Bỏ qua những con dốc dài miên man với biển mây bồng bềnh và tiểu khí hậu bốn mùa trong một ngày…; những cư dân sống quanh đèo Sa Mù, huyện Hướng Hóa, (Quảng Trị) đã cuốn hút tôi bằng sự thân thiện, từ cuộc sống giản dị, từ ý chí vượt khó của riêng mình. Trên nhánh tây của cung đường Hồ Chí Minh, tôi đã có những khoảnh khắc trải nghiệm đáng nhớ về mô hình du lịch sinh thái, về xã biên giới thông minh, về “rốn lũ” Hướng Việt nơi thung lũng Tà Rùng…
Người Vân Kiều ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), sống phụ thuộc chủ yếu vào rừng. Nhờ thay đổi về nhận thức và cách làm, giờ đây, người dân vẫn sống nhờ rừng nhưng theo một cách khác, là chăm sóc, bảo vệ để hưởng lợi từ rừng; đồng thời làm du lịch sinh thái.
Thôn Chênh Vênh nằm dưới chân đèo Sa Mù. Chỉ riêng mỗi cái tên thôi, cũng đã cuốn hút lắm rồi. Mới nghe qua, đã thấy chống chếnh, chơi vơi như những đám mây bay qua đỉnh Sa Mù.
Khoan hãy nói đến những con dốc dài miên man, những biển mây bồng bềnh… trên con đèo hiểm trở; mà hãy theo bà con nơi đây khám phá khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt như của báu, xem người dân miền sơn cước làm du lịch sinh thái thế nào.
Những già làng cao tuổi kể rằng, rừng Chênh Vênh đã tồn tại dưới núi Sa Mù cả trăm năm. Thời chiến tranh, cánh rừng này còn là rừng nguyên sinh, gần như chưa có bước chân người đặt tới. Đến khi cộng đồng người Bru Vân Kiều về sinh sống dọc con suối Chênh Vênh chạy cắt ngang giữa khu rừng, thì khu rừng này trở thành vùng rừng thiêng và được gọi tên theo tên con suối. Người Vân Kiều sống nhờ rừng, thức ăn cũng từ rừng, nước uống cũng từ rừng nên không ai dám xâm phạm.
Nhưng người từ nơi khác đến đã từng bước phá hoại khu rừng. Trước thực tế ấy, từ năm 2017, UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã giao thôn quản lý gần 700ha. Từ đó đến nay, diện tích rừng này đã phát triển tốt, từng bước hạn chế tình trạng phá rừng.
Ông Hồ Văn Chiến, Người có uy tín ở thôn Chênh Vênh cho biết: Người Bru Vân Kiều vốn sống dựa vào rừng. Nên để đưa việc giới hạn khai thác lâm sản ở những “ranh giới” cứng, như thế nào để thành thói quen là một việc vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, người ở Chênh Vênh đã làm được và làm tốt. 5 năm qua rừng Chênh Vênh đã trở thành khu rừng bền vững có giá trị cao, được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC .
Cơ sở để thôn Chênh Vênh làm du lịch từ rừng đã hiện hữu. Ấy là vị trí nằm sát tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây nên rất thuận đường. Bao quanh thôn là núi rừng hoang sơ, sông suối, thác nước hùng vĩ… cùng với nông sản đặc trưng vùng miền như măng rừng, nếp than, rượu bản… đã là những thứ “khó cưỡng” khi đặt chân đến vùng đất này.
Nhưng dấu ấn “nâng tầm” du lịch sinh thái ở thôn Chênh Vênh là, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCVN), phối hợp UBND xã Hướng Phùng tổ chức khai trương tour du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở thôn Chênh Vênh. Đây là tour du lịch gắn với phát triển rừng, kết hợp tìm hiểu đời sống người DTTS Bru Vân Kiều. 100% cư dân ở thôn là người Bru Vân Kiều nên rất “đậm đặc” nét văn hóa truyền thống để “hút” khách khám phá, tìm hiểu.
“Điểm nhấn” trong tour này là có thể mở rộng “lối đi” đến thăm đồi Sa Mươi (nghĩa là sương mù), là khu vực người dân chăn thả gia súc và làm nương rẫy. Ngọn đồi này là một đồng cỏ rộng hơn 20 ha, nằm trên đỉnh đèo Sa Mù cao hơn 1.000m, một điểm lý tưởng để ngắm mây bay giữa các đỉnh núi. Những người có ý tưởng lập nên tour du lịch này cũng đã “nhắm” đến những nóc nhà sàn truyền thống của người Vân Kiều để cải tạo xây dựng thành Homestay phục vụ khách du lịch.
Tối đến, sẽ là những món ẩm thực như xôi nếp rẫy, gà, heo nướng, các món rau rừng, măng luộc… được mang ra đãi khách. Du khách có thể lựa chọn ngủ trong nhà sàn hoặc ngủ lều trên đỉnh đồi Sa Mươi để ngắm bình minh.
Ngoài ra, tùy vào từng thời điểm trong năm, du khách còn được chứng kiến các lễ hội đặc sắc của người Bru Vân Kiều như Lễ hội mừng lúa mới, lễ cúng Trời, lễ hội mừng làng mới, lễ hội cồng chiêng… Cùng với đó, là các phong tục tập quán truyền thống, các làn điệu dân ca như Oát, Tà Oải, Cha Chấp, Ka Lơi, A Dên… và các nghề truyền thống như đan lát, chế tác nhạc cụ truyền thống.
Để đưa tour vào hoạt động, tổ chức MCNV hỗ trợ người dân xây dựng mới nhiều nhà sàn, cải tạo nhà sàn truyền thống, quầy trưng bày nông sản, hệ thống nước sạch, nhà tắm sử dụng năng lượng mặt trời, tập huấn kỹ năng làm du lịch, thành lập đội quản lý và bảo vệ du lịch… cho người dân.
Ông Phạm Trọng Hổ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa đánh giá: Hỗ trợ của MCNV mở ra cho thôn Chênh Vênh hướng đi mới, làm du lịch gắn với bảo vệ rừng. Hy vọng đây là mô hình điểm để huyện nhân rộng, là hướng đi mới để nâng cao thu nhập cho người dân.
“Sức hút” từ thôn du lịch Chênh Vênh còn là nơi bảo tồn được nhiều nghề thủ công truyền thống của người Bru Vân Kiều như đan lát, nấu rượu men lá; là quê hương của nhiều loại nông sản đặc trưng, những món ăn làm đắm say lòng người như gỏi cá, xôi xụm, thịt nướng bếp…
Trên lộ trình phát triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Phạm Trọng Hổ yêu cầu, lãnh đạo xã Hướng Phùng, Ban Quản lý mô hình du lịch cộng đồng thôn Chênh Vênh, chỉ đạo các hoạt động của mô hình để rút kinh nghiệm và hoàn thiện dần, đồng thời triển khai xây dựng chương trình chung về phát triển du lịch sinh thái, gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Kinh tế xanh từ du lịch sinh thái đang dần hình thành với bà con Bru Vân Kiều dưới chân đèo Sa Mù. Để rồi, một tương lai không xa, Chênh Vênh chỉ là tên gọi của thôn làng chứ không còn là hiện thực cuộc sống. Bởi thông tin mà chúng tôi có được thì, dù chỉ 130 hộ với 436 nhân khẩu, nhưng có đến 51 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo và thu nhập chủ yếu hãy còn là nông nghiệp thuần túy.
Theo Báo Dân Tộc