Thật là cơ duyên đưa đẩy, một ngày tháng 6 nắng chói chang năm 2014, tôi có may mắn lần đầu được về thăm hai làng quan họ Diềm và Bịu, để rồi cứ vấn vương với người, với đất, đã 6 năm rồi mà như vẫn quyến luyến không rời.
Làng Diềm thờ Vua Bà, được người Kinh Bắc coi là nơi phát tích của lối hát quan họ. Quan họ làng Bịu kết chạ cùng quan họ làng Diềm, tạo nên một cặp đôi quan họ lâu đời nhất trong lịch sử quan họ ở vùng Kinh Bắc xưa. Trong cặp đôi này, làng Diềm đại diện cho bọn quan họ nữ và làng Bịu bọn quan họ nam.
Khi tôi vào đến đình làng Diềm thì các liền anh liền chị ở đây đang chuẩn bị nghênh tiếp quan họ làng Bịu. Một lát sau, anh Hai quan họ làng Bịu, đã 87 tuổi nhưng tinh anh và lịch lãm, dẫn đoàn hơn chục liền anh liền chị tuổi từ U90 đến các em bé tuổi mười ba mười tư tiến vào.
Quan họ làng Diềm do một chị Hai tuổi ngoài 80 đi trước, các liền anh liền chị trong bọn đi theo. Họ dàn hàng ngang tay bắt mặt mừng, kính cẩn chào nhau, hỏi nhau, mời trầu, rồi quan họ làng Diềm hướng dẫn quan họ làng Bịu lần lượt vào đình, cùng làm lễ kính cáo thành hoàng làng về cuộc gặp gỡ.
Một cuộc đón tiếp có tính hình thức và biểu tượng cho sự giao kết giữa hai cộng đồng. Người quan họ gặp nhau hình như luôn tuân theo một thủ tục có tính ước lệ. Đầu tiên là màn chào hỏi, sau đó là hát giao duyên, anh hai hát với chị hai, anh ba với chị ba…
Sau màn chào hỏi bằng…hát, cơm được dọn ra. Họ ăn uống cùng nhau, vừa ăn vừa hát, ăn xong lại hát. Một liền chị bảo: Ngày trước thì sau gặp nhau làm lễ ở đình xong thì về nhà ông trùm để hát canh đến khuya. Giờ thì hát canh đã giảm, nhưng hát hội thì nhiều hơn, tưng bừng hơn.
Bữa cơm quan họ lần đầu mình được ăn thật đặc biệt. Ngoài giò chả, thịt gà, đậu phụ, các món rau (hình như không có cá), thì mình ấn tượng nhất là hai món “tráng miệng” gồm bánh đúc riêu cua và món bánh khúc. Bánh đúc được quấy trong một chảo gang to, đổ ra mẹt để nguội, thái ra thành miếng như kiểu bánh canh, cho vào bát để chan với canh cua đồng, ôi chao, nghĩ thôi đã mát cả ruột.
Món bánh khúc cũng rất kỳ công. Rau cúc tươi mọc ngoài đồng được hái về, rửa sạch, giã nhỏ trong cối đá, trộn với bột nếp làm vỏ bánh, có nhân đậu xanh, thịt ba chỉ thái con chì và hạt tiêu. Khi ăn, thấy cả vị bùi, ngọt, thơm, béo ngậy và mùi cay của hạt tiêu, làm cho nước miếng cứ tứa ra trong miệng. Cách làm và mùi vị thơm ngon đặc biệt của loại bánh khúc này mình chưa thấy ở nơi nào khác.
Chuyện xưng hô trong thế giới quan họ cũng đặc biệt như mâm cơm quan họ vậy. Khi nói chuyện với một liền anh cao niên nhất của quan họ làng Bịu, mình bắt đầu bằng lời “thưa cụ” theo kiểu khiêm nhường kính cẩn ở làng quê, nhưng hình như không được chào đón ở đây. Thấy mình hơi lúng túng trong cách xưng hô, một anh Ba nói giùm: “Anh hai đây tuy đã 87 tuổi nhưng trong quan họ chúng tôi không gọi nhau là cụ, mà gọi theo lối quan họ là anh Hai thôi.” À, vâng, xin được gọi cụ là anh, anh hai!
Và anh Hai kể: Hai làng kết chạ từ đời ông đời cha, mấy trăm năm rồi không ai biết, nhưng ông tôi, cha tôi, tôi, và bây giờ các con và các cháu tôi vẫn tiếp tục mối quan hệ này. Hồi trước cách mạng, khi ấy tôi trẻ, nhưng các cuộc gặp quan họ xuân thu nhị kỳ, hội làng, cầu an cầu phúc, cầu phong đăng hòa cốc, tôi chưa năm nào, chưa bao giờ bỏ.
Hồi ấy từ Bịu lên Diềm không dễ đi đâu. Vậy mà mưa cũng đi, nắng cũng đi, kể cả bão cũng không bỏ. Nhớ nhau lắm, gặp nhau như người thân, như ruột thịt, vậy nên người quan họ gặp nhau thì hát: “mong người như cá mong mưa”. Con cá vào mùa mưa nó tức đẻ, nó phải đi, nó phải gặp nhau, thì mới có sinh sôi nảy nở được….
Giọng kể của liền anh 87 tuổi làm tôi như bị cuốn vào thế giới đời sống của người quan họ. Lãng mạn, đậm tình người, và tính cộng đồng thật ngưỡng mộ. Và tôi đang nghĩ, một giả thiết làm việc thôi: Quan họ là một kiểu hát nghi lễ, cầu mong phong đăng hòa cốc, sinh sôi nảy nở cho cộng đồng.
Mà thực ra thì hầu hết các làn điệu dân ca cổ, từ hát đúm, hát xoan, hát ghẹo, hát cửa đình, hát chèo tầu, đều là một thứ hát nghi lễ, để giao tiếp với thần linh, để dâng cúng và cầu mong…
Tôi vào làng thăm một liền chị ở làng Diềm. Ngôi nhà chị Hai đang ở trước đây có cổng làm bằng gạch, đôi chó đá ngồi canh bên cánh cổng. Thời bố mẹ bà, ngôi nhà này từng dùng làm nhà chứa cho bọn quan họ làng Diềm tập hát. Chị Hai mới có 93 tuổi thôi, răng đã móm mém rồi, nhưng vẫn cười rất tươi chào khách. Chị ngồi ở bộ tràng kỷ, đầu chít khăn đen, mắt nhìn xa xăm. Dù cặp mắt đã mờ đục nhưng không làm mờ đi hình ảnh một liền chị thời trẻ, sống mũi dọc dừa, khuôn mặt thanh tú và dáng dong dỏng cao.
Có lẽ chị đã là một chị Hai rất đẹp trong vùng. Ông con trai cả của chị Hai hơn 70 tuổi, thấy khách đến thì đi lấy máy tai nghe cho mẹ. Ông lục trong tủ, hỏi: Bà thích tai nghe của Nhật hay Đức? Bà bảo của Đức ý. Thế là ông lại nạp pin vào cái máy mới cho mẹ.
Chị Hai dường như bừng tỉnh khi nghe được âm thanh rõ hơn lúc trước. Bà không chào, mà cất giọng hát “Khách đến chơi nhà”. Hàm răng đã mất làm giọng hát hơi bị méo, nhưng không sai một câu nào. Vừa hát bài chào khách, bà vừa nhìn ý nhị, má như còn ửng đỏ, và như vẫn còn e thẹn của người phụ nữ ở tuổi hoa niên.
Đưa nụ cười móm mém nhìn khách một lúc, chị Hai hát tiếp “Ngồi tựa song đào”, hát mê mải, như không thể dừng, như sợ thời gian trôi đi mất. Người con trai cả hỏi: Bà đã mệt chưa? Ô, không, còn hát được nữa mà. Tôi hỏi bà: Chị Hai còn thuộc bao nhiều bài hát? Bà cười bảo bây giờ răng rụng móm mém rồi, giọng hát không còn vang dền nền nảy như xưa, chứ bài thì còn nhớ nhiều lắm.
Lúc trẻ có khi thuộc hơn trăm bài, giờ không hát nhiều nên cũng quên ít nhiều. Rồi bà lại hát: Ngồi rằng là ngồi tựa ý ở có mấy song đào, ới ơ …đào Là ngồi tựa có a song đào, ấy mấy đêm là đêm ý hôm qua Hỏi người là người tri kỷ ý ơ Cũng có a ra vào là ra vào vấn vương….
Ông con giai bảo, bà vẫn thế đấy, cứ nhà có khách lạ đến chơi là lại đòi hát, dường như hát mang lại cho bà năng lượng sống, cho bà trở lại một thời. Mình ngồi lặng đi, giọng hát khàn khàn, mang âm điệu của thời gian vẫn chưa mờ trong ký ức. Chắc bà đang nhớ lại một thời, với người tri kỷ… (Còn nữa)
GS – TS Nguyễn Văn Chính (Sen Hoa)