Mùi thóc tươi, mùi rơm mới vừa thơm thơm vừa ngái ngái quện trong cái nắng hanh hanh vàng vọt… bám riết lấy ký ức tuổi thơ tôi đến tận bây giờ.
Làm ruộng. Vâng, nhà tôi 3 đời đều… làm ruộng. Đến đời tôi thì may quá được… thoát ly. Tôi còn nhớ như in năm tôi chập chững bước vào lớp 1 cũng là năm mẹ bắt đầu lôi tôi ra đồng để phụ mẹ làm nông như một nông dân thực thụ. “Bà nông dân ấy” cũng quần xắn móng lợn, đầu đội nón mê, cái nón rách tả tơi mà bà nội tôi “truyền” lại cho sau khi bà “tậu” được một chiếc nón mới ở chợ phiên và cho tôi một cái mũ nan mới toanh với lời dặn: “Cháu cất mũ đi để vào năm học đội đi học cho mới, ra đồng lấy nón cũ của bà là được rồi”.
Thế là, bà nông dân tí hon với cái nón mê lụp xụp theo mẹ ra đồng làm đủ thứ, từ cắt lúa đến thồ phân, từ đôn đất ruộng đến tát nước, be bờ, làm cỏ… cái gì tôi cũng từ từ biết làm cả.
Hồi đó làng tôi chưa ai biết đến cái bếp ga hình thù như thế nào, để có nguyên liệu nấu nướng, rơm, rạ là thứ duy nhất người quê tôi phải tích trữ mỗi vụ mùa. Vào vụ, lúa được cắt ngang cây để thồ về nhà. Sau khi tuốt lúa lấy hạt, rơm được phơi khắp đường làng ngõ xóm. Mỗi nhà “xí phần” một đoạn đường để mang rơm nhà mình ra phơi. Nhiệm vụ của lũ nhóc chúng tôi vào những ngày mùa cũng vô cùng vất vả. Nếu không phải ra đồng cắt lúa cùng bố mẹ, thì cũng phải ở nhà trông em kiêm… phơi thóc và gẩy rơm mỗi ngày vài bận để thóc, rơm được nắng.
Được giao việc, lũ nhóc chúng tôi cũng cảm thấy mình oách ra trò. Tôi và đứa 2 đứa bạn gần nhà còn lập thành một đội để làm chung cho đỡ cực. Một ngày cứ quay vòng, nửa tiếng lại chạy sang sân nhà đứa này cày thóc, 1 tiếng lại chạy ra đoạn ngõ nhà đứa kia gẩy rơm. Vừa làm vừa nói chuyện, bốc phét rôm rả, mặc kệ cái nắng chang chang cứ phả vào những gương mặt đen nhẻm và đầy mô hôi qua vành nón rách.
Mùi thóc tươi, mùi rơm mới vừa thơm thơm vừa ngái ngái quện trong cái nắng hanh hanh vàng vọt… bám riết lấy ký ức tuổi thơ tôi đến tận bây giờ.
Kết thúc mùa vụ cũng là lúc thóc đã hòm hòm vào cót và những đụn rơm tươi đã ngả vàng, khô roong bởi nắng. Khi nhà ai cũng có một cây rơm to đùng cách mạng ở mép vườn hay đằng sau bếp thì cũng là lúc lũ nhóc chúng tôi được mẹ lôi ra đồng để dựng rạ.
Bây giờ, ở nông thôn chỉ có những gia đình còn nuôi trâu bò họ mới lấy rơm về làm thức ăn dự trữ cho chúng, còn rạ thì hầu như không dùng nữa. Cắt lúa xong, thủy lợi xã cho bơm nước vào ngập ruộng. Chỉ vài bữa là máy cày đã vào hoạt động liên hồi, rạ được máy dập xuống trong bùn tạo thành phân hữu cơ cho mùa vụ tới. Nhưng ngày trước, không có máy cày, bọn trâu, bò không cày được trên những thửa ruộng còn gốc rạ lởm chởm. Vậy là người dân quê tôi phải cắt lúa tận gốc, sau khi xén ngọn về thì những hàng rạ dài phải nằm bẹp trên ruộng chờ ngày được hong phơi và chở về làm nguyên liệu đun nấu.
Và mỗi vụ mùa, điều tôi hãi nhất là bị mẹ giao cho công việc đi dựng rạ. Rạ nằm bẹp dưới ruộng khoảng chục ngày sau khi thu hoạch lúa. Ở những thửa ruộng khô thì không sao chứ ở những thửa có nước vào thì thật là kinh khủng vì mặt dưới của chúng bị ngâm dưới nước lâu ngày cũng đến cái giai đoạn sắp mủn ra và bốc mùi thum thủm. Việc đầu tiên tôi phải làm là lật ngửa chúng lên, sắp xếp 2 – 3 đụn lại với nhau, xoè chúng ra như những chiếc quạt nan, rồi bằng một “kỹ thuật điêu luyện” mà tôi đã được mẹ chỉ dạy trong vòng 7749 ngày, vừa đỡ vừa dựng chúng thành những ụ lùm lùm như cái lều của người tí hon giữa ruộng nước.
Cứ như thế, dựng hết ụ này đến ụ khác, cho đến khi tất cả đám rạ dưới ruộng đều thành những cái lều tí hon thì… lưng tôi như muốn gãy ra vì cúi nhiều. Tôi sợ nhất là gặp phải mấy chỗ rạ bị ngấm nước hay bị người dẫm lên trong khi thu hoạch lúa. Bởi khi lật nó lên kiểu gì cũng được “khuyến mại” thêm một đống… đỉa lúc nhúc, nhìn rùng hết cả mình. Có hôm tôi còn “vớ” phải cả một con rắn xanh lè nằm cuộn tròn trong đống rạ thum thủm. Thôi thì 3 chân 4 cẳng chẳng biết trời đất gì, tôi chạy một mạch lên bờ trong tiếng kêu la thất thanh gọi mẹ cứu… Những lúc như thế, mẹ lại được dịp cười ha hả rồi mắng yêu: “Ráng mà học giỏi rồi thoát ly, chứ không thì phải làm quen với đỉa với rắn đi cô ạ”.
Đi dựng rạ, vui nhất là mỗi buổi chiều chiều sau khi công việc hoàn tất, tôi được đứng nhìn cả ruộng đầy ắp những mô rạ đứng thẳng hàng tăm tắp, thành quả của một ngày làm việc vất vả. Thửa ruộng lúc này nhìn như một ngôi làng của những người tí hon trong truyện cổ tích mà tôi hay được nghe bà kể. Trong những ngôi nhà bằng rạ đó, tôi tưởng tượng ra có cả hoàng tử và công chúa, cả những thần dân chỉ bằng ngón tay cái ngày ngày sống cuộc sống êm đềm và bình yên. Chính vì sự tưởng tượng không biên giới ấy mà tôi luôn cố gắng trau chuốt cho những ụ rạ mình làm nên thành ngôi nhà đẹp nhất cho những thần dân tí hon trong tưởng tượng của mình sinh sống.
Trong khi chờ mẹ tranh thủ móc vài con cua, con cáy cho bữa cơm chiều, tôi tha thẩn nhặt những bông cỏ may, cỏ dừa nở hoa trắng phau trên bờ ruộng rồi cắm vào đỉnh những ụ rạ mình đã dựng. Chỗ nào có hoa trắng đó là lều của công chúa, chỗ nào có cỏ may là lều của hoàng tử… còn thần dân thì đương nhiên là không có gì rồi.
Thời gian trôi qua như gió thoảng, con bé đội nón mê, xắn quần móng lợn và đen nhẻm ngày nào đã không còn ở cái vùng quê đầy nắng, gió và mùi rơm rạ đó nữa. Nhưng cứ mỗi chuyến công tác, dù chỉ là một chớp nhoáng xe ngang qua những cánh đồng, đứa con gái quê ngày ấy lại hồ hởi mở tung cửa xe ngó mặt ra ngoài để hít hà hương đất, hương lúa, hương cỏ non… những hương vị tuổi thơ sẽ chẳng bao giờ có được ở chốn thị thành.
Theo Dân Việt