Tết Hàn thực mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất.
Tết Hàn thực diễn ra vào ngày 3 tháng 3 (âm lịch), năm nay Hàn thực rơi vào ngày 14.4.2021. “Hàn Thực” với nghĩa “hàn” là “lạnh”, “nguội” và “thực” là “ăn”. Tết Hàn thực của người Việt vẫn mang những sắc thái riêng, mang đậm chất Việt.
Lễ vật được người Việt ta dâng lên bàn thờ tổ tiên ngày này cũng mang một ý nghĩa lớn. Theo phong tục truyền thống của người Việt Nam, Tết Hàn thực, các gia đình thường chuẩn bị bánh trôi, bánh chay để dâng lên bàn thờ tổ tiên.
Văn hóa vùng miền vào ngày này cũng được thể hiện rõ khi người miền Bắc và miền Trung thường làm bánh trôi, bánh chay vào ngày Tết Hàn thực. Trong khi đó, miền Nam thường làm chè trôi nước vào ngày này.
Tương truyền rằng, tục cúng bánh trôi và bánh chay là tượng trưng “bọc trăm trứng” của mẹ Âu Cơ. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển.
Theo thời gian, người Việt đã có nhiều sáng tạo, biến tấu để món bánh này trông đẹp, lạ mắt hơn. Ngoài màu trắng truyền thống của gạo, nếp thì người Việt biến tấu thêm màu vàng (bí đỏ), màu đỏ (quả gấc), màu hồng (củ dền), màu tím (lá cẩm), màu xanh (lá dứa), màu đen của tinh than tre…
Nguyên liệu chính gồm bột gạo, bột nếp, dừa nạo, đường, vừng, nhân bánh là đậu xanh, đậu đỏ hay hạt sen,…
Chọn bánh trôi, bánh chay hay chè trôi nước làm lễ vật trong Tết Hàn thực không chỉ đơn giản là để tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn của con cháu với tổ tiên hay vai thoại con rồng cháu Tiên trong truyền thuyết. Mà còn là thể hiện văn hóa lúa nước của dân tộc ta. Việt Nam nổi tiếng là vùng đất lành thuận lợi phát triển nền nông nghiệp lúa nước.
Hồng Thắm t/h