Đại diện Vietnam Airlines cho biết, dự kiến khoản tín dụng ưu đãi 4.000 tỉ đồng chậm nhất cuối tháng 6, đầu tháng 7 sẽ được giải ngân.
Trước đó, báo cáo của Bộ KH-ĐT cho biết, dự kiến số lỗ trong quý 1/2021 của Vietnam Airlines sẽ ở mức 4.800 tỉ đồng, 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỉ đồng. Hiện tại, số nợ phải trả quá hạn lên tới 6.240 tỉ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.
Đáng chú ý, theo báo cáo, trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỉ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn, hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng. Vietnam Airlines hiện đang đối mặt với rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng.
Theo ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông của Vietnam Airlines, cuối năm 2020, gói giải pháp hỗ trợ 12.000 tỉ đồng đã được Quốc hội thông qua để bù đắp thanh khoản và tăng vốn chủ sở hữu cho VNA.
Đến nay, gói hỗ trợ cho vay tái cấp vốn (4.000 tỉ đồng) đã hoàn tất toàn bộ các hành lang pháp lý cần thiết. Phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (8.000 tỉ đồng) đang được triển khai các bước cần thiết theo quy định.
“Khoản tín dụng 4.000 tỉ đồng đang được các bên liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục. Chậm nhất cuối tháng 6, đầu tháng 7.2021 gói 4.000 tỉ đồng sẽ được giải ngân về Vietnam Airlines”, ông Tuấn cho hay.
Cũng theo đại diện VNA, năm 2021, hãng này tiếp tục đặt mục tiêu tiết kiệm khoảng 9.453 tỉ đồng. Trong đó, các giải pháp tự thân như thuê mua máy bay, sửa chữa máy bay sẽ giúp hãng tiết giảm được 6.066 tỉ đồng. Các giải pháp từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ là 3.387 tỉ đồng, trong đó khấu hao 2.600 tỉ đồng, miễn phí bảo lãnh 19 tỉ đồng…
Đầu tháng 6, VNA vừa mời đấu giá 11 chiếc máy bay thân hẹp A321ceo, một phần trong kế hoạch làm mới đội bay cũng như cải thiện dòng tiền của hãng.