Giới trẻ & cổ phục

Trần Hùng 215 lượt xem 22 Tháng Năm, 2022

Khoảng 5 năm trở lại đây, không ít bạn trẻ quan tâm, dùng trang phục cổ (cổ phục) để du xuân, chụp ảnh cưới, ảnh kỷ yếu… Cũng có bạn trẻ sưu tầm, thành lập những hội, nhóm chia sẻ và gìn giữ vẻ đẹp của các loại trang phục vốn được sử dụng nhiều trong lịch sử phong kiến. Điều này cho thấy những tín hiệu đáng mừng về nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức những nét đẹp được cho là xưa cũ, cổ điển.

41
Trang phục nhật bình trong bộ sưu tập “Cựu Kiến Tân – nơi tương lai được kiến tạo từ quá khứ” của Ỷ Vân Hiên.

Như một trào lưu?

Thật bất ngờ khi chứng kiến một đám cưới ở Hà Nội mà cô dâu và chú rể đều mặc áo dài ngũ thân, một loại trang phục thời Nguyễn cách đây vài năm. Nhiều chi tiết trang trí phông, bạt, cổng, album… ở đám cưới cũng tạo “điểm nhấn” cổ trang. Ở một đám cưới đậm nét hoài cổ như thế tạo được ấn tượng rất mạnh cho người thân và khách mời.

Tìm hiểu trên các diễn đàn, mạng xã hội, tôi biết được giới trẻ đang có xu hướng sử dụng cổ phục trong rất nhiều sự kiện. Họ cũng lập những hội nhóm để chia sẻ thông tin về mẫu cổ phục, giá cả, cách may, mặc trong dịp nào thì phù hợp với từng loại. Không ít bạn có kiến thức về cổ phục, đã chỉ ra sự cách tân thái quá hoặc may chưa đúng hình dáng của cổ phục. Cũng có bạn chuyên sưu tầm cổ phục chỉ để thỏa mãn lòng ham mê chụp ảnh đẹp của mình và chia sẻ những bộ ảnh đẹp trên không gian mạng xã hội.

Hình ảnh những cô gái kín đáo, e ấp trong bộ ngũ thân, nhật bình hay giao lĩnh toát lên nét đẹp thu hút và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Các nhà may, cửa hàng cho thuê quần áo trên cả nước, trước đây vốn chỉ cho thuê áo dài, đồ cưới thì nay đã sắm thêm hàng chục bộ cổ phục để phục vụ nhu cầu của người thuê.

Nước ta có bề dày lịch sử. Mỗi triều đại phong kiến trong lịch sử đều có những bộ trang phục mang đậm bản sắc văn hóa như: áo tấc, áo nhật bình, áo đối khâm, áo giao lĩnh, áo ngũ thân, áo viên lĩnh… Áo nhật bình là triều phục dành cho cung tần nhất, nhị, tam, tứ giai và là thường phục của hoàng hậu, công chúa. Thường phục nhật bình được đặt định vào năm 1807 thời vua Gia Long và được duy trì cho đến cuối thời Nguyễn. Tư liệu tranh ảnh đầu thế kỉ XX cho thấy bất kể hoàng hậu, công chúa hay cung tần đều vấn khăn vành, mặc áo nhật bình.

Áo tấc cũng là loại trang phục của thời Nguyễn, có lịch sử hình thành khoảng trên dưới 300 năm, gắn liền với công cuộc cải cách và định chế trang phục ở Đàng Trong của Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765).

Gần đây, chiếc áo tấc đã xuất hiện trở lại ở rất nhiều nơi, không chỉ trong các nghi thức, lễ hội truyền thống mà còn trên nhiều diễn đàn của các hội, nhóm yêu mến cổ phục dân tộc. Cũng như loại áo ngũ thân tay chẽn, áo tấc dành cho cả nam, nữ, và cho mọi tầng lớp trong xã hội, không phân biệt đẳng cấp, sang hèn. Sự phân biệt chủ yếu chỉ thể hiện ở chất liệu, màu sắc, hoa văn trang trí và các phụ kiện kèm theo.

Ngoài ra, còn có rất nhiều những cổ phục khác như: áo đối khâm, áo giao lĩnh, áo ngũ thân… Chị Đỗ Thị Mai có cửa hàng cho thuê áo dài và cổ phục tại quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ: “5 năm trở lại đây, nhiều bạn trẻ thích mặc cổ phục chụp ảnh. Có bạn nói là mặc cổ phục tạo ấn tượng, có bạn nói là mặc đẹp. Nếu mặc cổ phục mà đi chụp tại những không gian cổ kính thì rất tuyệt”.

42
Áo tấc – mẫu trang phục của triều nhà Nguyễn được nhiều bạn trẻ yêu thích.

Một cách chơi có văn hóa

Chia sẻ với bạn Vũ Thanh Hòa, người đã thực hiện nhiều bộ ảnh mặc cổ phục cùng nhóm bạn, Hòa cho biết: “Mặc cổ phục tạo được cái duyên rất mới mẻ. Thêm nữa, để mặc phù hợp chúng em cũng phải tìm hiểu về vẻ đẹp, giá trị của mỗi loại. Từ đó cho chúng em hiểu hơn về cổ phục Việt Nam”.

Còn bạn Hà Khánh Linh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tâm sự: “Mấy năm trước, em đọc thông tin và biết được vẻ đẹp của Nam Phương Hoàng Hậu và rất ấn tượng. Sau đó em bắt đầu tìm hiểu sâu về bà rồi vô tình tìm hiểu luôn về cổ phục Việt, càng tìm hiểu thì càng say mê và theo đuổi cho đến bây giờ. Em nghĩ, sẽ ngày càng nhiều người có thú sưu tầm, mặc cổ phục vì đó là thú chơi văn hóa. Thực tế, ở các lĩnh vực khác, cũng rất nhiều người đã lội ngược dòng lịch sử để phục dựng những nét đẹp cổ truyền đó”.

Tôi được biết, Đại đức Thích Hoằng Nghệ (Long An) rất say mê những nét đẹp cổ xưa. Tại tư thất Minh Châu ở xã Phước Vân, huyện Cần Đước, Đại đức sưu tầm và bố trí nhiều tiểu cảnh mang xu hướng hoài cổ, chuẩn bị sẵn các bộ trang phục phù hợp cho khách thập phương đến tham quan, chụp ảnh miễn phí. Đại đức đã dành gần 6 năm để sưu tầm, tạo hình trang phục. Khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, mỗi năm có hàng nghìn khách đến tham quan, chụp ảnh. Đại đức chia sẻ: “Khi các bạn trẻ mặc bộ áo tấc của thời Nguyễn, tôi nhận ra các bạn mặc áo tấc rất đẹp. Đó là nét đẹp rất nền nã, tự nhiên”.

Có một người rất trẻ, nhưng tiên phong trong tìm hiểu, may cổ phục. Đó là Nguyễn Đức Lộc, một chàng trai hơn 30 tuổi có vẻ ngoài rất thời thượng. Gần chục năm qua, thay vì tìm hiểu và thiết kế các loại trang phục hiện đại, Lộc dấn thân tìm hiểu và thiết kế cổ phục. Để thỏa đam mê, Lộc đã thành lập nhóm “Ỷ Vân Hiên”, gồm những người thích cổ phục để tìm hiểu, chia sẻ. Anh cũng đến những làng có nghề may lâu đời, gặp các nghệ nhân làng nghề để tìm hiểu về văn hóa cổ phục ở nước ta. Rồi anh đã thành lập Công ty CP Ỷ Vân Hiên – chuyên về những trang phục cổ của dân tộc.

Phải nói rằng, việc thành lập doanh nghiệp để nghiên cứu, phục dựng và kinh doanh trang phục cổ như Lộc cũng chẳng dễ dàng. Khó khăn nhất với Lộc và các cộng sự chính là việc tìm kiếm tư liệu. “Càng làm, tôi càng thấy khó. Trang phục cổ cũng là yếu tố nằm trong sự đứt gãy văn hóa của nước ta. Không chỉ thế, mà số lượng học giả nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này cũng rất ít”, Nguyễn Đức Lộc tâm sự.

Những người kết nối

Rất nhiều bạn trẻ đã thích áo dài Việt Nam. Và khi trải nghiệm với cổ phục, họ cũng thấy hào hứng và thích trải nghiệm thêm những điều mới mẻ. Đó là “kênh” để cổ phục truyền thống lan tỏa trong đời sống hiện đại.

Nhà thiết kế Quang Hòa (thành phố Huế) cho hay: Vào dịp tết cổ truyền, các loại cổ phục Việt Nam được sử dụng nhiều, giá trị, vẻ đẹp cổ phục lan tỏa mạnh mẽ. Huế là một trong những địa phương tiêu biểu mà nhiều người thích diện cổ phục. Nhiều người thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau chọn áo tấc, ngũ thân tay chẽn, nhật bình làm trang phục cho mình và người thân du xuân. Các tiệm may, cơ sở cho thuê cổ phục gần như bị “cháy” hàng.

Còn Nguyễn Đức Lộc cho rằng, ở thời kỳ hiện đại với vô vàn các xu hướng thời trang nở rộ, muốn lan tỏa Việt phục đến với mọi người đầu tiên phải thay đổi được tư duy công chúng và tìm ra lời giải cho bài toán trong sự cân bằng về vấn đề kinh tế với văn hóa, giữa tính khoa học và thời trang. Chính vì vậy những bộ trang phục cổ mà Ỷ Vân Hiên phục dựng bao giờ cũng phải đúng về yếu tố lịch sử, chất liệu tốt nhất và tỉ mỉ từng hoa văn, kiểu dáng…

Cũng còn rất trẻ và là diễn viên ảo thuật, Nguyễn Trọng Tín (quận 12, TP HCM) đã rẽ hướng sang chuyên làm trang phục cổ, đặc biệt là các trang phục sân khấu. Đây là công việc tỉ mỉ và tốn nhiều công sức. Nhưng Tín tin rằng, nhiều người sẽ vẫn đón nhận những giá trị xưa, và chính người trẻ có khả năng phát huy và lan tỏa giá trị ấy.

Cả Lộc và Tín đều cho rằng, thời gian tới, muốn giới trẻ và người dân quan tâm, thì chính các anh phải tiếp tục đào sâu nghiên cứu về trang phục cổ Việt Nam, vì đó là cả một kho tàng chưa được khai phá hết. “Những gì chúng ta biết đến qua những trang phục chỉ là một phần rất nhỏ. Sắp tới tôi sẽ tập trung để cho ra mắt công chúng những bộ sưu tập có hàm lượng giá trị nghiên cứu sâu hơn”, Nguyễn Đức Lộc nhấn mạnh.

Ngành văn hóa cần có sự nhìn nhận về sự quan tâm của giới trẻ, để có những ghi nhận, đánh giá. Thậm chí có sự khích lệ thích đáng. Không ít chuyên gia còn cho rằng, tư liệu về cổ phục rất thiếu thốn, bởi vậy cần phải sưu tầm thêm tư liệu, xây dựng giáo trình để có thể đào tạo, giảng dạy về cổ phục Việt Nam.

Việc các bạn trẻ quan tâm đến cổ phục là tín hiệu đáng mừng, cho thấy ý thức về bản sắc văn hóa truyền thống, sự cảm nhận về vẻ đẹp của trang phục Việt đang được nâng cao. Điều đáng nói, những bạn trẻ tâm huyết, gìn giữ, làm lan tỏa cổ phục cũng chính là những gạch nối quá khứ và hiện tại. Khi xã hội phát triển, cuộc sống trôi đi quá gấp gáp, thì những nét đẹp của cổ phục và giá trị văn hóa của nó, ở hoàn cảnh phù hợp cũng chính là cách gây dựng thương hiệu và giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của Việt Nam.

Theo Đại Đoàn Kết

Bài viết cùng chủ đề:

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Cổ tích Miếu Hội Tân Châu

    Trong dân gian, có lẽ do chịu ảnh hưởng tục của người Hoa, người ta gọi ngôi đình làng là miễu, có nơi gọi là miếu võ, thần từ hoặc cổ miếu… Miếu thờ tứ vị vương Giới thiệu cho chúng tôi xem hình ảnh ngôi miếu bằng tre lá ngày xưa, ông từ giữ...
    1 7

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Ngôi đình thờ vua Lê, chúa Nguyễn

    Dưới bóng những cây sao cổ thụ và ở ngay ngã ba sông, đình Bình Phú (H.Cai Lậy, Tiền Giang) có vị trí phong thủy ít ngôi đình nào trong vùng sánh được. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản chứng tỏ là một trong những ngôi đình có niên đại xưa nhất. Thờ...
    8 2

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Dấu xưa ở đình Ba Vát

    Đình Ba Vát còn gọi là Phước Mỹ Trung, nơi lưu dấu chứng tích trận đánh lịch sử xảy ra vào thế kỷ 18 ở thôn Phước Hạnh, làng Phước Mỹ Trung, H.Tân An, Vĩnh Long (nay thuộc H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre). Những dấu tích lịch sử Trải qua hàng trăm năm, chợ Ba...
    1 4

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Dấu ấn thời khai hoang lập ruộng

    Bửu Hương tự, còn gọi là đền thờ Quản Cơ, tọa lạc ấp Bờ Dâu, xã Thạnh Mỹ Tây, H.Châu Phú (An Giang). Người địa phương quen gọi là dinh Đức Cố Quản. Đây là cơ sở tín ngưỡng của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, cũng là nơi thờ tự các vị anh hùng...
    2 3

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Mỹ Tho cũ, Định Tường xưa

    Sau khi đồn Kỳ Hòa thất thủ, đô đốc Charner cho mở các cuộc hành quân lấn chiếm ra vùng lân cận, trong đó có Mỹ Tho. Họ tới Mỹ Tho qua ngã kinh Bưu Điện (Arroyo de La Poste) và sông cửa Tiểu. Cồn Rồng, còn gọi là Long Châu Ngày 26.3.1861, Charner cử...

Được quan tâm