Đã dừng bước – đôi chân trần “huyền thoại”

Trần Hùng 184 lượt xem 8 Tháng Tư, 2021

Đó là đôi chân trần của Cilmúp Ha K’Riêng, người bưu tá dân tộc Cơ Ho được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Thuở còn làm việc trong ngành bưu điện huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), trong suốt hành trình 13 năm không nghỉ, đôi chân trần của anh đã làm nên kỳ tích, khi từng lội bộ vượt rừng một chặng đường được cộng lại bằng năm vòng chu vi trái đất. Còn giờ đây, ngày 6 tháng 4 năm 2021, đôi chân ấy đã hoàn toàn dừng bước, người Anh hùng đã về với cõi Yàng sau nhiều tháng năm dài chiến đấu với bệnh tật…

Các nhạc sĩ Phạm Tuyên và Huy Thục thăm nhà Anh hùng Cil mup Ha KRiêng
Các nhạc sĩ Phạm Tuyên và Huy Thục thăm nhà Anh hùng Cil mup Ha K’Riêng (Người thứ hai từ trái sang phải)

Vào làm việc tại Bưu điện huyện Lạc Dương từ năm 1982, Ha K’Riêng được phân công về Tổ vận chuyển. Tổ gồm năm người, đảm trách ba tuyến đường thư từ Lạc Dương đi Đạ Cháy, Băng Tiên và Đầm Ròn. Tuyến ngắn nhất là đến Băng Tiên, nói là ngắn nhưng vừa đi vừa về cũng phải mất 12 giờ đi bộ. Còn tuyến gian khổ, nguy hiểm nhất là Lạc Dương – Đầm Ròn với chiều dài đi tắt băng rừng khoảng 70 cây số và đi bộ cả đi cả về mất 24 tiếng đồng hồ. Nếu theo đường lớn thì độ dài khoảng 200 cây số.

Ha K’Riêng là người dân tộc Cơ Ho, sức khoẻ tốt và thông thạo đường rừng. Để vào Đầm Ròn, các anh lên đường từ lúc năm giờ sáng, sẩm tối mới đến nơi. Đường dài, xuyên rừng, nhiều đèo dốc, cao nhất là dốc Đá và dốc Trời. Dốc Đá khi lên mất 60 phút, xuống 45 phút. Dốc Trời khi lên 90 phút, xuống 50 phút. Dốc dựng đứng, phải bám vào cành, rễ cây mà leo, người đi sau chỉ thấy lờ mờ người đi trước vì sương mù dày đặc. Dưới chân núi là những dòng suối sâu, mùa mưa nước chảy xiết. Nhiều lần qua suối, các anh phải chặt cây làm cầu. Mỗi người được trang bị một đôi giày bata. Khổ nỗi, chỉ một vài chuyến đi là đế thủng, bàn chân lại chà xát lên đá giăm đến bật máu. Các bưu tá nghĩ ra cách chế loại dép có đế bằng vỏ xe hơi và quai là sợi mây rừng. Cũng tàm tạm, nhưng chân trần vẫn “bền” và tiện lợi hơn cả, vì có thể bấm vào đá rêu trơn.

Lúc sinh thời, Ha K’Riêng từng kể với tôi, những năm 1975 đến đến 1985, địa bàn ba xã Đầm Ròn là trung tâm hoạt động của Fulro. Chúng thường xuyên tổ chức lực lượng phục kích trên các tuyến đường, gây cho lực lượng ta nhiều tổn thất. Trên những tuyến vận chuyển thư báo, những người bưu tá đi trong tâm trạng hết sức căng thẳng, Fulro có thể phục kích và đe doạ tính mạng bất cứ lúc nào. Để tránh sự chú ý của chúng, họ cải trang như những người lên rẫy. Các anh sắp xếp công văn, tài liệu, thư từ vào đáy gùi, phía trên để các loại vật dụng của người đi rừng. Vào mùa mưa, mỗi người được phát hai tấm ni lông, một cho người và một để bọc tài liệu, nhưng đường đi thường phải luồn rừng, lội suối nên ni lông rất mau hư hỏng. Vì vậy, nhiều khi họ phải lấy tấm ni lông của mình để bọc tài liệu với suy nghĩ, người có ướt thì rồi cũng sẽ khô, còn nếu công văn, thư từ, báo chí ướt sẽ hư hỏng hết…

Có một ký ức buồn, vào tháng 8 năm 1980, hai đồng nghiệp của Ha K’Riêng là Liêng Jrang Ha Hương và Ndu Ha Rang đã hy sinh trên tuyến đường thư. Hôm đó, hai anh Ha Hương và Ha Rang lên đường từ lúc 5 giờ sáng, được trang bị một khẩu súng AR15 để tự vệ. Giữa đường, các anh gặp xe của cơ quan y tế và xin đi nhờ. Vào đến Cổng Trời, bất ngờ Fulro phục kích. Chúng bắn một trái đạn M72 làm xe nổ tung. Nhiều người chết tại chỗ, số còn lại nhảy ra khỏi xe đánh trả lại địch. Với khẩu AR15 trong tay, Ha Hương đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh. Chuyến xe ấy có 11 người chỉ còn lại 1 người sống sót.

Anh hùng Cil mup Ha K’Riêng thời còn là bưu tá chân trần vượt rừng mang thư, báo đến với vùng sâu.

Trên hành trình mười mấy năm làm nhân viên bưu tá vùng sâu, gian khổ, nguy hiểm nhiều không kể hết, nhưng có hai chuyến đi làm Ha K’Riêng nhớ mãi. Lần thứ nhất, vào năm 1984, anh đi cùng với một điện báo viên. Trời tháng bảy mưa gió dầm dề, về đến dốc Đá thì anh bị sốt rét quật ngã, người run cầm cập không tài nào đi tiếp được nữa. Người bệnh, bụng đói, cả hai người chỉ có một ổ bánh mì đem theo từ sáng, ngồi lại bên bìa rừng chia nhau. Không có củi khô để sưởi nên hai anh em đành quấn áo mưa nằm một đêm trong rừng, chờ qua cơn sốt.

Anh hùng Cil mup Ha KRiêng thời còn là bưu tá chân trần vượt rừng mang thư báo dến với vùng sâu
Anh hùng Cil mup Ha K’Riêng thời còn là bưu tá chân trần vượt rừng mang thư, báo đến với vùng sâu.

Lần thứ hai là cuối năm 1986, K’Riêng được phân công đi cùng Ha Sú trong chuyến thư Đầm Ròn. Hôm ấy trời cũng mưa, sương mù dày đặc. Kẻ trước người sau luồn rừng mà đi. Bỗng một con gấu lao ra tấn công Ha Sú. Nhìn thấy đồng nghiệp hai tay giữ chặt miệng con gấu đang lồng lộn hung dữ, K’Riêng tìm cây xà gạc nhưng nó đã rơi mất tự bao giờ. Anh vừa la hét vừa vơ những hòn đá, cành cây lao vào đập, ném tới tấp lên đầu con gấu. Phải một lúc sau con mãnh thú mới chịu buông Ha Sú và chạy thục mạng vào rừng. K’Riêng ôm lấy người đồng nghiệp đã bị móng vuốt con gấu cào xước máu me đầm đìa khắp mặt mũi tay chân…

Gian khổ, vất vả và nguy hiểm như thế, đồng nghiệp của anh có người không chịu nổi đã phải bỏ việc. K’Riêng cũng thú thật, đã từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Nhưng rồi lại nghĩ đến đồng đội đã hy sinh, nghĩ đến đơn vị và nhất là đồng bào của mình. Họ thiếu cái ăn, cái mặc, cái chữ, những lần đưa cái thư, cái tin, tờ báo đến cho họ, họ mừng lắm, quý lắm. Thế là anh lại gạt ý nghĩ tiêu cực khỏi đầu, tiếp tục công việc khó khăn, vất vả nhưng vô cùng ý nghĩa của mình.

Trong suốt 13 năm liền đi bộ, K’Riêng chưa bỏ một chuyến công tác nào mà còn làm thay anh em khi họ ốm đau, hoặc đi thêm các chuyến công văn hỏa tốc. Bình quân mỗi năm, anh đã vượt hơn 10 ngàn cây số đường rừng. Bước chân K’Riêng và những đồng nghiệp của anh ngày đêm không mỏi. Hạnh phúc của những người bưu tá được nhận là những lời cảm ơn, là niềm vui của đồng bào vùng sâu, vùng xa khi những dòng thư của người thân ở nơi xa, của con em đang cầm súng nơi biên giới, hải đảo trở về bên họ. Hạnh phúc của các anh là mang đến cho các cơ quan, đơn vị những tài liệu quan trọng, những trang báo truyền đến những nơi khó khăn ấy những thông tin mới nhất từ mọi miền đất nước và thế giới…

Chú bé Cil múp Ha K’Riêng ngày xưa sống trong túp nhà sàn nơi núi rừng hoang dã Đạ Tông. Đôi bàn chân trần từng thoăn thoắt leo lên những ngọn núi tìm măng, hái quả, bẫy con thú, bắt con chim rừng. Một ngày kia, chú bé ấy trở thành Anh hùng. Trí tưởng tượng của người xưa đã sinh ra câu chuyện cổ tích về đôi hia thần một bước vượt qua ngàn dặm. Câu chuyện thần kỳ ấy đã nhân lên trong mỗi chúng ta khát vọng vượt qua những nẻo đường gian nan bằng đôi cánh ước mơ. Cổ tích của thời hiện đại là đây – đôi chân trần của người đàn ông Cơ Ho đã làm nên kỳ tích. Ha K’Riêng không có phép màu để một bước vượt qua ngàn dặm, nhưng trong tâm hồn người đàn ông với thân hình nhỏ bé ấy là một tinh thần tận tụy và đam mê nghề nghiệp.

Trong ngày buồn đầu tháng 4 này, Cilmúp Ha K’Riêng đã về với cõi Yàng nhưng những người đồng nghiệp và đồng bào trong các buôn làng dưới chân núi Mẹ Lang Bian mãi mãi nhớ về anh với niềm tự hào về người Anh hùng với đôi chân từng làm nên “huyền thoại”…

Theo baodantoc

Bài viết cùng chủ đề:

    5 3

    Du ký Việt Nam: Tại phủ đệ Tuy Lý Vương

    Tôi từng có dịp tình cờ nói về Tuy Lý Vương [Nguyễn Phúc Thư]. Nhưng vài dòng là quá ít đối với một nhân vật tầm cỡ như vậy, nhân vật có thế lực nhất vương quốc sau nhà vua. […] Dù khá kín tiếng và hiếm khi bày tỏ tại hội đồng, nhưng do...
    1 4

    Du ký Việt Nam: Lễ Nghinh Xuân

    Mỗi năm vua chỉ ra ngoài từ ba đến bốn lần, không nhiều hơn, đặc biệt là vào dịp lễ Nghinh Xuân, lễ Tịch Điền và lễ viếng lăng mộ của các vị vua mang tính bắt buộc. Lẽ ra chuyến du ngoạn vào dịp lễ Nghinh Xuân diễn ra cách đây sáu tuần. Một...
    20

    Du ký Việt Nam: Huế và vùng ngoại ô

    Chúng tôi lênh đênh trên biển nội địa này trong khoảng 4 giờ và rời đồn Thuận An [Trấn Hải đài] nằm ở bên phải, án ngữ con lạch nối biển với hệ đầm phá nhưng hiếm khi lưu thông được. Sáng nay gió thổi rất mát; sóng biển cuồn cuộn. Ba quả cầu treo...
    1

    Du ký Việt Nam: Trên đèo Hải Vân

    Đêm rất lạnh. Đèo chỉ cao 420 m. Nhưng gió thổi dữ dội khiến ta cảm thấy nhiệt độ như ở dãy Alpes, lạnh buốt, đặc biệt là khi một đám mây dày đặc bất chợt bay qua và đổ xuống núi một trận mưa như trút nước. Nhiệt kế tụt xuống 8 độ C....

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Cổ tích Miếu Hội Tân Châu

    Trong dân gian, có lẽ do chịu ảnh hưởng tục của người Hoa, người ta gọi ngôi đình làng là miễu, có nơi gọi là miếu võ, thần từ hoặc cổ miếu… Miếu thờ tứ vị vương Giới thiệu cho chúng tôi xem hình ảnh ngôi miếu bằng tre lá ngày xưa, ông từ giữ...

Được quan tâm