Ùn ùn báo công an vì mất tiền cho app Coolcat

Hồng Đào 147 lượt xem 23 Tháng Tư, 2021

Tin quảng cáo của Coolcat, gần 2.000 người đã nạp tiền vào “app đầu tư tài chính” này nhưng nay không thể truy cập, kéo nhau trình báo công an.

Ngày 23/4, hơn 30 người nhốn nháo trước cổng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, để nộp 488 đơn tố cáo bị ứng dụng Coolcat lừa đảo. Chỉ vài người được vào phòng trực ban, số còn lại phải chờ nhiều giờ bên ngoài, gương mặt đầy vẻ lo lắng.

Trời nóng như đổ lửa nhưng ruột gan chị Mai Thanh, 41 tuổi, còn nóng hơn. Chị và những người có mặt ở đây thay mặt nhóm 1.800 nhà đầu tư trên cả nước đã nộp tiền vào Coolcat nhưng ứng dụng này bất ngờ biến mất từ đêm 16/4. Hiện, các tên miền coolcat.vn, coolcat.com.vn, coolcat.link, coolcatapp.com không thể truy cập.

Trước đó, hôm 19/4, hơn 60 người cũng nộp đơn tố cáo Coolcat cho Công an TP HCM. Chưa có thống kê đầy đủ, song ước tính số tiền người dân nộp cho Coolcat lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Nhà chức trách đã vào cuộc điều tra.

to cao coolcat 1
Các nhà đầu tư đến Công an TP HCM gửi đơn tố cáo Coolcat, ngày 23/4. Ảnh: Việt Anh.

Từ đầu năm, Coolcat tung các quảng cáo giới thiệu là công ty bảo hiểm giao dịch đầu tư, hoạt động đã hơn 5 năm, có tập đoàn mẹ ở Anh và được cấp phép bởi Uỷ ban chứng khoán Bahamas. Tại TP HCM, trụ sở công ty nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh.

Website của Coolcat viết rằng họ phát triển khắp thế giới với 6 triệu thành viên, được cơ quan quản lý tài chính các nước đánh giá cao. Coolcat tự nêu là công ty duy nhất bảo hiểm 100% vốn giao dịch ở Việt Nam nên “an toàn tuyệt đối, không sợ thua lỗ”.

Tháng 12/2020, ứng dụng này tổ chức lễ ra mắt tại một khách sạn 5 sao với nhiều người nước ngoài trên sân khấu. Tiệc tất niên tết Tân Sửu cũng được tổ chức ở một khách sạn 5 sao khác. Nhiều người đã tin tưởng Coolcat dù không biết tính hợp pháp.

Khi tham gia Coolcat, nhà đầu tư cài ứng dụng trên điện thoại di động, đăng ký tài khoản và nhận mã giao dịch (ID). Có 6 gói bảo hiểm (cấp 1 đến cấp 6) để mọi người lựa chọn với cam kết “vừa bảo hiểm 100% vốn, vừa nhận lãi mỗi ngày”.

Gói thấp nhất có giá 1,3 triệu đồng, lãi 60.000 đồng một ngày. Gói cao nhất 210 triệu đồng, lãi 9,7 triệu đồng một ngày. Nhà đầu tư muốn mua gói bảo hiểm nào, chỉ cần đăng ký và nộp tiền vào tài khoản ngân hàng của các cá nhân do Coolcat đưa ra.

Mỗi ngày, nhà đầu tư sẽ bấm dự đoán giá vàng, ngoại tệ, tiền ảo Bitcoin… lên hoặc xuống. Nếu đoán đúng, họ nhận 73% tiền thắng. Nếu sai, vốn của họ sẽ bị trừ tiền. Nhưng khi thua liên tiếp 6 lần thì nhà đầu tư phải dừng lại. Khi đó, các chuyên gia Coolcat sẽ “đánh hộ” ván 7 với cam kết thắng 80-90% để bù lỗ. Nếu không, Coolcat sẽ đền 100% số tiền thua của 6 lần trước.

Ngoài việc “bấm bấm” để hưởng lãi, nhà đầu tư còn kiếm tiền bằng cách giới thiệu thành viên mới cho Coolcat, hoa hồng lên đến 1,8 triệu đồng mỗi lần. Một ngày trước khi không thể truy cập, hôm 15/4, Coolcat thông báo nâng tiền hoa hồng lên đến 46 triệu đồng. Các thành viên ồ ạt mời người quen tham gia, để nhận tiền môi giới.

Với tâm lý “được bảo hiểm 100%” nên nhiều nhà đầu tư kể đã nạp hàng trăm triệu cho Coolcat trong hai ngày 14 và 15/4. Có người còn chưa kịp trải nghiệm bấm đoán giá thì app sập. Họ vội đến trụ sở Coolcat ở quận Bình Thạnh mới biết là địa chỉ ảo.

tien ao 1
6 gói bảo hiểm Coolcat lôi kéo các nhà đầu tư. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Run run cầm bút ký vào đơn tường trình với công an, chị Mai Thanh cho biết đang rất lo vì không biết nói sao với chồng về việc này. Hồi đầu tháng 2, chị xin anh 115 triệu đồng nói là tổ chức sinh nhật, vay thêm 50 triệu rồi nạp vào Coolcat. Sau tuần đầu thấy lợi nhuận, chị mạnh tay “chơi” tiếp 400 triệu. “Nghĩ mình đánh nhanh rút nhanh sẽ không sao, nên cứ lãi là tôi rút tiền, nhưng chỉ được vài lần, tổng cộng được vài chục triệu, thì app sập”, chị thẫn thờ kể.

Ngồi cạnh bên hướng dẫn mọi người soạn chồng đơn cao ngất, Chí Thiện (32 tuổi, ngụ quận 6) nói cũng không ngờ 640 triệu đồng để dành cưới vợ đã bị mất trắng. Cuối tháng 2, anh lập thử một tài khoản và lấy lãi quay vòng mở thêm 10 tài khoản khác. Anh nhẩm tính, cứ đà thắng như thế này sẽ đủ tiền làm đám cưới, còn tiền vốn sẽ gửi tiết kiệm. “Tôi mới rút được 10% vốn, giờ chưa biết phải cưới xin thế nào”, chú rể tương lai giọng ngậm ngùi.

Thỉnh thoảng chuông điện thoại lại reo, Thiện thở dài: “Đầu dây bên kia là đại diện của 8 người tỉnh Phú Thọ. Họ xuống tay 1,6 tỷ đồng cho Coolcat nên sốt ruột muốn biết tình hình gửi đơn cho công an thế nào rồi”.

Cầm danh sách những người nhận là nạn nhân (liệt kê danh tính, số tiền và địa chỉ), Thiện thấy số thứ tự đã nhảy lên hơn 1.800. Số tiền tự khai cao nhất là 1,9 tỷ của một phụ nữ ở tỉnh Vĩnh Phúc. Thiện ước tính Coolcat có hơn 68.000 thành viên, dựa trên mã số giao dịch của anh là 57.xxx mở hồi tháng 2 và của bạn là 68.xxx vừa đăng ký mấy hôm.

chu ky 1
Nhà đầu tư ký đơn tố cáo với danh sách hơn 1.800 người. Ảnh: Việt Anh.

Trong dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý, không có tên Công ty bảo hiểm Coolcat hay bất kỳ công ty nào có tên Coolcat.

Theo luật sư Phan Hoàng Khánh Nguyên (Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật, Đoàn Luật sư TP HCM), Coolcat hoạt động theo mô hình đa cấp nhưng không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Họ dùng thủ đoạn gian dối lừa người dùng nộp tiền, rồi chiếm đoạt, là có dấu hiệu phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 và tội Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp theo Điều 217 của BLHS.

Để bảo đảm quyền lợi của mình, những người tham gia Coolcat nên tiếp tục làm đơn tố cáo đến cơ quan công an đề nghị điều tra, làm rõ và khởi tố vụ án, đặc biệt tập trung vào đầu mối là những cá nhân đứng tên các tài khoản ngân hàng nhận tiền đầu tư Coolcat.

Nói về hình thức kêu gọi đầu tư của Coolcat, ông Nguyễn Sơn Hoàng Lê (chuyên viên đầu tư tại Quỹ Đầu tư mạo hiểm 500 Startups Vietnam) cho rằng, nhóm người này sử dụng kịch bản không mới, báo chí từng cảnh báo nhiều lần. “Các nhà đầu tư mắc bẫy do quá ham lãi khủng, quên mất các quy tắc cơ bản nhất trong đầu tư là lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng cao”, ông Lê nói.

Khi thẩm định các sản phẩm, theo ông Lê, nhà đầu tư phải thật tỉnh táo và hiểu rõ tính pháp lý của bên trung gian. Sản phẩm đang được đầu tư là gì, có đang chính tay sở hữu tài sản đầu tư không, và cách hoạt động kinh doanh để tạo ra dòng tiền của tài sản này ra sao. “Nếu sản phẩm là đầu tư gián tiếp, cam kết lợi nhuận khủng, có bảo hiểm không rủi ro như Coolcat thì chính là các dấu hiệu của một thương vụ lừa đảo, đa cấp biến tướng”, ông Lê nêu quan điểm.

Theo VnEpress

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm