Doanh nghiệp chế xuất cần được tháo nút thắt

Trần Hùng 158 lượt xem 2 Tháng Một, 2021
thiet ke xay dung nha xuong thuc pham 0
Ảnh minh họa

Gỡ vướng hoàn thuế

Cục Hải quan Hà Nội phản ánh, hiện đơn vị đang quản lý 188 doanh nghiệp chế xuất trong đó 171 doanh nghiệp cấp trước nghị định 82/2018/NĐ-CP và 17 doanh nghiệp cấp sau khi nghị định có hiệu lực vào 10/7/2018.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 30 của nghị định thì các doanh nghiệp đăng ký là doanh nghiệp chế xuất phải có khả năng đáp ứng điều kiện giám sát hải quan; tuy nhiên sau khi Nghị định ban hành lại chưa có Thông tư quy định và văn bản hướng dẫn thế nào là có khả năng đáp ứng điều kiện giám sát của cơ quan Hải quan.

Thực tế này dẫn tới vướng mắc, các doanh nghiệp mới làm thủ tục xin cấp phép thì chưa có cơ sở vật chất, nhà xưởng, máy móc thiết bị thì chi cục hải quan kiểm tra xác nhận như thế nào?

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khi nhập khẩu máy móc trang thiết bị để xây dựng cơ sở sản xuất nhưng do chưa đủ điều kiện là doanh nghiệp chế xuất nên mở tờ khai phải nộp thuế, nhưng sau khi xây dựng xong đảm bảo điều kiện giám sát hải quan thì lại không được hoàn thuế, do Luật Thuế số 107 và Nghị định 134/2016/NĐ-CP không quy định hoàn thuế với đối tượng này.

Ngoài ra, thực tế hiện nay cũng chưa có quy định hướng dẫn đồng bộ về điều kiện giám sát giữa các doanh nghiệp cấp trước và sau khi nghị định 82/2018/NĐ-CP có hiệu lực, dẫn tới 171 doanh nghiệp đã được cấp trước, các doanh nghiệp xin cấp mở rộng chưa đáp ứng điều kiện giám sát về hệ thống camera và phần mềm quản lý xuất-nhập-tồn kết nối trực tiếp với cơ quan Hải quan gặp vướng mắc trong quá trình xử lý.

Chính vì vậy, tại cuộc họp mới đây, lãnh đạo Cục Hải quan Hà Nội đã đề nghị Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ Tài chính đề xuất chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 hướng dẫn Luật Thuế xuất nhập khẩu để giải quyết các vướng mắc trên cho các chế xuất.

Đồng thời, có văn bản hướng dẫn lộ trình cụ thể yêu cầu các doanh nghiệp được cấp trước khi Nghị định 82/2018/NĐ-CP có hiệu lực phải hoàn thiện các điều kiện kiểm tra giám sát để đảm bảo yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan.

Đặc biệt, Cục Hải quan Hà Nội cũng đề xuất bổ sung quy định cho phép được hoàn thuế đối với các doanh nghiệp cấp sau 82/2018/NĐ-CP nhưng do chưa có văn bản hướng dẫn nên trước đây đã nộp thuế với máy móc, thiết bị, nguyên liệu nhập khẩu theo loại hình khác nay đủ điều kiện giám sát hải quan xin hoàn lại thuế đã nộp.

Sửa tại Nghị định 134 sửa đổi

Theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị định 82/2018/NĐ-CP, cơ quan Hải quan phải có ý kiến về khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan trước khi cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc xác nhận bằng văn bản cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, pháp luật thuế XNK, hải quan đều chưa có quy định về các điều kiện để xác định khu phi thuế quan dẫn đến cơ quan Hải quan không có cơ sở để cung cấp văn bản xác nhận về khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan cho các doanh nghiệp đang xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP.

Với quy định này, hiện cơ quan Hải quan cũng phát sinh vướng mắc về việc chưa có căn cứ pháp lý để xác nhận về khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan cho các doanh nghiệp chưa hoàn thành dự án hoặc đang trong quá trình triển khai dự án.

Do vậy, để xử lý vướng mắc phát sinh này, trong thời gian chưa kịp sửa Nghị định 82/2018/NĐ-CP, Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính và được Bộ Tài chính đồng ý về việc bổ sung quy định này vào dự thảo Nghị định sửa Nghị định 134/2016/NĐ-CP nhằm tháo gỡ vướng mắc phát sinh cho cả cơ quan Hải quan và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát vướng mắc hoạt động quản lý doanh nghiệp chế xuất. Trong đó Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, tham mưu, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng bổ sung quy định chi tiết điều kiện về khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp chế xuất để được hưởng ưu đãi là khu phi thuế quan tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 134/2016/NĐ-CP.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 82/2018/NĐ-CP để quy định rõ các hoạt động của doanh nghiệp chế xuất như: Hoạt động bán sản phẩm do doanh nghiệp chế xuất ra vào thị trường nội địa; hoạt động cung cấp dịch vụ cho thuê mượn máy móc, thiết bị hoặc dịch vụ sửa chữa của doanh nghiệp chế xuất vào thị trường nội địa; hoạt động thuê kho nằm ngoài các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế để lưu giữ nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị của doanh nghiệp chế xuất và cơ chế quản lý đối với trường hợp này…

Đồng thời, theo đề xuất của Bộ Tài chính trong quá trình xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 82/2018/NĐ-CP cần phải đánh giá tổng thể việc áp dụng cơ chế riêng cho doanh nghiệp chế xuất được hưởng chế độ phi thuế quan mà không nằm trong các khu chế xuất như hiện nay. Đánh giá vai trò của doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất đối với nền kinh tế để có cơ chế phù hợp đối với loại hình doanh nghiệp này tránh thành lập doanh nghiệp được hưởng ưu đãi vượt trội nhưng hoạt động trong các ngành nghề không khuyến khích về đầu tư.

N.Linh

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm