc lành, ấm no, bình an cho chúng sinh đồng thời cũng là bảo bối thực hiện pháp thuật thần thông hàng phục yêu quái, kẻ ác. Phần thân pho tượng tô điểm thêm các hoa văn, minh họa cùng các đồ trang sức, kể cả cánh tay và phần bụng. Chiếc váy khoác bên ngoài thả dài với hoa văn khá đơn giản nhưng cực kỳ khéo léo và đôi chân trần có lòng bàn chân sát mặt đất. Theo quan điểm nhà Phật, đây là một trong những tướng tốt của các vị Phật.

Tòa tu viện và những pho tượng quý - Ảnh 4.
Tượng Uma tìm thấy ở Đại Hữu (chất liệu sa thạch, niên đại thế kỷ 9), hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia VNBảo tàng Lịch sử Quốc gia VN

Tượng Avalokitesvara Đại Hữu nặng 35 kg do Henry de Pirey tìm thấy ở một tu viện nhỏ thuộc vùng Đại Hữu, đưa vào Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng) năm 1923, là hiện vật gốc, độc bản, được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Một tác phẩm đáng lưu ý khác là tượng nữ thần Uma (sa thạch) có niên đại thế kỷ 9, là tượng thờ trong tháp Đại Hữu, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN.

Theo báo Thanh Niên

Bài viết cùng chủ đề:

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Cổ tích Miếu Hội Tân Châu

    Trong dân gian, có lẽ do chịu ảnh hưởng tục của người Hoa, người ta gọi ngôi đình làng là miễu, có nơi gọi là miếu võ, thần từ hoặc cổ miếu… Miếu thờ tứ vị vương Giới thiệu cho chúng tôi xem hình ảnh ngôi miếu bằng tre lá ngày xưa, ông từ giữ...
    1 7

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Ngôi đình thờ vua Lê, chúa Nguyễn

    Dưới bóng những cây sao cổ thụ và ở ngay ngã ba sông, đình Bình Phú (H.Cai Lậy, Tiền Giang) có vị trí phong thủy ít ngôi đình nào trong vùng sánh được. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản chứng tỏ là một trong những ngôi đình có niên đại xưa nhất. Thờ...
    8 2

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Dấu xưa ở đình Ba Vát

    Đình Ba Vát còn gọi là Phước Mỹ Trung, nơi lưu dấu chứng tích trận đánh lịch sử xảy ra vào thế kỷ 18 ở thôn Phước Hạnh, làng Phước Mỹ Trung, H.Tân An, Vĩnh Long (nay thuộc H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre). Những dấu tích lịch sử Trải qua hàng trăm năm, chợ Ba...
    1 4

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Dấu ấn thời khai hoang lập ruộng

    Bửu Hương tự, còn gọi là đền thờ Quản Cơ, tọa lạc ấp Bờ Dâu, xã Thạnh Mỹ Tây, H.Châu Phú (An Giang). Người địa phương quen gọi là dinh Đức Cố Quản. Đây là cơ sở tín ngưỡng của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, cũng là nơi thờ tự các vị anh hùng...
    2 3

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Mỹ Tho cũ, Định Tường xưa

    Sau khi đồn Kỳ Hòa thất thủ, đô đốc Charner cho mở các cuộc hành quân lấn chiếm ra vùng lân cận, trong đó có Mỹ Tho. Họ tới Mỹ Tho qua ngã kinh Bưu Điện (Arroyo de La Poste) và sông cửa Tiểu. Cồn Rồng, còn gọi là Long Châu Ngày 26.3.1861, Charner cử...

Được quan tâm