Nét thâm trầm đô thị qua ‘Sài Gòn đẹp xưa’ của Phạm Công Luận

Hoàng Thơ 275 lượt xem 16 Tháng Mười, 2023

Sài Gòn ngày xưa, dù không phát triển như bây giờ, nhưng nét đẹp không thiếu. Nó thể hiện không chỉ ở những hàng cây trên hè phố, trong dinh thự xưa, những sạp hàng phong phú ở chợ lớn chợ nhỏ… mà quan trọng nhất là trong tính cách người Sài Gòn – Gia Định một thời, trong cách đối nhân xử thế của họ…

Mỗi khi nghe câu hát: “Sài Gòn đẹp lắm. Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi!” từ ca khúc Sài Gòn của nhạc sĩ Y Vân, lòng tôi lại lâng lâng bao ý thơ, con tim rộn rã như tiết nhịp Chachacha của bài hát. Tác giả gợi tả nét hoa lệ của Sài Gòn hồi giữa thập niên 1960 với muôn tà áo tung bay, ngựa xe như nước, câu chào đón xôn xao…

Qua Sài Gòn đẹp xưa của Phạm Công Luận, ấn phẩm mới của Phan Book phát hành đầu tháng 10.2023, tôi và chắc hẳn đông đảo bạn đọc lại thấy được ở Sài Gòn một góc nhìn khác, một Sài Gòn thâm trầm, bình dị, đời thường trong nhịp sống thăng trầm trải dài hơn thế kỷ.

d68f72c3 3d7d 47cf a7a0 59a38ca801f8
Xe than  – phương tiện giao thông của thời hậu chiến thiếu thốn xăng dầu. Ảnh: TL

Tác giả Phạm Công Luận cho biết Sài Gòn đẹp xưa gồm 30 ghi chép, tùy bút… trong đó có một số bài viết tâm đắc của anh khi viết về Sài Gòn trong vài năm gần đây. Cuốn sách có hai phần chính: Còn vọng âm xưa và Nơi chốn cũ.

Âm xưa ở đây, được nhắc lại là những tiếng đời thường mà không mấy ai còn nhớ. Đó là tên gọi của món cơm giờ không còn nữa, “Cơm lâm vố” của “một thời nghèo khó”, thứ cơm xuất hiện từ thời Pháp thuộc và biến mất sau năm 1975, lấy từ phần dư của các món chuẩn bị cho thực khách trong ngày nhà hàng, được chế biến một cách “tử tế” để dành bán cho người bình dân, một bữa no lòng.

Đó là “Thời tận dụng” của vài năm sau 1975, khi cả nước khó khăn thiếu thốn, người Sài Gòn khéo co, với những chiếc áo lộn cổ, quần vải cũ nhuộm lại, túi vải thay cho cặp da… để ra ngoài được chút tươm tất, có người khéo vun trồng trên mảnh vườn nhỏ vài thứ hoa, rau, khoai, nấm rơm,… rồi mang bán, đổi sang thực phẩm khác.

Đó còn là thuở thanh bình, hồi đầu thế kỷ 20, giới “cổ cồn trắng” dạo phố với thời trang nón nỉ nhập cảng, giầy Gia Định, người Sài Gòn luôn háo hức chờ xem tuồng mới của các đoàn cải lương, người yêu thể thao cố gắng luyện tập để được tham dự các cuộc thi tài, đua xe đạp, đấu quần vợt, … Khám phá thú vị ở đây là về “Bức ảnh hơn 60 năm lưu giữ tuổi 19”, trong đó hai thiếu nữ xinh tươi đi trên đường phố Sài Gòn trong ảnh là mẹ và cô ruột của người bạn cũ học cùng với tác giả hơn 40 năm trước ở trường Nguyễn Thượng Hiền.

974be0d5 17d0 4524 9d3c b9533b3f12cd
Ảnh hai thiếu nữ 19 tuổi Như Ngoạn (trái) và Như Ngân trên báo LIFE năm 1961.

Âm xưa của Sài Gòn còn vọng trong Tiếng đời, tiếng gà gáy sớm, tiếng tờ báo vất “xạch” trong sân mỗi sáng của cậu bé giao báo, tiếng còi hụ giữa trưa của Bưu điện trung tâm, tiếng xình xịch và leng keng của chiếc xe lửa báo hiệu khi sắp băng qua giao lộ…  những âm thanh quen thuộc gắn liền với từng giai đoạn phát triển của thành phố.

Nét trầm mặc giữa thời tao loạn và niềm hân hoan, nhộn nhịp trong thời bình của Sài Gòn được tác giả giới thiệu trong phần Còn vọng âm xưa đan xen nhau tựa như hai chủ đề chính trong Chương I của Bản Giao hưởng số 8 của Schubert luân phiên xuất hiện, phát triển – Bản Giao hưởng chỉ có hai chương mà tôi đang say mê lúc này …

5e6266cf addd 49b9 a501 091f89795364
Chợ sách Đặng Thị Nhu năm 1979. Nguồn: Trang manhhai flickr.

Nơi chốn cũ được tác giả kể lại với tình cảm sâu đậm vì chốn ấy là chợ Bến Thành đã có hơn thế kỷ, nơi thân phụ của anh làm nhân viên cho tiệm buôn Kim Phát ở cửa Tây chợ trong suốt 25 năm; là khu cầu Bông mé đường Lê Văn Duyệt, gần nhà của nhà văn Sơn Nam một thời sống và viết lách; là Hàng Sanh mà nhiều người vẫn tưởng nhầm là “Hàng Xanh”; là vườn mai của ông Bảy, một người thân đã cưu mang gia đình tác giả khi mới dọn về vùng Phú Nhuận. Chốn cũ còn là các con đường nhộn nhịp ở khu trung tâm, đường Pasteur, đường Duy Tân, từng ghi dấu chân các văn nhân tài tử hôm nào, Hàn Mặc Tử, Út Trà Ôn, Nguyên Sa, Mai Thảo…

Đọc bài Thiệp Tết, món quà dĩ vãng, tôi rất thú vị khi biết, nhà văn Nguyễn Đông Thức, thời trung học, mỗi dịp Noel, Tết là mua giấy Canson về ngồi rị mọ vẽ thiệp tặng các cô bạn. Thấy được ưa chuộng, anh vẽ thêm nhiều tấm rồi rủ cô bạn gái, sáng Chủ nhựt ra gần nhà thờ Đức Bà đứng bán, bán được rủ nhau đi ăn bánh tôm hẻm Casino gần đó.

Bài viết khiến tôi nhớ thời học trung học cuối thập niên 1970, tập tành theo nét vẽ của ông anh thứ sáu (từng học trường Trang trí Mỹ thuật Gia Định cuối thập niên 1960) để làm thiệp tặng cô bạn. Cô vui vẻ nhận nhưng rồi lặng lẽ rời xa chẳng hiểu lý do, bặt tăm suốt mấy chục năm chưa gặp lại. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối tôi tự tay vẽ thiệp tặng bạn gái.

Đọc bài Nhà cũ và gác xép trong sách, tôi bồi hồi nhớ lại hình ảnh bố tôi, trên căn gác nhỏ của gia đình ngày xưa, mỗi sáng ngồi đọc sách vào những năm tháng cuối đời. Những căn gác nhỏ một thời ở các ngôi nhà trong hẻm Sài Gòn – Chợ Lớn hầu như không còn thấy.

37e97818 08fe 40a6 9a1b 4a26ecb0cadf
Bìa cuốn sách Sài Gòn đẹp xưa.

Sài Gòn ngày xưa, dù không phát triển như bây giờ, nhưng nét đẹp không thiếu. Nó thể hiện không chỉ ở những hàng cây trên hè phố, trong dinh thự xưa, những sạp hàng phong phú ở chợ lớn chợ nhỏ… mà quan trọng nhất là trong tính cách người Sài Gòn – Gia Định một thời, trong cách đối nhân xử thế của họ. Đó là sự pha trộn mỗi thứ một chút: sự thẳng thắn, chân thành, ngang tàng, hài hước, thân mật, xuề xòa, dễ dãi… và luôn nhanh nhạy, thích ứng với những đổi thay của thời cuộc. Là những nét đẹp xưa, may mắn thay còn giữ được những điều cơ bản cho đến hôm nay.

Hoàng Phương Anh

Nguồn: Người Đô Thị

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm