Thánh địa Mecca – bài học cho việc hành hương trong mùa đại dịch

Trần Hùng 169 lượt xem 17 Tháng Năm, 2021

Arab Saudi đã làm gì để ngăn chặn Covid-19 mà vẫn cho phép dòng người đổ về nước này để thực hiện các cuộc hành hương đến thánh địa Mecca?

hanh%20huong%20trong%20mua%20dich%20anh1 1
Những người theo đạo Hồi thực hiện buổi cầu nguyện tối (Tarawih) trong tháng ăn chay Ramadan xung quanh Kaaba – thuộc quần thể Nhà thờ Hồi giáo Lớn ở thánh địa Mecca, vào ngày 13 tháng 4 năm 2021. Ảnh: AFP via Getty Images
Là một người theo đạo Hồi, ít nhất mỗi năm một lần, tôi* lại hành hương đến Mecca – thánh địa linh thiêng nhất của đạo Hồi, nằm ở Arab Saudi. Người Hồi giáo thực hiện cuộc hành hương ngắn (còn gọi là “Umrah”) vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, và mỗi năm có thể có hơn 19 triệu người hành hương. Bản thân tôi đã đến Mecca một vài lần để thực hiện “Hajj” – cuộc hành hương lớn hằng năm. Được tổ chức mỗi năm một lần, đây là sự kiện quy tụ đông đảo hơn 2,5 triệu người theo đạo Hồi.
Mọi người không thể thực hiện cả hai cuộc hành hương Umrah và Hajj trong phần lớn năm 2020 vì đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, Arab Saudi nhìn chung đã xử lý đại dịch hiệu quả. Nước này có tỷ lệ tử vong thấp và sự gián đoạn kinh tế và xã hội ở mức tối thiểu. Họ cũng tiến hành xét nghiệm quy mô lớn và tiếp cận được vaccine. Điều này cho phép nước này mở cửa cho những người hành hương.
Tôi đã không đi du lịch nhằm giảm thiểu rủi ro mắc loại coronavirus mới, SARS-COV-2; nhưng thông tin về các quy định nghiêm nhặt nhằm đảm bảo an toàn cho những người hành hương ở Mecca đã thôi thúc tôi đến đó.
Là một nhà bệnh lý học, người phụ trách truy tìm sự lây lan của loại coronavirus mới ở Kenya, tôi rất ấn tượng về những gì tôi đã trải qua ở Arab Saudi. Tôi tin rằng các quốc gia khác – những nơi diễn ra các cuộc tụ họp tôn giáo lớn – có thể rút ra nhiều kinh nghiệm từ nơi này. Các lĩnh vực như khách sạn và du lịch, thể thao và giải trí cũng có thể nhìn nhận nơi đây như những chiến lược nhằm cân bằng giữa sức khỏe cộng đồng và bảo vệ sinh kế của người dân.
hanh%20huong%20trong%20mua%20dich%20anh2
Một phần trong số những người hành hương đã thực hiện lễ Hajj tại Nhà thờ Hồi giáo Lớn ở Mecca vào tháng 8 năm 2019. Ảnh: EPA, via Shutterstock
Xét nghiệm và cách ly
Đầu tiên, chính quyền Arab Saudi yêu cầu những người hành hương nước ngoài phải có chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính. Chúng phải được thực hiện trong vòng 48 giờ trước khi đến nước này.
Khi đến nơi, tất cả những người hành hương phải cách ly bắt buộc tại một khách sạn (đã được chính phủ cho phép) trong vòng 6 ngày, hoặc làm xét nghiệm PCR sau 48 giờ cách ly – và nếu cho kết quả âm tính, bạn có thể rời khỏi khách sạn. Du khách đến từ những quốc gia được cho là “vùng dịch” phải thực hiện cách ly bắt buộc trong bảy ngày, nhưng vẫn phải làm xét nghiệm PCR và cho ra kết quả âm tính sau khi hoàn thành thời gian cách ly.
Ngoài ra, tất cả những người hành hương nếu muốn có giấy phép vào Haram – Nhà thờ Hồi giáo linh thiêng của Mecca – cần phải có giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.
Điều quan trọng là phải triển khai đầy đủ tất cả biện pháp này, vì chúng bổ sung các lớp bảo vệ và ngăn chặn bất kỳ tình huống siêu lây nhiễm nào. Chỉ xét nghiệm PCR cho ra kết quả âm tính thôi có thể là chưa đủ. Luôn luôn có nguy cơ âm tính giả vì lý do kỹ thuật hoặc gian lận. Arab Saudi đã ghi nhận một số lượng lớn khách du lịch xét nghiệm dương tính tại nước này, dù cho ra kết quả âm tính trước khi khởi hành.
Giãn cách xã hội
Trước Covid-19, dòng người đông đúc và chật cứng. Lần dày, dòng người bên trong Nhà thờ Hồi giáo lớn ổn định và quy củ. Mỗi thời điểm, chỉ có một số lượng hạn chế người được phép vào và phải giữ khoảng cách an toàn với nhau. Cảnh sát và ban quản lý nhà thờ Hồi giáo phụ trách theo dõi và hướng dẫn những người hành hương.
Người hành hương bắt buộc phải đeo khẩu trang, đó là thứ ngăn không cho coronavirus lây lan. Nước này đã áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với bất kỳ ai không mang khẩu trang hoặc cố gắng vào Haram dù không có giấy phép hợp lệ. Hằng ngày, chúng tôi nhận được tin nhắn điện thoại về các khoản phạt lẫn các biện pháp sức khỏe cộng đồng.
hanh%20huong%20trong%20mua%20dich%20anh3
Những người hành hương cầu nguyện bên trong Nhà thờ Hồi giáo Namira ở khu Arafat. Họ phải giữ khoảng cách với nhau theo đúng quy định. Ảnh: Associated Press
Arab Saudi cũng hạn chế rõ rệt số lượng người hành hương – 50.000 mỗi ngày so với sức chứa khổng lồ hàng trăm nghìn người trước đây – khiến việc quản lý người đến và thực thi các biện pháp chống dịch dễ dàng hơn.
Ngoài ra, bữa ăn Iftar (bữa ăn tối khi mặt trời đã lặn) được bọc gọn gàng trong các gói đã niêm phong. Nhãn chỉ dẫn ghi rõ chúng được chế biến trong các điều kiện vệ sinh nghiêm nhặt nhằm loại bỏ nguy cơ lây nhiễm SARS-COV-2. Trước đây, những người hành hương thường ăn bữa Iftar cũng nhau, đôi khi dùng đĩa chung. Đây là một tình huống có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm virus cao.
Bên cạnh đó, không giống như trước đây, mọi người thường tụ tập để lấy nước thánh ZamZam từ các điểm cung cấp nước, giờ đây những người khuân vác sẽ phân phát nó. Họ đổ nước từ các thùng đựng đeo sau lưng vào các chai nước cho người hành hương.
Ứng dụng trên điện thoại di động
Arab Saudi đã đưa ra một biện pháp sáng tạo, đó là sử dụng các ứng dụng trên điện thoại nhằm ghi lại, theo dõi và giám sát lịch sử dịch tễ liên quan đến Covid-19 của một cá nhân. Chúng bao gồm kết quả xét nghiệm và tình trạng tiêm chủng vaccine chống Covid-19. Những ứng dụng này còn được dùng để đăng ký di chuyển ở những nơi công cộng.
Một trong những ứng dụng phổ biến nhất cả nước để truy vết là Tawakkalna. Đây là ứng dụng quan trọng nhất, cần thiết để được phép vào những nơi bạn muốn đến, chẳng hạn như mọi cửa hàng, nhà hàng, khách sạn và phương tiện giao thông. Ứng dụng này yêu cầu một bản chứng nhận kết quả PCR và tiêm chủng để cho phép nhập cảnh.
Những người có kết quả PCR dương tính không được phép di chuyển xung quanh. Ứng dụng có bộ theo dõi vị trí liên tục và cảnh báo nếu ai đó ra khỏi khu vực cho phép. Nếu một nhóm người muốn tụ tập để tổ chức các sự kiện xã hội, họ sẽ xin giấy phép tụ tập trên ứng dụng Tawakkalna. Sau đó, ứng dụng sẽ cung cấp tính năng truy vết trong trường hợp có bất kỳ trường hợp dương tính nào xuất hiện sau sự kiện.
Đối với những người hành hương muốn vào Haram, họ có thể dùng ứng dụng Eatmarna. Đây là ứng dụng do Bộ Hajj và Umrah (cơ quan của chính phủ chuyên phụ trách các vấn đề của người hành hương) tạo ra. Những người hành hương phải đặt chỗ trước một khoảng thời gian trên ứng dụng Eatmarna nếu muốn vào Nhà thờ Hồi giáo lớn, bởi ban tổ chức cần thời gian để xếp chỗ. Ứng dụng này cũng liên kết với ứng dụng Tawakkalna, có nghĩa là việc bạn có được phép vào Haram hay không tùy thuộc vào kết quả PCR và tình trạng tiêm chủng của bạn.
Là một người hành hương ngoại quốc, tôi phải đeo một băng đeo tay có mã vạch để quét xác nhận trạng thái, trong trường hợp hai ứng dụng Tawakkalna hoặc Eatmarna không hoạt động. Người hành hương còn sử dụng ứng dụng Tabaud. Đây là ứng dụng giãn cách xã hội, sử dụng Bluetooth để kiểm tra ứng dụng Tawakkalna của những người xung quanh bạn. Về cơ bản, nó cảnh báo những người gần đó có ai dương tính với Covid-19 hay không.
Với tư cách là nhà bệnh lý học, tôi cho rằng những ứng dụng này rất quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của coronavirus. Chúng hạn chế tình trạng đông đúc, giúp những người không mắc Covid-19 có thể di chuyển mà vẫn hạn chế được các ca mắc Covid-19. Các ứng dụng truy vết theo dõi lịch trình di chuyển – và lưu trữ dữ liệu y tế cũng như dữ liệu cá nhân – đã làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư, đặc biệt nếu dữ liệu rơi vào tay kẻ xấu hoặc bị sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên, tôi cảm thấy việc sử dụng chúng là điều cần thiết trong thời điểm khó khăn này, và các nhà quản lý lẫn bản thân chúng ta nên thực hiện các bước để bảo vệ dữ liệu.
Tránh các tình huống siêu lây nhiễm
Trước đây, thánh địa Mecca là nơi hội tụ của hàng triệu người hành hương, và cũng là điểm bùng phát của nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác nhau – điển hình là bệnh tả. Các bước chống dịch nghiêm nhặt và dứt khoát là cần thiết đối với những cuộc tụ tập đông người. Điều này ngăn chúng trở thành ‘ổ dịch’, điểm nóng siêu lây nhiễm, như những gì đã từng xảy ra ở Ấn Độ và Iran.
Việc Arab Saudi triển khai các biện pháp phòng dịch đối với người hành hương mang lại nhiều bài học cho chúng ta nếu chúng ta muốn tổ chức các sự kiện thể thao, tôn giáo, giải trí lớn. Những người muốn tham gia vào các sự kiện này phải chấp nhận rằng họ sẽ trải qua các bước kiểm tra và giám sát – vì lợi ích của tất cả mọi người.
Điều mà chúng ta cần quan tâm, đó là điện thoại di động là một công cụ rất mạnh trong việc chống lại đại dịch ở tất cả các quốc gia, bao gồm cả những quốc gia ở châu Phi, nơi Internet và điện thoại di động đã phủ sóng hầu khắp khu vực.
(*) Tác giả bài viết là Ahmed Kalebi, Nhà bệnh lý học, giảng viên Khoa Bệnh lý ở Người, Đại học Nairobi. 
Hà Trang tổng hợp
Nguồn: 

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm