Thiền viện Trúc Lâm tọa lạc tại ấp Khoán Tiều, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh với diện tích gần 10 ha trong quần thể Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn biển Ba Động.
Toàn bộ các kiến trúc tại Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh được thiết kế và xây dựng theo mô hình các ngôi chùa Phật giáo Việt Nam thời Lý – Trần (thế kỷ XII đến thế kỷ XIV), mà điển hình là các mái ngói dạng hai tầng. Các đầu đao cuối mái được vuốt cong nhẹ nhàng, thể hiện tính khiêm cung, hài hòa với tự nhiên của dân tộc. Thiền Viện gồm các hạng mục chính: chính điện, hành lang, giảng đường, nhà tổ, lầu chuông, lầu trống, cổng tam quan và nhà trụ trì.
Bước qua cổng tam quan, để vào đến Chánh điện, là khoảng sân rộng, dài 150 m và được kết cấu thành hai bậc, là nơi để vị sư trụ trì thuyết pháp hay nhà chùa, địa phương tổ chức các sự kiện văn hóa Phật giáo. Ngôi Chánh điện Thiền viện Trúc Lâm có diện tích 27 x 45 m, cao 11 m, trên nền đá cao 1,4 m, là ngôi Chánh điện lớn nhất trong tất cả các tự viện Phật giáo trên địa bàn tỉnh Trà Vinh hiện nay. Khác với các tu viện khác thì thờ Phật Tổ Như Lai (Phật Tổ đã thành đạo và nhập niết bàn), thì Phật Tổ ở Thiền Viện Trúc Lâm trong tư thế “Niêm hoa vi tiếu” (Phật Tổ cầm đóa sen đưa lên và Anan Hành giả mĩm cười). Đây cũng là tượng Phật bằng đồng lớn nhất Trà Vinh, cao 3,5 m, nặng hơn 3 tấn.
Ngoài thờ Phật Tổ Như Lai, các vị Bồ tát, Hành giả theo giáo lý nhà Phật, ngôi Chánh điện Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh còn trang trọng thờ phượng kim tượng Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người được xem là vị đại tiên hiền của vùng đất Nam bộ. Phía Hậu tổ của Thiền viện, ba vị Trúc Lâm Tam tổ là Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang được tôn thờ cùng với Đức Đạt Ma và các vị cao tăng Việt Nam có công với đạo và đời đã viên tịch. Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh cũng thờ kim tượng Mẫu Âu Cơ, giúp phật tử gần xa hướng về cội nguồn dân tộc.
Tượng Phật mẫu Quán Thế âm Bồ tát cao 25 m được an vị trên bệ tượng cao 6 m, tạo ra chiều cao chung đến 31 m, cũng là tượng Phật mẫu cao nhất trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Trong giáo lý Phật giáo, Quán Thế âm là vị Bồ tát ngàn mắt ngàn tay, có năng lực và quyền lực siêu nhiên, nhìn thấu hết khắp cõi ta bà, kịp thời phát hiện và ra tay cứu độ, cứu nạn chúng sinh. Do đó, tượng Phật mẫu hiền từ mà uy nghiêm nhìn ra muôn trùng biển Đông bao la, giúp người dân đi biển Trà Vinh an tâm hơn khi đối đầu với bao hiểm nguy từ gió to sóng dữ.
Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh là một nơi có vị trí đẹp, phong cảnh hài hòa nằm trong quần thể khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn biển Ba Động, ngôi chánh điện có hướng nhìn ra biển Đông, khuôn viên được bao bọc bởi nhiều động cát cao, phủ đầy dương xanh ngát, rì rào cùng sóng biển. Được biết đây là cở sở thứ 58 Tu Viện của phái Thiền viện thuộc Trúc Lâm Yên Tử.
Thiện viện Trúc Lâm được xây dựng với mong muốn khôi phục lại những giá trị truyền thống của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Thiền viện Trúc Lâm là điểm tham quan du lịch hấp dẫn ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng. Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh là một địa chỉ hành hương Phật giáo và là địa chỉ du lịch tâm linh thu hút mạnh mẽ phật tử, du khách gần xa về tham quan, vãn cảnh, chiêm bái Đức Phật và hướng lòng mình trở về với cội nguồn dân tộc hào hùng.
Ngoài ra, Thiền viện Trúc Lâm, khu du lịch Biển Ba Động, khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn ven biển cùng các di tích lịch sử Lầu bà Cố Hỷ Thượng động nương nương, Bến Tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu, Đình miếu Cồn Trứng, làng nghề Đáy biển Động Cao, làng Muối Cồn Cù và những công trình công nghiệp hiện đại như Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, Trung tâm Điện lực Duyên Hải… có vị trí gần nhau, tính chất và loại hình bổ sung cho nhau để hình thành một chuỗi các địa chỉ có tiềm năng lớn về du lịch ven biển Trà Vinh.
Ngọc Hoa