The CrownX – ‘lá bài’ chiếm lĩnh thị trường bán lẻ của Masan

Hồng Đào 138 lượt xem 25 Tháng Năm, 2021

Hàng loạt thương vụ M&A xoay quanh The CrownX, cùng trợ lực từ thỏa thuận mới với Alibaba, đang giúp Masan đi nhanh hơn trên thị trường bán lẻ.

Masan vừa chi 15 triệu USD để mua 20% vốn của Phúc Long Heritage, với dự định triển khai mô hình ki-ốt Phúc Long trong cửa hàng VinMart+. Thương vụ nối dài danh sách M&A mà tập đoàn này đã thực hiện những năm gần đây.

Thỏa thuận này được thực hiện chỉ sau gần một tuần sau khi Masan thông qua việc chafobasn cổ phần The CrownX cho các đối tác ngoại. Nhóm nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Alibaba, chi 400 triệu USD để sở hữu 5,5% cổ phần phát hành mới của The CrownX – nền tảng này được thành lập dựa trên việc sáp nhập Masan Consumer Holdings (MCH) và VinCommerce (VCM).

mrdanylee 1
CEO Masan Danny Le tại buổi ra mắt The CrownX. Ảnh: MSN.

Thị trường bắt đầu chú ý khi Masan mua lại loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực đồ uống, hàng tiêu dùng. Động thái này cùng cả việc Masan mua lại chuỗi Vinmart, vẫn chỉ là tín hiệu cho thấy họ muốn phát triển ngành hàng tiêu dùng nhanh. Tuy nhiên, tham vọng của Masan dường như không chỉ giới hạn trong việc phát triển những ngành hàng chủ lực. Một hệ sinh thái xoay quanh The CrownX dần được hình thành, đang cho thấy một chiến lược lớn hơn.

‘Point of Life’, theo ông Danny Le, CEO Masan Group, là nền tảng ‘tất cả trong một’ mà Masan hướng tới dựa trên The CrownX để phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng trên các kênh mua sắm offline và online. Nói theo cách đơn giản hơn, Masan đang thể hiện mong muốn nắm giữ thị trường bán lẻ trên cả phương diện truyền thống và hiện đại.

Tham vọng này vừa tiến thêm một bước dài với sự xuất hiện của Alibaba. Cách tập đoàn của tỷ phú Jack Ma phát triển trở thành một nền tảng thương mại điện tử, tài chính và thanh toán lớn nhất Trung Quốc có thể là một mô hình mà Masan hướng tới, khi mà thị trường bán lẻ Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khai, giống như Trung Quốc trước khi bùng nổ.

Tại phiên họp thường niên năm 2021, ông Trương Công Thắng, CEO The CrownX nói rằng, nền tảng này sẽ là nơi hệ thống bán lẻ (VinCommerce), hàng tiêu dùng nhanh – FMCG (MCH), thịt có thương hiệu (Masan MEATLife) và dịch vụ tài chính (Techcombank) liên kết, hợp lực để tạo thành nền tảng kinh doanh thống nhất.

Nền tảng này không chỉ có điểm bán hiện hữu (offline) mà còn tích hợp với điểm bán trực tuyến (online). Trọng tâm của Masan là nhu yếu phẩm, coi đây là mảng cốt lõi để gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Từ đó, họ có thể mở rộng phục vụ các nhu cầu thiết yếu khác như: tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe… “The CrownX được coi là chương đầu tiên”, ông Thắng nói.

Để hiểu về tham vọng của Masan, cũng như hành trình ‘Point of Life’ mà tập đoàn này đang xây dựng, trước hết phải nhìn từ lý do Masan chọn hướng đi này.

Dù có sự xuất hiện của nhiều “đại gia” lớn, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn tương đối sơ khai và phân mảnh. Số liệu từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, kênh thương mại truyền thống vẫn chiếm tới 90% toàn ngành bán lẻ. Kênh bán hiện đại chỉ khoảng 8%, đa phần ở thành thị. Để so sánh, tỷ trọng của hệ thống bán lẻ hiện đại ở Thái Lan là 34%, Malaysia 60% còn Singapore đến 90%.

Vinmart Phuc Long 1
Phúc Long, VinMart đều là những mảnh ghép quan trọng trong chiến lược của The CrownX của Masan. Ảnh: Quỳnh Trần.

Phần lớn người tiêu dùng Việt hiện nay vẫn mua nhu yếu phẩm hàng ngày tại các chợ truyền thống và cửa hàng nhỏ lẻ, những cửa hàng này nằm trong số hơn 8.700 chợ và 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa trải rộng khắp Việt Nam.

Thương mại điện tử, vốn được kỳ vọng thay đổi thói quen tiêu dùng tại Việt Nam, chỉ chiếm khoảng 2% thị phần. Đa số hàng hóa được đặt mua qua mạng không thiết yếu. Ngược lại với thực trạng ở Mỹ và Trung Quốc, khi thương mại điện tử dần dẫn dắt thị trường bán lẻ.

Nói cách khác, thị trường bán lẻ hiện tại của Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào những “chợ cóc” và cửa hàng nhỏ lẻ, giống như Trung Quốc trước khi có Alibaba. Một thị trường tiềm năng còn bỏ ngỏ, vì thế, là đích đến cho một chiến lược dài hơi mà Masan đang theo đuổi.

Việc mua lại chuỗi Vinmart giúp Masan tiến một bước trên con đường này, là sở hữu các điểm bán hiện hữu (offline).

Trong cuộc gặp với giới phân tích gần đây, Masan cũng thể hiện rõ tham vọng này khi mục tiêu của chuỗi Vinmart sẽ tập trung các cửa hàng nhỏ, nhằm tăng độ phủ. VinCommerce dự kiến mở 300-700 cửa hàng (sau khi trừ các cửa hàng đóng cửa) trong năm 2021, chủ yếu là siêu thị mini. Chuỗi siêu thị này đang triển khai thí điểm các mô hình khác nhau nhằm tìm ra công thức cửa hàng phù hợp trước khi tăng tốc mở rộng.

Sự góp mặt của Phúc Long tại những cửa hàng Vinmart, thông qua thỏa thuận mua cổ phần vừa ký kết, cũng là một động lực tăng trưởng doanh thu của chuỗi này.

Sau khi có được một hệ thống điểm bán, bước đi còn lại làm cách nào tiến lên môi trường trực tuyến (online).

Thương mại điện tử, cho tới nay, vẫn là cuộc chạy đua đốt tiền giữa các nền tảng để gia tăng thị phần. Masan có thể tham gia lĩnh vực này không? Câu trả lời dĩ nhiên là có, với một tập đoàn có tổng tài sản hơn 5 tỷ USD. Nhưng Masan có cần thiết phải làm không? Có lẽ là không, phung phí nguồn lực trong cuộc đua này là điều không cần thiết. Bởi, Alibaba vừa giúp Masan giải quyết nốt vấn đề này.

Với thương vụ mới ký kết, ngoài con số 400 triệu USD, Alibaba đã đưa cho Masan “mảnh ghép” còn thiếu. The CrownX sẽ hợp tác với Lazada – nền tảng thương mại điện tử tại Đông Nam Á của Alibaba – để phát triển thị trường bán lẻ online tại Việt Nam. Trong đó, VinCommerce đặt mục tiêu trở thành nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử này.

Hai bên cho biết sẽ chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm. Ngoài ra, việc hợp tác cũng phát triển tính năng cung ứng hàng hóa cho các đơn hàng online tại các điểm bán offline (hệ thống Vinmart), phát huy sức mạnh từ nền tảng cung ứng và giao vận để tối ưu và tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, thương vụ hợp tác có lẽ cũng không chỉ dừng lại ở Lazada. Nếu nhìn lại lịch sử phát triển tập đoàn của tỷ phú Jack Ma, “lá bài” chiến lược không chỉ có thương mại điện tử, mà còn là thanh toán và dịch vụ tài chính. Tài chính và thanh toán, cũng là một trong những trụ cột được Masan nhắc đến trong tham vọng ‘Point of Life’ và chính mảng này sẽ đóng vai trò kết nối để tạo ra một nền tảng thống nhất.

16 năm trước, khi Jack Ma ra mắt dịch vụ thanh toán cho đế chế thương mại điện tử Alibaba, rất ít người cho rằng ông sẽ thành công. Đến nay, mảng này đang là xương sống của Ant Group – đại gia tài chính từng được định giá tới hơn 200 tỷ USD. Ant có nhiều dịch vụ và sản phẩm tài chính đến mức “trở thành một phần cuộc sống thường ngày của hàng trăm triệu cá nhân và doanh nghiệp trên khắp Trung Quốc”, Zennon Kapron – nhà sáng lập hãng tư vấn công nghệ tài chính Kapronasia nhận xét với CNN.

Với thị trường Việt Nam, sự phát triển của thanh toán trực tuyến đã tăng tốc trong những năm gần đây nhưng quy mô thị trường tổng thể vẫn còn tương đối hẹp và phân mảnh. Mỗi nhà băng hiện có số lượng khách hàng chiếm khoảng 3-6% dân số, tương đương khoảng 3-6 triệu khách hàng. Như Techcombank, “người nhà” của Masan cũng chỉ có xấp xỉ 5 triệu người dùng.

Tuy nhiên, Masan ước tính, nếu liên kết với các nền tảng khác từ offline sang online như thương mại điện tử, The CrownX (do Techcombank phụ trách mảng tài chính) có thể đạt mục tiêu tiếp cận 30-50 triệu khách hàng.

Một bức tranh tổng thể cho tham vọng của Masan có thể được phác thảo bằng ba trụ cột từ điểm bán offline, môi trường online, cho tới thanh toán và dịch vụ tài chính trên một nền tảng thống nhất. Theo đại diện Masan, khi tích hợp phục vụ các nhu cầu thiết yếu trên cùng một nền tảng, đồng thời nâng cao hiệu suất của chuỗi cung ứng, người tiêu dùng có thể mua sắm nhu yếu phẩm với giá rẻ hơn 15-20% so với hiện tại, còn nhà sản xuất tiết kiệm 15-20% chi phí.

Tuy nhiên, thách thức với Masan cũng không nhỏ. Thay đổi thói quen của người tiêu dùng, việc chuyển đổi thị trường bán lẻ không phải việc một sớm một chiều. Quá trình này đòi hỏi thời gian và nguồn lực. Trước Masan, nhiều chuỗi bán lẻ lớn đã tìm cách đẩy mạnh kênh online, nhưng kết quả thu về cũng không mấy khả quan. Ngay cả kênh thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến, cho đến hiện tại, các bên vẫn đang chọn cách đốt tiền thu hút người tiêu dùng.

Đưa hàng thiết yếu từ VinCommerce lên Lazada không khó, nhưng làm cách nào để khách hàng chọn mua tại Lazada, thay vì ra một tạp hóa gần nhà. Cuộc chơi này đòi hỏi những kế hoạch dài hơi và nguồn lực rất lớn. Nhưng nếu giải được những bài toán này, Masan sẽ nắm trọn thị trường bán lẻ hiện đại.

Theo VnExpress

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm