Bàn thờ Bác Hồ và câu đối của nhà sư

Trần Thư 395 lượt xem 9 Tháng Sáu, 2021

Một tuần sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, buổi sáng 9-9-1969 tại ngôi chùa Khánh Hưng ở quận 3 (Sài Gòn), nhà sư Thích Pháp Lan thiết lập bàn thờ âm thầm làm lễ truy điệu Bác.

hcm1
Bàn thờ Bác Hồ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh được giữ nguyên trạng từ năm 1969 – Ảnh: L.ĐIỀN

Diễn ra lặng lẽ nhưng là lễ truy điệu đặc biệt đối với một nhân vật đặc biệt, nhà sư chuẩn bị cũng rất đặc biệt.

Tấm trướng thờ công phu

Theo lời kể của những vị trong sơn môn chùa Khánh Hưng, hòa thượng Pháp Lan bấy giờ hãy còn là một vị thượng tọa. Khi hay tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ông đã âm thầm bàn với phật tử thân tín dùng vải thiết kế một tấm trướng thờ với quy cách dùng các chữ Hán được cắt lộng từ vải và may lên nền một tấm vải khác.

Tấm trướng thờ có 4 đôi câu đối hai bên là sự dụng tâm đáng kể: Nam Bắc toàn dân quy thượng chính / Á Âu thế giới kính tu mi.

Nếu xét nội dung, hai câu trên mang ý nghĩa thông thường, kiểu trướng thờ kính trọng một người có công với đất nước: kêu gọi người dân theo về với chính nghĩa trên hết, thế giới từ Âu tới Á đều kính trọng đấng mày râu.

Câu đối dành cho ai? Đấng mày râu nào vậy?

Chìa khóa nằm ở hai chữ cuối: vế đầu kết thúc bằng chữ “chính”, vế sau kết thúc với chữ “mi”, “chính mi” nói lái là “chí minh”. Câu đối được suy nghĩ kỳ công, rồi cắt chữ trên vải, may vào tấm trướng, thiết lập bàn thờ chỉ để đánh dấu đây là trướng thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một bàn thờ ngay tại ngôi chùa ở quận 3, trung tâm Sài Gòn.

Điều thú vị của trường hợp tự làm câu đối để thờ Bác Hồ ở đây chính là câu chuyện hình thành từ sự pha trộn giữa tâm thức dân gian và lối chơi chữ của người bình dân Nam Bộ có học.

Xuất phát từ lòng người

Câu chuyện một nhà sư tự mình vì kính ngưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh nên lập bàn thờ khi nghe tin Bác mất được biết đến khi vào đầu những năm 2000, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM (bến Nhà Rồng) có kế hoạch tìm hiểu sưu tầm và tổ chức phòng trưng bày đền thờ Bác Hồ ở Nam Bộ.

Thật bất ngờ, qua tìm hiểu, tại các tỉnh thành Nam Bộ có đến 40 cơ sở gồm gia đình và đền chùa lập bàn thờ Bác. Trong số đó, bàn thờ do hòa thượng Thích Pháp Lan tại chùa Khánh Hưng thiết kế với những nét độc đáo như đã thấy lập tức thu hút giới nghiên cứu và cán bộ bảo tàng.

Sau khi hòa thượng Thích Pháp Lan viên tịch năm 1994, Bảo tàng Hồ Chí Minh đón bàn thờ này về vào năm 2003. Từ đó, tại tầng 2 trong không gian trưng bày các đền thờ Bác, bàn thờ với đôi câu đối chữ Hán kỳ đặc kia được duy trì trang trọng, để vừa phục vụ khách tham quan vừa là nơi tưởng nhớ Bác trong các dịp lễ hằng năm.

Theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu, việc hòa thượng Thích Pháp Lan (pháp danh Trừng Tâm, thuộc dòng Liễu Quán của ngài Thiệt Diệu, tông Lâm Tế) lập bàn thờ Bác Hồ phản ánh một nét riêng của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Nam Bộ nói riêng.

“Điều này xuất phát từ lòng người, tự ông thầy Pháp Lan thấy nên thờ Bác Hồ thì ông và phật tử của ông thu xếp để qua mắt chính quyền và làm lễ truy điệu. Việc ấy không xuất phát từ một chủ trương nào hay do ai hướng dẫn. Mà có như vậy mới trở thành giá trị tồn tại ở đời” – một nhà nghiên cứu tại Sài Gòn xin giấu tên nêu nhận xét như vậy.

Dân gian trộn lẫn học thuật

hcm2
Ảnh hòa thượng Thích Pháp Lan – trụ trì chùa Khánh Hưng – hiện được treo tưởng niệm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM – Ảnh: L.ĐIỀN chụp lại

Tâm thức dân gian quan niệm những ai có công, được nhiều người kính trọng và hướng về, khi chết đi đều đáng được thờ. Chính vì vậy mà giữa lòng Sài Gòn với nhiều tai mắt của chính quyền lúc bấy giờ săm soi những ai đang “hướng về miền Bắc” thì một bàn thờ dành cho Bác Hồ và lễ truy điệu vẫn được tổ chức.

Còn lối chơi chữ ở tấm trướng thờ lại có điểm độc đáo khác. Nếu các cụ đồ Nho ngày xưa thường có lối làm câu đối theo cách “quán thủ” (tức ghép 2 chữ đầu câu để mang ý riêng), thì hòa thượng Pháp Lan trong trường hợp này dùng cách quán vĩ (ghép hai chữ cuối), lại còn ẩn thêm một lần nữa qua cách nói lái, trở thành điển hình của môtip dân gian trộn lẫn với học thuật.

Theo Tuổi Trẻ

Bài viết cùng chủ đề:

    20 3

    Chữ “đức” gửi đến ngàn sau

    Những nghi thức tế lễ, những màn rước, các lễ vật và những tục lệ, điều kiêng kỵ… tạo nên sắc thái phong phú của lễ hội. Nhưng thực ra, đó mới là “phần nổi”. Lễ hội còn những câu chuyện khác mà không phải ai cũng biết đến. Càng tham gia sâu vào các...
    12 2

    Những kỷ niệm với xe đạp

    Vào những năm 1960, cả xã tôi chỉ có mấy chiếc xe đạp của các chú làm việc ở Ủy ban nhân dân xã và Ban chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp. Mỗi lần gặp các chú đạp xe trên đường làng, chúng tôi lại ngẩn ra nhìn… Những năm chống chiến tranh phá...
    22 1

    Ngôi chùa cổ lưu giữ căn hầm kháng chiến thời chống Pháp

    Ngôi chùa cổ Bối Khê, ở thôn Song Khê, xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai), có căn hầm từ thời kháng chiến chống Pháp, lưu giữ nhiều chứng tích lịch sử hào hùng… Thế liên hoàn dưới lòng đất Những ngày nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua, rất đông du khách viếng thăm chùa Bối...
    21

    Từ truyền thuyết xưa ngẫm về đạo học thời nay

    Bước sang năm Rắn (Ất Tỵ), câu chuyện về người học trò thủy thần của thầy Chu Văn An lại được nhiều người nhắc đến. Hình ảnh người học trò dù mang thân phận khác biệt vẫn khiêm tốn theo học thầy Chu Văn An, hy sinh bản thân để cứu dân, không chỉ gợi...
    27 2

    Nhớ thời đọc báo sau giờ nghỉ trưa

    Những năm 1980, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô đều phải có kế hoạch dành một phần quỹ phúc lợi để mua báo ngày, báo tuần các loại cung cấp cho các phòng, ban, phân xưởng sản xuất. Đây là một cách hiệu quả để phổ biến, tuyên truyền về chủ...

Được quan tâm